Việc xác định lỗi để làm căn cứ bồi thường là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Vậy trong những vụ tai nạn giao thông liên hoàn, trách nhiệm bồi thường được ghi nhận như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Tai nạn giao thông liên hoàn, trách nhiệm bồi thường thế nào?
Hiện nay, các vụ tai nạn giao thông liên hoàn xảy ra ngày càng nhiều, nguyên nhân ban đầu xuất phát từ các lái xe đã không kiểm soát được tốc độ của mình để xảy ra các vụ tai nạn liên tiếp gây tổn thất về cả tài sản và con người. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Tai nạn giao thông liên hoàn thì trách nhiệm bồi thường được xác định như thế nào? Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Căn cứ theo quy định tại Điều 584 của Bộ luật dân sự năm 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cụ thể như sau:
– Người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người khác, có hành vi xâm phạm đến danh dự nhân phẩm và uy tín, xâm phạm đến tài sản và quyền lợi hợp pháp của người khác dưới bất kỳ hình thức nào mà gây ra thiệt hại trên thực tế thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác;
– Người gây ra thiệt hại sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại xảy ra trên thực tế xuất phát từ sự kiện bất khả kháng nằm ngoài ý chí của con người, thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Do vậy có thể nói, trong các vụ tai nạn giao thông liên hoàn, cần phải tiến hành hoạt động xác định lỗi của các bên gây ra tai nạn giao thông. Để có thể xác định được mức độ lỗi thì cần phải có sự tham gia điều tra của các cơ quan điều tra và lực lượng chức năng có liên quan. Theo đó, nếu như xác định các bên gây ra tai nạn giao thông đều có lỗi thì cần phải thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 587 của Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ tương ứng với mức độ lỗi của các bên trong vụ tai nạn giao thông liên hoàn đó.
Cụ thể, Điều 587 của Vô lớp dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra. Theo đó thì có thể hiểu, trong trường hợp do người cùng gây ra thiệt hại trên thực tế thì những người này cần phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho bị hại, trách nhiệm bồi thường của những người cùng gây ra thiệt hại sẽ được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi bên, nếu như có thể xác định được mức độ lỗi của mỗi bên thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng một phần tương đương nhau.
Ngoài ra, thiệt hại có thể được xác định trong vụ tai nạn giao thông liên hoàn cần được bồi thường sẽ được áp dụng theo Điều 590 của Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể như sau:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa và bồi dưỡng, chi phí cho quá trình phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất của người bị hại;
– Thu nhập thực tế hoặc thu nhập bị giảm sút của người bị thiệt hại, nếu như thu nhập thực tế của bị hại không ổn định và không thể xác định được thì cần phải áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại trên thị trường;
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian người bị thiệt hại điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, nếu như người bị thiệt hại mất khả năng lao động trên thực tế và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại cần phải bồi thường còn bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
– Thiệt hại về tài sản, chi phí phải bỏ ra để sửa chữa và cải tạo tài sản;
– Một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại cần phải gánh chịu, mức bồi thường bù đắp về tinh thần sẽ do các bên tự thỏa thuận, nếu như không thỏa thuận được thì mức tối đa sẽ không quá 50 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.
Do vậy có thể nói, nếu như vụ tai nạn giao thông xảy ra, mỗi bên đều có một phần lỗi nhất định thì cần phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường theo như phân tích nêu trên. Mức độ bồi thường như thế nào sẽ do các bên tự thỏa thuận và phụ thuộc vào mức độ lỗi của mỗi bên. Mức bồi thường này sẽ dựa trên sự thương lượng có tính đến yếu tố thiệt hại trên thực tế và hoàn cảnh của các bên, nếu như không xác định được mức độ lỗi thì mỗi bên sẽ bồi thường một phần tương đương nhau.
2. Tai nạn giao thông liên hoàn có được bảo hiểm chi trả không?
Có thể nói, trong trường hợp chủ phương tiện gây ra tai nạn giao thông liên hoàn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên thực tế thì các công ty bảo hiểm vẫn sẽ phải giải quyết và chi trả chế độ bồi thường giống như những vụ tai nạn giao thông thông thường khác. Tuy nhiên quá trình giải quyết và giám định thiệt hại trong các vụ tai nạn giao thông liên hoàn sẽ tốn nhiều thời gian và thủ tục phức tạp hơn rất nhiều. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, mức độ chi trả của bảo hiểm trong trường hợp chủ phương tiện chỉ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự:
– Trong trường hợp nếu như chủ phương tiện chỉ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì các công ty bảo hiểm sẽ chỉ có nghĩa vụ thanh toán và chi trả bồi thường cho người thứ ba, tức là những người bị tai nạn trên thực tế theo quy định của pháp luật, tối đa là 100.000.000 đồng/vụ tai nạn, và không giới hạn số người trong một vụ tai nạn giao thông nhất định;
– Đối với trường hợp bên thứ ba bị xác định có thương tật và thương tích thì sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả theo tỷ lệ thương tích đã được ghi nhận trong hợp đồng bảo hiểm được giao kết ban đầu;
– Trong trường hợp có thiệt hại về tài sản thì các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiến hành hoạt động bồi thường cho những thiệt hại về tài sản và vật chất của người bị thiệt hại theo mức độ thiệt hại thực tế của tài sản.
Thứ hai, mức độ chi trả của bảo hiểm trong trường hợp chủ phương tiện mua bảo hiểm vật chất, như sau:
– Nếu như chủ phương tiện mua bảo hiểm vật chất tại các doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của pháp luật thì sẽ được các công ty bảo hiểm chi trả toàn bộ giá trị tổn thất trong phạm vi bảo hiểm của công ty bảo hiểm, khi xảy ra các vụ tai nạn trên thực tế thì chủ phương tiện cần phải tiến hành hoạt động thông báo cho các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp bảo hiểm, cần phải giữ nguyên hiện trường vụ việc tai nạn để có thể tiến hành hoạt động giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất gây ra vụ tai nạn đó;
– Nếu chủ phương tiện tham gia bảo hiểm thì cần phải thông báo ngay cho các công ty bảo hiểm và chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết để yêu cầu chi trả bảo hiểm bao gồm: Giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường bảo hiểm theo mẫu do pháp luật quy định, giấy đăng ký xe và giấy phép lái xe được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kĩ thuật và biên bản giám định thiệt hại đối với vụ tai nạn giao thông, biên bản kết luận của cơ quan công an và cơ quan điều tra;
– Cơ quan bảo hiểm sẽ căn cứ vào việc xác định lỗi của các cơ quan điều tra để tiến hành hoạt động bồi thường đối với các vụ tai nạn giao thông. Nếu xét thấy lỗi không thuộc về chủ phương tiện thì phương tiện gây ra tai nạn và chủ phương tiện đó có thể tự làm việc và thỏa thuận với nhau để thống nhất phương án bồi thường sao cho hợp lý, hoặc chủ phương tiện có thể tiến hành hoạt động ủy quyền cho công ty bảo hiểm và sử dụng dịch vụ luật sư để đàm phán với xe gây ra tai nạn về phương án bồi thường thiệt hại. Nếu như lỗi thuộc về chủ phương tiện thì công ty bảo hiểm sẽ hỗ trợ chủ phương tiện bồi thường về những thiệt hại thể chất và tài sản cho những người còn lại trong vụ tai nạn, mức độ bồi thường tối đa trong trường hợp này được xác định là 100.000.000 đồng/vụ tai nạn và nếu xảy ra thương tích thì sẽ tiến hành hoạt động bồi thường theo bảng tỷ lệ thương tật đã được ghi nhận trong hợp đồng bảo hiểm.
3. Xác định lỗi trong vụ tai nạn giao thông liên hoàn:
Khi xảy ra tai nạn giao thông liên hoàn theo như phân tích ở trên thì cần phải giữ nguyên hiện trường và thông báo cho các cơ quan chức năng nơi gần nhất để đến giải quyết theo quy định của pháp luật. Cần phải xác định lỗi thuộc về ai trong vụ tai nạn giao thông liên hoàn đó, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ nhanh chóng tiến hành hoạt động đo đạc và khám nghiệm hiện trường để tìm ra nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn. Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, có quy định về nguyên tắc chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển các phương tiện giao thông trên đường bộ:
– Khi tham gia giao thông trên đường bộ thì người điều khiển phương tiện cần phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe với nhau được ghi trên biển báo hiệu đường bộ;
– Tại những đoạn đường không được bố trí biển báo hiệu hoặc bố trí biển báo hiệu hạn chế tốc độ và cần phải giữ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe thì người điều khiển phương tiện cần phải tuân thủ theo quy định này;
– Người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ cần phải điều khiển xe chạy với tốc độ phù hợp với điều kiện cầu đường và mật độ giao thông tại thời điểm lưu thông, lái xe phù hợp với địa hình và thời tiết cũng như các yếu tố ảnh hưởng khác để đảm bảo cho quá trình lưu thông được an toàn.
Từ những quy định trên thì có thể thấy, khi tham gia giao thông đường bộ thì người điều khiển phương tiện cần phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về tốc độ và khoảng cách an toàn tối thiểu giữa các xe với nhau theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hiện nay thì tốc độ tối đa cho phép khai thác trên đường và trên cao tốc sẽ không vượt quá 120km/h. Đối chiếu với Điều 11 của Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe hiện nay được xác định là 100m.
Theo phân tích nêu trên, thì có thể nói, trong trường hợp khám nghiệm hiện trường cho thấy tất cả các xe trong vụ tai nạn giao thông liên hoàn đều vi phạm quy định về tốc độ và giữ khoảng cách an toàn khi tham gia giao thông theo quy định của pháp luật thì những xe phía sau xe có lỗi, khi đó các xe phía sau sẽ cần phải bồi thường cho xe phía trước và cứ thế cho đến xe đầu tiên. Trong trường hợp, có xe ở giữa dù đã đảm bảo các quy định về khoảng cách an toàn tối thiểu và tốc độ, xe này đã dừng ngay khi xe trước mình xảy ra sự cố tuy nhiên bị xe phía sau đẩy về phía trước gây ra vụ va chạm không đáng có, thì xe ở giữa sẽ được xác định là không có lỗi và việc xảy ra va chạm do tác động của xe phía sau, vì vậy cho nên chủ phương tiện của xe ở giữa sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho xe mà mình đâm vào, mà xe có lỗi ở phía sau sẽ phải bồi thường cho tất cả các xe ở phía trước theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Giao thông đường bộ năm 2019;
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.