Hòa giải là các bên tranh chấp tự giải quyết tranh chấp của mình một cách ổn thỏa với nhau. Vậy trong vụ tai nạn giao thông hai bên tự hòa giải với nhau được không?
Mục lục bài viết
1. Tai nạn giao thông hai bên tự hòa giải với nhau được không?
Theo quy định của pháp luật, nếu như vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm thì vụ tai nạn giao thông đó phải được người có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để thực hiện điều tra theo các quy định mà Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định. Phương pháp điều chỉnh của ngành luật hình sự đó chính là phương pháp mệnh lệnh-phục tùng. Trong quan hệ pháp luật hình sự thì Nhà nước có quyền buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự, phải chịu các hình phạt; người phạm tội có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện các trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt và việc chấp hành này không thể tránh khỏi vì nó đã được bảo đảm bằng cưỡng chế của Nhà nước. Theo đó, những quy phạm pháp luật hình sự đều có cách thức tác động chung đó là bắt buộc người phạm tội trong trường hợp nhất định phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý đó là trách nhiệm hình sự. Chính vì thế, nếu như vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và người gây ra tai nạn giao thông bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự thì giữa các bên trong vụ tai nạn giao thông không thể tự hòa giải với nhau được. Thêm nữa, tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2021 quy định khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các tội sau khi có yêu cầu của bị hại:
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác;
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh;
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
– Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
– Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính;
– Tội hiếp dâm;
– Tội cưỡng dâm;
– Tội làm nhục người khác;
– Tội vu khống.
Như đã thấy, tội phạm liên quan đến giao thông không thuộc một trong các tội phạm khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Thế nên, càng khẳng định được rằng giữa các bên trong vụ tai nạn giao thông mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không thể tự hòa giải với nhau được.
Còn trong trường hợp vụ tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có). Người có thẩm quyền xử lý vụ tai nạn giao thông sẽ cho các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông tự giải quyết việc bồi thường thiệt hại dân sự tại trụ sở của cơ quan, đơn vị. Trường hợp các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông mà không tự thỏa thuận về việc giải quyết bồi thường thiệt hại dân sự thì người có thẩm quyền phải lập biên bản, đồng thời hướng dẫn các bên trong vụ tai nạn giao thông liên hệ với Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
2. Các bên tự thỏa thuận các khoản tiền nào trong bồi thường tai nạn giao thông?
Trong vụ tai nạn giao thông, các bên tự thỏa thuận các khoản tiền sau trong bồi thường tai nạn giao thông:
Thứ nhất: tiền thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, bao gồm:
– Tài sản bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng (tài sản có thể là phương tiện giao thông,..);
– Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác các tài sản bị hư hỏng…
Thứ hai: thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm, bao gồm:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông;
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
-Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông ở trong thời gian điều trị; nếu như người bị thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại phải bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
– Thiệt hại khác do pháp luật quy định;
– Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp về tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Thứ ba: thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, bao gồm:
– Thiệt hại do sức khỏe của người bị thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông bị xâm phạm;
– Chi phí hợp lý cho việc tổ chức mai táng;
– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông có nghĩa vụ cấp dưỡng;
– Thiệt hại khác do pháp luật quy định;
– Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp về tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người bị thiệt hại thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Lưu ý rằng, trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, pháp luật sẽ căn cứ vào yếu tố có lỗi để xử lý vụ tai nạn. Tuy nhiên, theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, phương tiện giao thông được coi là một nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cả khi họ không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại đã xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hai; Thiệt hại đã xảy ra trong trường hợp bất khả kháng và tình thế cấp thiết.
3. Trách nhiệm của các bên trong vụ tai nạn giao thông:
3.1. Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông:
Người điều khiển phương tiện và những người có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
– Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu những người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
– Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp là người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc là phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng họ phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
– Cung cấp các thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
3.2. Trách nhiệm của người có mặt ngay tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông:
Những người có mặt ngay tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
– Bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông;
– Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị tai nạn giao thông;
– Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc cho Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;
– Bảo vệ tài sản của người bị tai nạn giao thông;
– Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3.3. Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi đã xảy ra vụ tai nạn giao thông:
Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi đã xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2021;
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Thông tư 63/2020/TT-BCA quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.