Tài chính luôn tồn tại, vận động và phát triển gắn liền với sự phát triển của xã hội. Trong nền kinh tế xuất hiện các quỹ tiền tệ để đáp ứng nhu cầu hoạt động của các chủ thể. Và khái niệm tài chính công ra đời cùng với sự ra đời của quỹ tiền tệ của Nhà nước.
Mục lục bài viết
1. Tài chính công là gì?
Tài chính được hiểu là: có biểu hiện bên ngoài là các hiện tượng thu, chi bằng tiền; có nội dung vật chất là các nguồn tài chính, các quỹ tiền tệ; có nội dung kinh tế bên trong là các quan hệ kinh tế quan hệ phân phối dưới hình thức giá trị hay quan hệ tài chính, nảy sinh trong quá trình phân phối các nguồn tài chính nhằm tạo lập hoặc sử dụng các quỹ tiền tệ .
Về thuật ngữ “Công” hay “công cộng” thì trên phạm vi cả quốc gia, “Công” cần được hiểu là : Toàn quốc , toàn xã hội , cả cộng đồng, loại trừ “Công” trong phạm vi hẹp của một nhóm người, một tập thể, một tổ chức.
Trong hoạt động đời sống, hoạt động tài chính thể hiện dưới các hiện tượng thu, chi bằng tiền gắn liền với việc tạo lập hoặc sử dụng các quỹ tiền tệ nhất định. Trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế, gắn liền với sự hoạt động của các chủ thể trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội khách nhau có các quỹ tiền tệ khác nhau như quỹ tiền tệ của các hộ gia đình, quỹ tiền tệ của các doanh nghiệp, quỹ tiền tệ của các tổ chức bảo hiểm, tín dụng, các quỹ công. Quỹ công là một bộ phận của quỹ tiền tệ trong nền kinh tế và có mối quan hệ vơi các quan hệ khác. Các quỹ công được tạo lập gắn liền với quyền lực kinh tế và chính trị của Nhà nước, thực hiện các chức năng kinh tế- xã hội của Nhà nước. Từ đó các quỹ công là tổng số các nguồn lực tài chính đã được tạp trung vào trong tay Nhà nước và được Nhà nước sử dụng trong việc thực hiện các nhiệm vụ xã hội của mình. Quá trình hình thành và sử dụng các quỹ công chính là quá trình Nhà nước tham gia phân phối các nguồn tài chính tông quá các hoạt động thu, chi bằng tiền của tài chính công.
Từ đó, có thể hiểu ” Tài chính công là tổng thể các hoạt động thu, chi bằng tiền do Nhà nước tiến hành, tài chính công thể hiện các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình tạo lập, sử dụng, quản lý các quỹ công nhằm phục vụ thực hiện các chức năng của Nhà nước và đáp ứng các nhu cầu, lợi ích chung của toàn xã hội “.
2. Tài chính công tiếng Anh là gì?
Tài chính công tiếng Anh là “Public Finance”.
3. Đặc điểm của tài chính công:
Từ khái niệm Tài chính công ở trên, có thể thấy các đặc trưng của Tài chính công như sau:
– Tài chính công thuộc sở hữu công cộng, sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện, thường gọi là sở hữu nhà nước. Quá trình tạo lập cũng như sử dụng quỹ tài chính công do nhà nước quyết định và thực hiện theo những quy định mà pháp luật quy định.
Các nguồn tài chính, các quỹ tiền tệ trong Tài chính công được sở dụng vì lợi ích chung của toàn xã hội, của toàn quốc, của cả cộng đồng, vì mục tiêu kinh tế vĩ mô, không vì mục tiêu lợi nhuận. Trong hoạt động tài chính công thì gồm các quan hệ giữa nhà nước với các chủ thể khác nhau trong nền kinh tế khi đó, lợi ích chung được đặt lên hàng đầu và chi phối các quan hệ khác.
– Về chủ thể trong tài chính công, các hoạt động thu, chi bằng tiền trong Tài chính công do Nhà nước hoặc các cơ quan , tổ chức của Nhà nước được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động thu, chi đó.
Tài chính công có phạm vi hoạt động rộng trên hầu hết tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng văn hóa,…
– Thu nhập của tài chính công được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau, sản xuất, kinh doanh, lưu thông, ở trong nước, ngoài nước,… Và thu nhập của tài chính công được lấy về bằng nhiều hình thức cũng như những phương pháp khác nhau.
4. Vai trò của tài chính công:
Tài chính công là công cụ đảm bảo nguồn lực tài chính cho việc tồn tại và hoạt động có hiệu quả của nhà nước. Tài chính công huy động các nguồn lực từ mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế, địa vị xã hội để hình thành nên nguồn tài chính cho toàn quốc gia.
Sau khi đã huy động được nguồn tài chính, thì tài chính công đóng vai trò phân phối nguồn đó cho từng các chủ thể, đảm bảo sự hoạt đông của toàn bộ máy nhà nước và thực hiện các chức năng của nhà nước. Và tài chính công thực hiện việc kiểm tra giám sát, đảm bảo cho các nguồn tài chính đã phân phối được sử dụng một cách hiệu quả, hợp lý, đúng mục đích.
Tài chính công mà trong đó đặc biệt là Ngân sách nhà nước đóng vai trò chỉ đạo trong nền kinh tế nhà nước. Tài chính công thực hiện thu các khoản thu các chủ thể khác trong nền kinh tế để tạo lập quỹ tiền tệ chung. Và tài chính công cũng thực hiện các hoạt động đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đầu tư cho khoa học công nghệ, trang thiết bị,… tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trong nền kinh tế mở rộng, phát triển.
Tài chính công đóng vai trò định hướng, hướng dẫn cho hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế như việc hướng dẫn tiêu dùng, đầu tư qua các chính sách về thuế
Tài chính công thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh doanh, định hướng đầu tư, điều chỉnh cơ cấu của nền kinh tế theo lãnh thổ, ngành nghề, lĩnh vực,.. ví dụ như việc miễn giảm thuế tại các khu vực công nghiệp, khu vực có điều kiện khó khăn,… nhằm thu hút đầu tư vào các khu vực này.
Tài chính công can thiệp, điều tiết thu nhập xã hội bằng công cụ thuế, để giảm bớt thu nhập cao, nâng dần các thu nhập thấp, thực hiện các hoạt động về an sinh xã hội, giúp đỡ các trường hợp khó khăn như trẻ em mồ côi, người khuyết tật,…
5. Nội dung tài chính công:
Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong Tài chính công. Thu của Ngân sách nhà nước được lấy từ mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội khác nhau, trong đó thuế là nguồn thu chủ yếu. Chi tiêu của Ngấn sách nhà nước nhằm duy trì sự tồn tại hoạt động của bộ máy nhà nước và phụ vụ thực hiện các chức năng của nhà nước.
Ngân sách nhà nước được chia thành cấp ngân sách trung ương và cấp ngân sách địa phương. Ngân sách nhà nước được sử dụng trong các lĩnh vực, mục tiêu khác nhau, nhằm phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, dùng trong an ninh, xã hội, quốc phòng.
Tín dụng nhà nước bao gồm hoạt động đi vay và cho vay của Nhà nước. Tín dụng nhà nước được sử dụng để hỗ trợ ngân sách nhà nước trong các trường hợp cần thiết. Nhà nước động viên các nguồn tài chính tạm thời của các pháp nhân, thể nhân trong xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội. Nhà nước thực hiện hoạt động đi vay thông qua con đường phát hành Trái phiếu Chính phủ: phát hành Tín phiếu Kho bạc nhà nước; Trái phiếu Kho bạc nhà nước; trái phiếu công trình; trái phiếu đô thị; công trái quốc gia
Các quỹ tài chính nhà nước ngoài Ngân sách nhà nước, là các quy tiền tệ tập trung do Nhà nước thành lập, quản lý và sử dụng nhằm cung cấp nguồn lực tài chính cho việc xử lý những biến động bất thường trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội để hỗ trợ cho Ngân sách nhà nước trong trường hợp khó khăn về nguồn tài chính. Nguồn tài chính được huy động để thành lập các quỹ này đó chính là từ một phần trích từ Ngân sách nhà nước và một phần huy động từ các nguồn tài chính trong xã hội (từ các tổ chức kinh tế, xã hội và các tầng lớp dân cư). Các quỹ tài chính nhà nước ngoài Ngân sách nhà nước điển hình như Quỹ Dữ trữ nhà nước; Quỹ Dự trữ tài chính; Quỹ Dự trữ ngoại hối do; Quỹ bảo vệ môi trường; Quỹ bảo hiểm xã hội;… Các quỹ này không chịu sự điều chỉnh của
6. Phân biệt tài chính công với tài chính của các tổ chức, cá nhân:
Phân biệt tài chính công với tài chính của các tổ chức, cá nhân (tài chính tư) ở phương diện sau:
Mục đích của tài chính công là duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước để đảm nhiệm hiệu quả các chức năng của Nhà nước đối với xã hội. Khác với tài chính tư có mục đích lợi nhuận hoặc thỏa mãn nhu cầu cá nhân, mục đích của tài chính công là nhằm đảm bảo sự tồn tại vững chắc của quốc gia về phương diện chính trị, phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi xã hội cho công dân của mình
Tài chính công chủ yếu được thực hiện thông qua cơ chế quyền lực nhà nước mà không phải cơ chế thỏa thuận. Các quyết định thu thuế hay phân bổ ngân sách đều được thực hiện dưới hình thức quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với tài chính công, nguồn vốn chủ yếu mà nhà nước có được là từ sự đóng góp không hoàn trả của cá nhân, tổ chức trong xã hội dưới hình thức thuế và các hình thức khác và sau đó, nguồn vốn này được phân bố lại cho xã hội. Đối với tài chính tư, nguồn vốn chủ yếu có được từ sự thu nhập và việc phân bố lại cũng hạn chế.
Hoạt động tài chính công phải tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc công khai minh bạch do liên quan đến tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội, còn hoạt động tài chính tư thì việc công khai cũng được thể hiện nhưng với yêu cầu thấp hơn.
Hoạt động tài chính công phải thể hiện nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của Nhà nước, mà ở đó, mức độ tham gia và thụ hưởng của công dân trong hoạt động tài chính nhà nước hầu như không phụ thuộc vào khả năng đóng góp của bản thân họ , trong khi đó nguyên tắc này rất hạn chế trong hoạt động tài chính tư.