Pháp nhân là một thực thể pháp lý được ghi nhận khá sớm trong lịch sử thế giới, từng được đưa ra luận bàn với nhiều quan điểm trái chiều trong giới khoa học hình sự, đặc biệt là trong các hệ thống pháp luật khác nhau.
Mục lục bài viết
1. Lịch sử ra đời của pháp nhân trong pháp luật hình sự:
Pháp nhân là một thực thể pháp lý được ghi nhận khá sớm trong lịch sử thế giới và từng được đưa ra luận bàn với những quan điểm trái chiều trong giới khoa học hình sự, đặc biệt là trong các hệ thống pháp luật khác nhau.
Thứ nhất, hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa (Civil law)
Ở thời kỳ pháp luật La Mã, các quan niệm về pháp nhân đã dần manh nha và hình thành. Thủa ban đầu, tư cách pháp nhân được xác lập duy nhất với thực thể nhà nước; tuy nhiên trong quá trình phát triển, pháp nhân nhà nước được gắn thêm một số chế định công như thành, bang, các khu vực tự quản, hay thuộc địa. Chế định TNHS của pháp nhân trong thời La Mã tuy chưa được ghi nhận trong luật thực định, tuy nhiên những ghi chép của nhà sử Dionysius of Halicarnassus cho thấy sự tồn tại của pháp nhân với tư cách là chủ thể của TNHS với các ví dụ về tổ chức bị trừng phạt do bản thân liên quan tội ác cụ thể, hình phạt được áp dụng thậm chí còn cho toàn bộ thành phố, như thanh phố Capua vì đã đầu hàng Hannibal. Ở thời kỳ cuối, pháp luật thực định mở rộng phạm vi của chế định pháp nhân đồng thời phân thành hai loại: universitates personarum – nhóm hoạt động trong phạm vi tôn giáo, hành chính, tài chính và kinh tế; universitates bonorum – nhóm hoạt động trong phạm vi lĩnh vực từ thiện và phúc lợi. Đồng thời luật cũng ghi nhận sau khi được tạo lập, các thực thể này có danh tính riêng, tài sản tách biệt với người sáng lập và có quyền và nghĩa vụ.
Dưới thời phong kiến dưới sự ảnh hưởng của luật La Mã, các quan niệm về TNHS của pháp nhân trở nên phổ biến trong thế kỷ XII đến thế kỷ XIV; tuy nhiên, việc áp đặt TNHS cho thực thể này (universitates) chỉ xảy ra khi hành động phạm tội mang tính chất tập thể từ thành viên. Các quan niệm về ý chí phạm tội hay lỗi (men rea) của pháp nhân nảy sinh và được bàn luận nhiều hơn khi giáo hoàng Innocent IV cho rằng pháp nhân là thực thể không có thật do không tồn tại linh hồn và thể xác.
Từ sau thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII, các học thuyết bắt đầu công nhận ý chí riêng của pháp nhân thông qua các quyết định mang tính tập thể, đồng thời cũng giới hạn phạm vi TNHS của pháp nhân các loại tội phạm mà chỉ có thể nhân mới có thể thực hiện được.
Cuối thế kỷ XVIII – thế kỷ XIX, với sự kiện Pháp quốc hữu hoá và bán toàn bộ tài sản của Giáo hội (tháng 11 năm 1789) và tiếp sau đó là các pháp nhân khác; thành phần kinh tế khác nhà nước bị loại – lợi ích của pháp nhân và nhà nước được đồng nhất, do đó các học thuyết trở nên không phù hợp. Chính vì vậy, trong BLHS Pháp năm 1810, TNHS của pháp nhân không còn được ghi nhận. Dưới sự ảnh hưởng to lớn của Pháp, phần lớn các quốc gia Châu Âu lục địa thay đổi quan điểm về TNHS của pháp nhân. Các quốc gia đưa ra các học thuyết khác nhau về TNHS của pháp nhân tuy vậy chủ yếu vẫn xoay quanh các nội dung về cơ thể, linh hồn, ý định phạm tội và cách thức thực hiện hành vi của pháp nhân .vv... và các vấn đề về xung đột nội luật quốc gia về nguyên tắc cá thể hoá TNHS. Cuộc tranh luận về pháp nhân trở nên sôi nổi và kéo dài sang thế kỷ XX.
Trong quá trình cuộc tranh luận kéo dài các pháp nhân dưới dạng các tập đoàn tăng trưởng mạnh, trở nên quan trọng và có tầm ảnh hưởng nhất định đến đời sống kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia. Pháp luật lúc này cũng trở nên linh hoạt hơn nhằm kiểm soát hậu quả do pháp nhân gây ra. Các quốc gia thuộc hệ thống pháp luật Civil law chia làm 02 nhóm:
Một là, nhóm ủng hộ TNHS pháp nhân
Đặc biệt với sự kiện, tháng 02 năm 1988, Hội đồng Châu Âu khuyến nghị với nội dung: “those member states whose criminal law had not yet provided for corporate criminal liability to reconsider the matter.“; Pháp thừa nhận TNHS của pháp nhân và ghi nhận trở lại trong lần pháp điển năm 1992 và tiếp tục hoàn thiện hơn trong BLHS năm 1994; và các quốc gia khác thừa nhận TNHS của pháp nhân như Bỉ (năm 1999), Hà Lan (năm 1976), Đan Mạch (năm 2002), .vv...
Hai là, nhóm từ chối TNHS pháp nhân
Các quốc gia này gồm Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha do ảnh hưởng bởi mô hình hành chính – hình sự, các học thuyết và các luận điểm cho rằng: pháp nhân không phải là chủ thể của hành vi, không thể là tội phạm; hay tội phạm chỉ dành cho con người.
Thứ hai, hệ thống pháp luật Anh Mỹ (Common law)
Trái lại với Civil law, Anh không công nhận TNHS đối với pháp nhân do số lượng pháp nhân rất ít và ảnh hưởng của họ đối với xã hội rất hạn chế. Điển hình sự kiện năm 1701, chánh án của quan toà Lord Holt tuyên bố: “Doanh nghiệp không bị truy tố hình sự“.
Thế kỷ XVI – thế kỷ XVII, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản pháp nhân là các tập đoàn trở nên phổ biến và có sức ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế – xã hội. Cùng với đó là việc pháp luật cho phép việc công nhận pháp nhân là một thực thể độc lập về tài sản. Anh quyết định đưa pháp nhân vào kiểm soát bằng các thiết chế hình sự thông qua việc sử dụng lý thuyết về TNHS thay thế (vicarious liability) – pháp nhân phải liên đới chịu TNHS bởi hành vi phạm tội của một số thành viên đặc biệt.
Để luận giải cặn kẽ hơn, năm 1972 các học giả Anh đưa ra lý thuyết đồng nhất, nhằm áp đặt TNHS đối với pháp nhân thông qua việc thuyết phục cấu trúc của pháp nhân tương đồng với cấu tạo cơ thể của một con người.
Ở Mỹ, các thiết chế về TNHS của pháp nhân được quan tâm và phát triển theo hướng khác. Trong thế kỷ XIX, trách nhiệm của pháp nhân được pháp luật Mỹ ghi nhận khái niệm “vi phạm trật tự công cộng” với nội hàm là các hành vi gây nguy hiểm lớn cho xã hội, mặc dù đưa vào kiểm soát nhưng các “vi phạm trật tự công cộng” vẫn nhanh chóng tăng lên. Đáp lại điều này, pháp luật Mỹ bắt đầu cho phép truy cứu TNHS đối với pháp nhân với các sự kiện như năm 1852, Tòa án bang New Jersey phán quyết đã truy cứu TNHS với một số công ty đường sắt; năm 1854, Tòa án ở bang Massachusetts đã phán quyết về khả năng truy tố hình sự đối với một tập đoàn xây dựng.
Cho tới nay, việc truy cứu TNHS một pháp nhân trong PLHS đã trở thành một chế định khá phổ biến và được quy định trong BLHS và TTHS của nhiều quốc gia trên thế giới như pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Việt Nam, .vv... Điều này cho thấy một xu hướng khách quan và sự cần thiết phải kiểm soát hoạt động của pháp nhân thông qua các thiết chế hình sự và TTHS.
2. Cơ sở cho ra đời của pháp nhân và trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại:
2.1. Cơ sở lý luận cho ra đời của pháp nhân:
Thứ nhất, quyền tự do ý chí và tự do tiếp nhận ý chí (The principle of freedom of will and of choice)
Tự do ý chí là học thuyết phát triển mạnh mẽ ở Pháp vào thế kỉ XVIII với nội dung chủ yếu cá nhân chỉ bị rằng buộc bởi ý chí của bản thân. Các quan niệm học thuật về mặt triết học, chính trị học cũng được Thomas Hobbes và John Locke đưa ra về việc con người từ bỏ trạng thái tồn tại tự nhiên thông qua việc thoả thuận nhằm xây dựng đời sống cộng đồng và đặc biệt là trong giới hạn là sự tồn tại của văn bản khế ước là bản thỏa hiệp của các thành viên cộng đồng. Jean–Jacques Rousseau sau đó đã tiếp nối Thomas Hobbes và John Locke đồng thời đưa quan điểm riêng giúp “tự do ý chí” tiến xa hơn nữa, khi dẫn luận về việc quyền lực phải được trao cho những người đại diện cho ý chí nguyện vọng của cộng đồng.
Sự thể hiện của tự do ý chí được cụ thể hơn với ba phương diện: Về mặt triết học, xuất phát từ quyền tự do cá nhân, tự do ý chí cho rằng không ai có thể bị ép buộc làm hay không làm một việc gì đó ngoài ý muốn của họ.Về mặt đạo đức, không ai có thể bị ép buộc làm hay không làm một công việc mà không xuất phát từ lợi ích của họ; đồng thời đây cũng chính là động lực thúc đẩy các hoạt động thành lập pháp nhân nhằm mục đích tìm kiếm lợi ích vật chất như hội, nhóm, doanh nghiệp, vv... Các thành viên của có sự độc lập về ý chí và thể hiện sự ràng buộc này thông qua quyền và nghĩa vụ trong các văn bản như điều lệ.
Pháp nhân thông qua đó mà có ý chí riêng, tham gia các quan hệ kinh doanh và pháp luật một cách độc lập không hoàn toàn đồng nhất với bất kỳ thành viên nào.
Thứ hai, quyền tự do lập hội
Các học giả và hệ thống pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới nói chung đều có cái nhìn đồng nhất về quyền thành lập các tổ chức có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên hoạt động vì lợi ích chung. Cụ thể: Tòa án Tối cao Hoa Kỳ coi lập hội là một phần của tự do ngôn luận đối với công dân; Điều 18 Hiến pháp Italia năm 1947 cho phép công dân thành lập hội nhóm nhưng không đi ngược lại các quy định pháp luật, đặc biệt pháp luật hình sự; Ba Lan đặc biệt hơn khi có riêng luật về Hội năm 1989.
Xuất phát trên cơ sở tự do ý chí và được pháp luật công nhận rộng rãi, quyền tự do lập lập hội góp phần quan trọng trong việc nhân rộng mô hình pháp nhân.
2.2. Cơ sở cho chế định TNHS của pháp nhân thương mại trong PLHS Việt Nam:
Thứ nhất, do xu hướng vận động tội phạm
Ở góc độ xã hội, tội phạm được coi là một hiện tượng xã hội tiêu cực gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Cùng với đó, sự thay đổi về chính sách phát triển kinh tế – xã hội và sự cần thiết phối hợp kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận, tạo điều kiện cho sự tăng lên nhanh chóng về mặt số lượng pháp nhân thương mại. Các hành vi vi phạm và phạm vi ảnh hưởng của chủ thể này cũng ngày càng trở nên phổ biến. Các thiết chế phi hình sự không đủ khả năng giáo dục nhóm đối tượng này do chế tài thường không đáng kể so với lợi nhuận thu về. Các loại tội phạm có tổ chức thậm chí còn thông qua vỏ bọc pháp nhân thương mại hợp pháp thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội một cách công khai. Thực tế khách quan này thủ đẩy sự vào cuộc của các thiết chế hình sự với nhiệm vụ cải tạo, giáo dục và trừng trị tương xứng với hành vi vi phạm.
Thứ hai, do mức độ nghiêm trọng và hậu quả đáng kể gây ra bởi hành vi vi phạm của pháp nhân thương mại
Các quan điểm khác nhau về việc đưa ra nội hàm của một pháp nhân cho thấy pháp nhân trước hết phải một tập thể nhân. Điều này có nghĩa là phần lớn các pháp nhân đều có lợi thế lớn hơn về mặt nhân lực và vốn. Sự khác biệt về mặt quy mô này không chỉ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho pháp nhân thương mại có thể tăng mức độ nguy hiểm với cùng một hành vi vi phạm, ví dụ như: việc xả nước thải sinh hoạt của một cá nhân và nước thải công nghiệp pháp nhân thương mại. Cũng cần lưu ý, pháp nhân thương mại là những pháp nhân được sinh ra với sứ mệnh là tìm kiếm lợi nhuận, đây là nội dung chính tạo nên sự khác biệt giữa pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại, đồng thời cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự chênh lệnh về số lượng hành vi vi phạm gây ra bởi pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Ở góc độ khác, pháp nhân phi thương mại thường quan tâm đến các vấn đề xã hội nhiều hơn, do vậy trong trường hợp xảy ra vi phạm hậu quả cũng không nghiêm trọng như đối với pháp nhân thương mại.
Thứ ba, tiếp thu sự tiến bộ về mặt lập pháp của thế giới
Trước bối cảnh sự ra tăng lớn về số lượng pháp nhân thương mại cùng số lượng vi phạm nghiêm trọng của thực thể này. Các nhà nghiên cứu PLHS ở Việt Nam đã đề cập đến vấn đề TNHS đối với pháp nhân từ đầu thế kỷ XX với các nội dung tiến bộ khả năng dự báo và phòng ngừa của quy định này trong BLHS và BLTTHS. Nội dung này cũng được nhiều công ước và khuyến nghị quốc tế cũng đã nêu trong nội dung gửi tới các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam và một số nước trong khu vực – đặc biệt như Thái Lan, Singapore, Campuchia, Indonesia, ..v… đều đã quy định về TNHS đối với chủ thể đặc biệt này.