Quy định về sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài? Quy định về chuyển lợi nhuận về nước?
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài đang là xu hướng tích cực trong sự phát triển mạnh mẽ của hội nhập toàn cầu. Là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế về đầu tư và hợp tác phát triển, Việt Nam ngày càng chứng minh được vị thế của mình thông qua hoạt động đầu tư qua nhiều quốc gia khác. Khi nghiên cứu pháp luật về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, vấn đề được cho là quan trọng và cần được phân tích kỹ hơn đó là quy định về sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài và chuyển lợi nhuận về nước. Vì vậy, để giúp người đọc có cái nhìn cụ thể hơn, đây sẽ là nội dung được Luật Dương Gia phản ánh trong bài viết dưới đây: Sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài và chuyển lợi nhuận về nước.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Luật Đầu tư năm 2020.
Thông tư 12/2016/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
Trước khi đi vào phân tích về sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài và chuyển lợi nhuận về nước, tác giả muốn nhấn mạnh rằng: Đây là nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài, là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.(Khoản 13, Điều 3, Luật Đầu tư). Ngay từ trong định nghĩa về hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã phản ánh rõ nội dung mà chúng tôi muốn truyền tải đến người đọc trong các phần dưới đây.
1. Quy định về sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài?
Lợi nhuận được hiểu dưới góc độ tài chính doanh nghiệp là khoản tiền chênh lệch giữa doanh thu và chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận là điều kiện quyết định sự tồn tại và phát triển của một tổ chức kinh tế, là nguồn tài chính để đánh giá hiệu quả đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính của họ.
Sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài là việc nhà đầu tư sử dụng lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư thông qua các hình thức tăng vốn, mở rộng hoạt động đầu tư ở nước ngoài hoặc thực hiện dự án đầu tư mới ở nước ngoài.
Sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài được quy định tại Điều 67 Luật Đầu tư và Điều 19, Thông tư 12/2016/TT-NHNN. Nội dung được thể hiện trong các quy định được xem xét dưới 2 khía cạnh sau:
Thứ nhất, các trường hợp nhà đầu tư được giữ lại lợi nhuận thu từ đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 67, nhà đầu tư được giữ lại lợi nhuận thu từ đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư trong 3 trường hợp:
– Một là, tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký. Đây là trường hợp mà nhà đầu tư sử dụng lợi nhuận để tham gia vào các tổ chức kinh tế ở nước ngoài, đây cũng là trường hợp điển hình trong hoạt động tái đầu tư, nhưng lại không đúng với bản chất của tái đầu tư do thực tế đây cũng là một phần nghĩa vụ khi nhà đầu tư chưa góp đủ vốn theo đăng ký.
– Hai là, tăng vốn đầu tư ra nước ngoài. Đây là trường hợp thực tế được áp dụng nhiều nhất, bởi về cơ bản nhà đầu tư đã nắm bắt được các thông tin, tình hình kinh tế- xã hội tại nơi mà mình đầu tư, việc tăng vốn đầu tư cho phép nhà đầu tư có khả năng thu lại lợi nhuận cao hơn trong tương lai, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro tài chính cần được đề phòng. Việc tăng vốn đầu tư ra nước ngoài này thực hiện theo đúng hạng mục đã được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
– Ba là, thực hiện dự án đầu tư mới ở nước ngoài. Đây là trường hợp nhà đầu tư sử dụng lợi nhuận tái đầu tư theo một con đường mới, là việc thực hiện một nội dung khác so với nội dung đã được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Trường hợp này ngày càng có xu hướng phát triển do việc tiếp cận được với các dự án đầu tư mới trong quá trình nhà đầu tư hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Thứ hai, thủ tục để được giữ lại lợi nhuận thu từ đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản pháp lý chi phối tới hoạt động đầu tư của nhà đầu tư, do đó, liên quan đến thủ tục để được giữ lại lợi nhuận thu được từ đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư, Khoản 2, Điều 67 Luật Đầu tư quy định rằng:
– Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với trường hợp tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký và tăng vốn đầu tư ra nước ngoài, đồng thời phải có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước trong vòng 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài điều chỉnh. (Khoản 1, Điều 19, Thông tư 12/2016/TT-NHNN).
– Đối với trường hợp thực hiện dự án đầu tư mới, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và phải đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước. (Khoản 2, Điều 19, Thông tư 12/2016/TT-NHNN).
Quy định như trên là hoàn toàn hợp lý, giảm bớt thủ tục hành chính phức táp nhưng vẫn đảm bảo được tính pháp lý, hơn nữa việc tiếp tục góp vốn hay tăng vốn chỉ làm thay đổi nội dung được ghi trong Giấy chứng nhận, nhưng việc thực hiện dự án mới là việc bắt đầu thực hiện một hoạt động đầu tư ra nước ngoài khác và việc cấp mới Giấy chứng nhận là quy định “cứng” của pháp luật đầu tư nước ta.
2. Quy định về chuyển lợi nhuận về nước?
Chuyển lợi nhuận về nước là trách nhiệm của nhà đầu tư trong thời hạn mà pháp luật quy định sau khi thanh lý, chấm dứt, giảm vốn đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài.
Chuyển lợi nhuận về nước là cách nói chung, bên cạnh lợi nhuận còn có vốn đầu tư và các khoản thu nhập khác từ đầu tư ở nước ngoài.
Chuyển lợi nhuận về nước được quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư, Điều 18 Thông tư 12/2016/TT-NHNN. Nội dung quy định của pháp luật về chuyển lợi nhuận về nước khá đầy đủ và về cơ bản khá dễ để thực hiện, cụ thể:
Trừ trường hợp giữ lại lợi nhuận, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác từ đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam. (Khoản 1, Điều 68). Như vậy, thời hạn được pháp luật ấn định là 06 tháng, đây được cho là khoảng thời gian hợp lý, đủ điều kiện để tổ chức kinh tế thực hiện các hoạt động cần thiết để xác định đúng số tiền cần chuyển vào tài tài khoản vốn đầu tư của nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm tính thời hạn là quy định mà pháp luật nước ta không thể điều chỉnh mà phụ thuộc vào quy định và thực tiễn thực hiện quy định pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư.
Tuy nhiên, cũng tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, pháp luật cho phép kéo dài thời hạn đối với trường hợp hết thời hạn 06 tháng mà nhà đầu tư không chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập khác về Việt Nam, khi đó nhà đầu tư phải thực hiện thông báo trước bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong trường hợp này, thời hạn chuyển lợi nhuận về nước được kéo dài không quá 12 tháng kể từ ngày hết thời hạn. (Khoản 2, 3, Điều 68).
Chính vì là trách nhiệm, do đó, nếu nhà đầu tư chưa chuyển lợi nhuận về nước và không thông báo trong trường hợp quá thời hạn 06 tháng hoặc nhà đầu tư chưa chuyển lợi nhuận về nước trong trường hợp quá thời hạn kéo dài thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, theo đó, tại Điều 15, Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:…b) Không thông báo hoặc thông báo thực hiện dự án đầu tư không đầy đủ nội dung.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:….b) Không chuyển lợi nhuận và các Khoản thu nhập từ việc đầu tư ra nước ngoài về Việt Nam.“
Tuy nhiên, có thể thấy, mức xử phạt vi phạm như trên là quá thấp so với những lợi nhuận to lớn mà nhà đầu tư có được, điều đó không đủ sức răn đe và điều chỉnh hành vi của nhà đầu tư, dẫn đến những sai phạm diễn ra liên tục và ngày càng gia tăng về số lượng.
Một vấn đề cần lưu ý về thủ tục đó là trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài trong trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài thì trước khi thực hiện việc chấm dứt dự án và chuyển toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư phải thông báo với Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi nhà đầu tư đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài. (Khoản 3, Điều 18, Thông tư 12/2016/TT-NHNN). Đây là hoạt động để nhà nước quản lý nguồn vốn đầu tư và cũng là cách để loại bỏ trách nhiệm chuyển vốn đầu tư về Việt Nam theo quy định của pháp luật bởi nguồn vốn đầu tư đã chuyển toàn bộ cho nhà đầu tư nước ngoài.