Sử dụng baton để tự vệ có vi phạm pháp luật không? Khi bị người khác tấn công có được dùng baton để phòng vệ không? Baton có phải vật dụng nguy hiểm cấm không?
Trong thời gian qua, cùng với sự ra đời của Luật vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và các chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi như mua bán, vận chuyển, tang trữ, sử dụng trái phép đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên cả nước đã có sự chuyển biến tích cực và ổn định hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó thực trạng người dân vẫn mang theo bên người các loại công cụ như dùi cui, dao găm, bình xịt hơi cay, baton…nhằm tự vệ đang rất phổ biến. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân chưa nắm bắt được quy định của pháp luật về những loại công cụ nào được coi là công cụ hỗ trợ và những trường hợp nào được phép sử dụng những loại công cụ này.
Mục lục bài viết
1. Công cụ hỗ trợ là gì?
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì Công cụ hỗ trợ được hiểu như sau:
Thứ nhất, công cụ hỗ trợ bao gồm cả các phương tiện và động vật nghiệp vụ được sử dụng khi thi hành công vụ nhằm các mục đích sau:
– Sử dụng nhằm hạn chế và ngăn chặn việc chống trả, trốn chạy của người có hành vi vi phạm
– Sử dụng công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, báo hiệu khẩn cấp hoặc bảo vệ cho chính những người đang thi hành công vụ.
Thứ hai, công cụ hỗ trợ theo quy định bao gồm các loại sau đây:
– Các loại súng như bắn điện, đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, gây mê, từ trường, laze, lưới, pháp hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và các loại đạn của những loại súng này.
– Các loại phương tiện dùng để xịt các chất gây mê, gây ngứa, hơi cay, chất độc và các loại lựu đạn cay, quả nổ, lựu đạn khói.
– Các loại găng tai điện, bắt dao; dùi cui như điện, kim loại, cao su và các loại công cụ khác như dây đinh gai, khóa số tám, bàn chông, áo giáo, mũ chống đạn, lá chắn, thiết bị áp chế bằng âm thanh.
– Các loài động vật được huấn luyện để sử dụng cho việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
– Các loại công cụ khác có tính năng tương tự như các công cụ đã nêu ở trên mà không được chế tạo, sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, thiết kế của nhà sản xuất
2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng công cụ hỗ trợ:
Theo quy định tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, nghiêm cấm các hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ cụ thể sau đây:
– Thứ nhất, nghiêm cấm các cá nhân sở hữu, trao đổi, tặng cho, thuê, gửi, mượn, cho thuê, cầm cố, chiếm đoạt hay làm giả, tẩy xóa, sửa chữa đối với các công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, xác nhận, chứng chỉ về công cụ hỗ trợ.
– Thứ hai, thực hiện các hành vi như chế tạo, nghiên cứu, sản xuất, đào bới, tìm kiếm, thu gom, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép, hành vi xuất, nhập khẩu đối với công cụ hỗ trợ và các chi tiết lắp ráp (bao gồm cả việc hủy hoại, che giấu, không tố giác, giúp người khác thực hiện).
– Thứ ba, hành vi mang công cụ hỗ trơ ra khỏi Việt Nam hoặc mang đến khu vực cấm, khu vục, mục tiêu bảo vệ.
– Thứ tư, thực hiện hành vi cố ý, hủy hoại công cụ hỗ trợ được giao hoặc lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng công cụ hỗ trợ để thực hiện hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân khác, đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
– Thứ năm, thực hiện hành vi bảo quản, tiêu hủy, vận chuyển không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng đến môi trường hoặc giao công cụ hỗ trợ cho các cá nhân, đơn vị không đủ điều kiện.
– Thứ sáu, thực hiện trái pháp luật các hành vi huấn luyện, hướng dẫn việc sử dụng, chế tạo, sản xuất, sửa chữa đối với công cụ hỗ trợ
– Thứ bảy, thực hiện hành vi cung cấp thông tin sai lệch một cách cố ý hoặc báo cáo sai lệch, không báo cáo kịp thời, che giấu về các vấn đề liên quan trong quản lý công cụ hỗ trợ
3. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ:
Không phải tất cả các đối tượng đều có thể được sử dụng công cụ hỗ trợ, theo quy định tại Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 chỉ những đối tượng sau được trang bị công cụ hỗ trợ:
– Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ
– Công an nhân dân, cơ yếu, cảnh sát biển
– Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
– Cơ quan thi hành án dân sự
– Lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư, bảo vệ rừng chuyên trách, thanh tra chuyên ngành thủy sản.
– Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan; Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường
– An ninh hàng không, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải
– Ban Bảo vệ dân phố; lực lượng bảo vệ tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
– Các cơ sở huấn luyện, đào tạo, câu lạc bộ thể thao có giấy phép, cơ sở cai nghiện ma túy và những đối tượng khác có nhu cầu trang bị được Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
4. Sử dụng gậy Baton để tự vệ có vi phạm pháp luật không?
Tóm tắt câu hỏi:
Mình sử dụng Baton để tự vệ. Mình không gây chuyện hay tấn công nhưng mang theo phòng vệ, khi đối tượng gây chuyện và rút vũ khí có thể tấn công vậy mình lấy Baton ra tự vệ phòng thân có hợp pháp không ? Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, về vấn đề sở hữu, sử dụng Baton
Theo Khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, quy định về công cụ hỗ trợ như sau:
“Điều 3
11. Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:
a) Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;
b) Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;
c) Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;
d) Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;
đ) Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
e) Công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự là phương tiện được chế tạo, sản xuất không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có tính năng, tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này”.
Theo quy định này, mặc dù baton không được liệt kê là công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên về bản chất, baton được xác định là dùi cui, có tính sát thương và được xếp vào nhóm công cụ hỗ trợ.
Về việc trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ, tại Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định như sau:
“Điều 55. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ
1. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ bao gồm:
a) Quân đội nhân dân;
b) Dân quân tự vệ;
c) Cảnh sát biển;
d) Công an nhân dân;
đ) Cơ yếu;
e) Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
g) Cơ quan thi hành án dân sự;
h) Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Kiểm ngư, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản;
i) Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan;
k) Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường;
l) An ninh hàng không, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải;
m) Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ;
n) Ban Bảo vệ dân phố;
o) Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;
p) Cơ sở cai nghiện ma túy;
q) Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định”.
Như vậy, việc trang bị và mang theo công cụ hỗ trợ cũng phải tuân thủ đúng quy định này. Pháp luật nghiêm cấm trường hợp sở hữu công cụ hỗ trợ trái pháp luật. Chính vì vậy, nếu bạn không thuộc những trường hợp được trang bị kể trên mà do bản thân tự mình trang bị là trái với quy định pháp luật. Trong trường hợp này, hành vi của bạn có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 10 Nghị định 167/2013 NĐ-CP với mức phạt từ 500.000 đồng đến 40.000.000 đồng tùy theo hành vi đã thực hiện.
Thứ hai, việc bạn sử dụng Baton để tự vệ có phạm tội hay không?
Theo Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015:
“Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Như vậy việc bạn dùng Baton để chống trả lại đối tượng có hành vi xâm hại đến thân thể, tính mạng của bạn với mức cần thiết- không vượt qua giới hạn phòng vệ chính đáng thì không phạm tội. Tuy nhiên ranh giới “quá mức cần thiết” và “cần thiết” rất khó để phân định, và chỉ được kết luận thông qua việc điều tra phân tích của các cơ quan có thẩm quyền, vậy nên bạn cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng Baton để phòng vệ.