Tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố chết là một trong những quyết định thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, đem lại hậu quả pháp lý đến trực tiếp người mất tích hoặc chết. Vậy khi so sánh giữa tuyên bố mất tích và tuyên bố chết thì xem xét đến những nội dung gì?
Mục lục bài viết
1. So sánh giữa tuyên bố mất tích và tuyên bố chết:
Nội dung liên quan đến tuyên bố mất tích, tuyên bố chết là một trong những chế định quan trọng được Bộ luật Dân sự điều chỉnh. Theo quy định thì năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được ghi nhận ngay từ khi người đó được sinh ra và sẽ chấm dứt khi người này chết. Trong trường hợp, cá nhân chết thì sẽ chấm dứt hoàn toàn tư cách chủ thể của cá nhân và cá nhân có liên quan sẽ đến cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục khai tử, sự kiện này sẽ được ghi chú vào sổ hộ tịch.
Hiện nay, cá nhân sẽ không thể lường trước tất cả vấn đề nên khi gặp phải những tình huống bất ngờ, những rủi ro như xảy ra chiến sự, chiến tranh; tai nạn,…người thân cũng không thể xác định được cá nhân đó còn sống hay đã chết. Vì vậy, quy định của pháp luật được xây dựng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; của những người có quyền, lợi ích liên quan, pháp luật quy định những điều kiện. Theo đó, việc tuyên bố tạm dừng hoặc chấm dứt tư cách chủ thể của cá nhân có thể tồn tại dưới hai hình thức là tuyên bố mất tích và tuyên bố chết. Với mỗi tuyên bố thì sẽ mang đến tính chất, hậu quả pháp lý khác nhau nhưng trong một số khía cạnh nhất định vẫn có những điểm đồng nhất. Nội dung cụ thể để so sánh giữa tuyên bố mất tích và tuyên bố chết được thể hiện với các nội dung được trình bài trong bài viết này của Luât Dương Gia như sau:
1.1. Điểm giống nhau:
Tuyên bố một cá nhân mất tích, hoặc đã chết được xác định là yêu cầu giải quyết việc dân sự, thuộc thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ: Theo quy định hiện hành thì Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết;
Sau khi tuyên bố một người mất tích, Toà án gửi Quyết định tuyên bố mất tích cho UBND xã, phường, thị trấn nơi có địa chỉ cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích.
1.2. Điểm khác nhau:
| Tuyên bố mất tích | Tuyên bố chết |
Khái niệm | Mất tích được hiểu là sự thừa nhận của Tòa án về tình trạng biệt tích của một cá nhân. Để Tòa án thực hiện các hoạt động thủ tục này thì cần dựa trên cơ sở là có đơn yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan Nội dung về vấn đề này được ghi nhận bởi các điều sau: Điều 68, 69, 70 Bộ luật Dân sự 2015 | Tuyên bố chết cũng là sự thừa nhận của Tòa án về cái chết đối với một cá nhân. Khi cá nhân đó đã biệt tích trong thời hạn theo luật định trên cơ sở đơn yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan Bạn đọc có thể tìm hiểu nội dung về tuyên bố cá nhân chết trong những Điều 71,72,73 Bộ luật Dân sự 2015. |
Điều kiện tuyên bố | Việc tuyên bố một người mất tích để lại nhiều hậu quả pháp ly liên quan nên Tòa án phải thực hiện hoạt động này một cách chặt chẽ. Theo quy định tại Điều 64 và Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015 thì để tuyên bố một người mất tích cần có 02 điều kiện sau đây: – Cá nhân bị yêu cầu là mất tích phải có thời gian biệt tích từ hai năm trở lên; – Trên thực tế, Toà án đã áp dụng biện pháp thông báo, tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú nhưng vẫn không thu thập được bất kỳ tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết. Lưu ý: Về cách xác định thời hạn 02 năm: + Thời điểm để tính ngày biệt tích đó là từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; + Đối với trường hợp không xác định được ngày thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; + Thậm chí trong trường hợp không xác định được ngày, tháng cụ thể thì thời hạn được xác định là tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng. | Tương tự như tầm quan trọng khi ra quyết định tuyên cá nhân biệt tích thì việc tuyên bố chết là việc Toà án nhân dân có thẩm quyền cũng phải xem xét điều kiện theo luật định tránh trường hợp xâm phạm đến quyền lợi của công dân: – Khi Tòa án đã ban hành Quyết định tuyên bố người đó mất tích và đã có hiệu lực pháp luật được 3 năm nhưng vẫn không có tin tức xác thực là người đó còn sống; – Cá nhân vì gặp phải những sự kiện là chiến tranh mà dẫn đến biệt tích hoặc chiến tranh đã kết thúc được 5 năm nhưng vẫn không có tin tức xác thực là người đó còn sống; – Người đó mất tích trong thiên tai, tai nạn hoặc thảm hoạ mà sau 2 năm không có tin tức xác thực là người đó còn sống cũng nằm trong trường hợp ban hành quyết định người này đã chết; – Ngoài ra, phải xem xét đến trường hợp người đó biệt tích trong 5 năm liên tục và không có tin tức xác thực là người đó còn sống.
|
Hủy bỏ quyết định tuyên bố của Tòa
| Xét về mặt pháp lý thì khi cơ quan có thẩm quyền tuyên bố một người thì cá nhân này sẽ chỉ tạm dừng năng lực chủ thể. Việc tạm dừng này có thể thay đổi theo một trong hai hướng Cá nhân có thể sẽ phục hồi năng lực chủ thể hoặc chấm dứt tư cách chủ thể. + Việc chấm dứt tư cách chủ thể được diễn ra khi có tin tức rằng họ đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết. + Phục hồi tư cách chủ thể của người bị tuyên bố là mất tích xảy ra trong hai trường hợp: Cá nhân đã bị tuyên bố mất tích trở về; Nếu nhận thấy xuất hiện các tin tức chứng tỏ người đó còn sống. | Thời điểm mà một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết.
|
Hệ quả của hoạt động tuyên bố | Như đã biết, việc tuyên bố mất tích sẽ không làm chấm dứt tư cách chủ thể của họ. Theo đó, tài sản người bị tuyên bố mất tích sẽ được chuyển sang quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích (Điều 65, 66, 67 và 69 Bộ luật Dân sự 2015); – Liên quan đến quan hệ hôn nhân được xác lập hợp pháp thì vợ/chồng của người bị mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án cho phép họ ly hôn (Khoản 2 Điều 8 Bộ luật Dân sự 2015)
| Tinh từ thời điểm Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết thì Quan hệ nhân thân của cá nhân bị tuyên bố chết được khôi phục, trừ trường hợp sau: – Nếu trong thời gian bị tuyên đã chết mà Vợ hoặc chồng của người này đã được Tòa án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của Bộ luật này thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật; – Đối với trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật; Cá nhân bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn; Để hoàn tất thủ tục là tuyên hủy bỏ quyết định tuyên bố một người chết thì Tòa án phải gửi thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
|
2. Thủ tục tuyên bố người mất tích hoặc đã chết:
2.1. Thủ tục tuyên bố mất tích:
Khi tiến hành tuyên bố mất tích thì phải trải qua thủ tục tuyên bố mất tích, như sau:
Bước 1. Chuẩn bị và nộp đơn yêu cầu tuyên bố mất tích:
Người có quyền và lợi ích liên quan của người mất tích nộp hồ sơ yêu cầu tuyên bố mất tích đến Toà án nhân dân có thẩm quyền. Hồ sơ yêu cầu sẽ cần đầy đủ các tài liệu như:
– Cá nhân làm 01 đơn yêu cầu tuyên bố mất tích để cơ quan có thẩm quyền xem xét;
– Gửi kèm theo Bản sao Căn cước công dân của người yêu cầu;
– Ngoài ra, cũng không thể thiếu đi Bản sao Giấy tờ nhân thân của người mất tích;
– Để chứng minh được quãng thời gian biệt tích của cá nhân đang bị yêu cầu thì cần gửi thêm tài liệu chứng minh người đó đã biệt tích 02 năm liền trở lên (Đăng báo tìm kiếm, Thông báo tìm kiếm của chính quyền địa phương, Danh sách người bị mất tích trong thiên tai, …).
Bước 2. Thực hiện việc thông báo tìm kiếm người mất tích:
Đến giai đoạn này thi Toà án thông báo tìm kiếm người mất tích nếu nhận thấy đơn yêu cầu là hợp lệ.Thời hạn thông báo tìm kiếm là 04 tháng kể từ ngày Toà án phát đi thông báo đầu tiên.
Bước 3. Toà án mở phiên họp xét đơn yêu cầu:
Sau khoảng thời gian đã thực hiện các biện pháp thông báo tìm kiếm theo quy định của pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực về người bị thông báo tìm kiếm thì Toà án sẽ tiến hành ban hành quyết định tuyên bố một người mất tích.
2.2. Thủ tục tuyên bố chết:
Về thủ tục tuyên bố chết vẫn có một số bước thực hiện tương tự như thủ tục tuyên bố mất tích, cụ thể:
Bước 1. Tiến hành nộp đơn yêu cầu tuyên bố chết:
Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xem xét yêu cầu nên người có quyền và lợi ích liên quan nộp hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người đến cơ quan này bao gồm các giấy tờ:
– Đơn yêu cầu tuyên bố chết là giấy tờ quan trọng đầu tiên cần được nhắc đến;
– Có trách nhiệm cung cấp bản sao Căn cước công dân của người yêu cầu;
– Những thông tin về nhân thân người chết cụ thể là Bản sao căn cước công dân;
– Đồng thời, phải có những tài liệu chứng minh người đó đáp ứng các điều kiện để được tuyên bố chết
Bước 2. Toà án ra thông báo tìm kiếm:
Toà án xét đơn yêu cầu, nếu thấy có căn cứ thì Toà án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố chết. Thời hạn thông báo tìm kiếm cũng là 04 tháng kể từ ngày Toà án phát đi thông báo đầu tiên.
Bước 3. Toà án xét đơn yêu cầu quyết định tuyên bố người đó đã chết.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.