Thời hạn sử dụng đất được hiểu là khoảng thời gian người dân được sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Vậy sổ đỏ hết hạn có chuyển nhượng, vay ngân hàng được không?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về thời hạn sử dụng đất:
Liên quan đến đất đai, có rất nhiều vấn đề mà người sử dụng đất cần chú trọng quan tâm, một trong số đó là thời hạn sử dụng đất.
Thời hạn sử dụng đất được hiểu là khoảng thời gian người dân được sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 126
– Đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp là 50 năm. Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất.
– Đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm, thời hạn cho thuê đất nông nghiệp. Hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê đất khi hết thời hạn thuê đất.
– Đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam, thời hạn giao đất, cho thuê đất được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.
– Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm.
– Thời hạn giao đất cho chủ đầu tư được xác định theo thời hạn của dự án; người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài, đối với dự án kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp với cho thuê hoặc để cho thuê mua. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản này.
– Thời hạn cho thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao không quá 99 năm.
– Thời hạn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn là không quá 05 năm.
– Đất xây dựng công trình sự nghiệp của tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và các công trình công cộng có mục đích kinh doanh là không quá 70 năm.
– Thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của loại đất sử dụng vào mục đích chính đối với thửa đất sử dụng cho nhiều mục đích.
Trên đây là thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Có thể thấy, đối với từng loại đất, thời hạn sử dụng đất mà Nhà nước quy định là hoàn toàn khác nhau. Người sử dụng đất và cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ dựa vào đây để đưa ra phương hướng điều chỉnh về đất đai sao cho khách quan và phù hợp nhất.
2. Sổ đỏ hết hạn có chuyển nhượng, vay ngân hàng được không?
Thời hạn sử dụng đất có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý và sử dụng đất đai. Thời hạn sử dụng đất chính là cơ sở để điều chỉnh các hoạt động pháp lý liên quan đến đất đai.
Theo quy định tại Điều 188 Luật đất đai 2013, để thực hiện các hoạt động pháp lý liên quan đến đất đai, các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình phải đảm bảo các điều kiện cụ thể sau đây:
– Đất đai phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cơ sở pháp lý, chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân. Xét về nguyên tắc, chỉ khi được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cá nhân, hộ gia đình mới có cơ sở để thực hiện các hoạt động pháp lý liên quan đến đất đai.
– Đất đai không trong diện có tranh chấp. Điều kiện về đất không có tranh chấp trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý giúp Nhà nước quản lý hoạt động sử dụng đất đai một cách khách quan và toàn diện nhất; hạn chế đến mức tối đa những tranh chấp, sai phạm có thể phát sinh. Hơn hết, nó hướng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan.
– Đất đai không nằm trong diện được kê biên để thi hành án. Khi được kê biên để thi hành án, đồng nghĩa với việc đất đai là đối tượng trong một giao dịch pháp lý khác. Vậy nên, người sử dụng đất sẽ không được phép thực hiện các hoạt động pháp lý liên quan đến đất đai.
– Đất còn thời hạn sử dụng: Tức người dân sẽ có quyền sử dụng đất đối với đất đai. Đặc biệt, quyền sử dụng đất phải nằm trong thời hạn sử dụng mà Nhà nước đề ra.
Từ nội dung phân tích nêu trên, có thể thấy, đất đai còn thời hạn sử dụng là một trong những điều kiện cần thiết để người dân thực hiện các hoạt động pháp lý liên quan đến đất đai. Đồng thời, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ dựa vào quy định này để điều chỉnh các giao dịch, hoạt động pháp lý liên quan đến đất đai một cách khách quan, cụ thể và toàn diện nhất.
Vậy nên, có thể khẳng định, đối với đất đai hết thời hạn sử dụng đất, người sử dụng đất sẽ không được phép thực hiện các hoạt động pháp lý liên quan đến đất đai. Do đó, khi sổ đỏ hết hạn, người dân sẽ không thể thực hiện chuyển nhượng, vay ngân hàng.
Đây là quy định chung của pháp luật, buộc tất cả người dân phải tuân thủ thực hiện. Việc đảm bảo tuân thủ thực hiện theo các quy định mà Nhà nước đưa ra giúp người dân tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời, nó giúp công tác quản lý Nhà nước về đất đai diễn ra một cách chuẩn chỉnh và toàn diện nhất.
3. Thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Khi tiến hành gia hạn thời hạn sử dụng đất, người dân tuân thủ thực hiện theo quy trình, thủ tục sau đây:
– Bước 1: Nộp hồ sơ biến động.
Cá nhân, tổ chức muốn gia hạn sử dụng đất thì phải chuẩn bị bộ hồ sơ với đầy đủ giấy tờ, tài liệu sau đây:
+ Đơn xin đăng ký biến động đất đai.
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp trước đó.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ giấy tờ nêu trên, người dân sẽ gửi hồ sơ lên Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh ( hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tùy trường hợp).
– Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ.
Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ tiếp nhận hồ sơ mà người sử dụng đất nộp lên.
Nếu hồ sơ hợp lệ, cán bộ chức năng sẽ chuyển hồ sơ về cho cơ quan tài nguyên và môi trường để thẩm định nhu cầu sử dụng đất.
Nếu hồ sơ không hợp lệ, cán bộ chức năng sẽ hoàn trả hồ sơ về đề người sử dụng đất sửa chữa, chỉnh lý.
– Bước 3: Giải quyết hồ sơ.
Trong trường hợp đủ điều kiện được gia hạn thì giao Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện gia hạn sử dụng đất cho người sử dụng đất. Việc gia hạn sử dụng đất phải được thực hiện tuần tự, đảm bảo tuân thủ đúng theo các nguyên tắc mà pháp luật đề ra.
Trong trường hợp không đủ điều kiện được gia hạn sử dụng đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường thông báo cho người sử dụng đất và làm thủ tục thu hồi đất theo quy định. Việc thông báo cho người sử dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản. Trong văn bản nêu rõ lý do trả hồ sơ về.
– Bước 4: Thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp, chứng từ đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp được gia hạn sử dụng đất cho cơ quan tài nguyên và môi trường. Thực hiện đóng lệ phí là nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải thực hiện khi muốn được gia hạn quyền sử dụng đất.
– Bước 5: Trả kết quả.
Sau khi người sử dụng đất thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận gia hạn sử dụng đất vào Giấy chứng nhận đã cấp và thực hiện chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Trên đây là quy trình, thủ tục mà các cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất cần đảm bảo khi muốn gia hạn thời hạn sử dụng đất.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật đất đai 2013.