Sổ đỏ có phải tài sản không? Sổ đỏ bị chiếm giữ thì chủ sở hữu có được cấp lại sổ không? Chiếm giữ sổ đỏ của người khác thì bị xử lý như thế nào? Để giải đáp những thắc mắc trên mời bạn theo dõi bài viết dưới đây
Mục lục bài viết
1. Sổ đỏ có phải tài sản không?
Sổ đỏ là cách gọi của người dân đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Vậy sổ đỏ có phải là tài sản không?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản
– Tài sản là vật là loại tài sản phổ biến nhất, nhiều nhất trong các cuộc giao dịch dân sự. Vật trong tự nhiên được tổn tại dưới nhiều dạng khác nhau, dựa trên thuộc tính tự nhiên và thuộc tính xã hội, ý nghĩa pháp lý của vật ta có thể phân loại vật như sau:
+ Vật chính và vật phụ: Vật chính là vật độc lập có thể khai thác công dụng theo tính năng còn vật phụ là một bộ phận của vật chính, có thể tách rời khỏi vật chính và có công dụng là trực tiếp phục vụ cho công tác khai thác công dụng của vật chính: Ví dụ: Bút là vật chính, ruột bút là vật phụ
+ Vật chia được và vật không chia được: Vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu còn vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầy. Ví dụ: Vật chia được: Chiếc bánh, xăng dầu,… ; Vật không chia được: cái bàn, máy vi tính,…
+ Vật tiêu hao và vật không tiêu hao: Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu còn vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu Ví dụ: Vật không tiêu hao: sơn, vôi, cát, sỏi, rau củ quá,..Vật không tiêu hao: Nhà, xe,..
+ Vật cùng loại và vật đặc định: Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường còn vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Ví dụ: Vật cùng loại: Xăng dầu đo bằng lít,.. Vật đặc định: Các đồ vật quý hiếm độc nhất
+ Vật đồng bộ: là các vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút. Ví dụ: Bộ bàn ghế, bộ ấm chén,..
– Tài sản là tiền: Tiền là vật ngang giá chung để trao đổi hàng hóa và dịch vụ.
– Tài sản là giấy tờ có giá: giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác. Ví dụ: Trái phiếu chính phủ, các loại chứng khoán,.. Ngoài ra tại Công văn 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 Tòa án nhân dân tối cao cũng quy định chi tiết các giấy tờ có giá
– Tài sản là quyền tài sản: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Ngoài ra, tại Khoản 16 Điều 3
Như vậy, đối chiếu với những điều luật vừa nêu trên thì sổ đỏ không phải là tài sản mà chỉ là một chứng thư pháp lý để giúp nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất này đang thuộc quyền sở hữu của ai. Mặc dù sổ đỏ không phải là tài sản nhưng cũng là một trong những giấy tờ rất quan trọng khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, ví dụ như khi làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì cần phải có sổ đỏ
2. Sổ đỏ bị chiếm giữ thì chủ sở hữu có được cấp lại sổ không?
Như vừa phân tích từ mục 1 thì sổ đỏ không phải là tài sản mà chỉ là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Cho nên, khi sổ đỏ bị chiếm giữ thì quyền sở hữu đất vẫn không thay đổi. Nếu bị chiếm giữ sổ đỏ thì có những hướng giải quyết sau:
Thứ nhất, yêu cầu người chiếm giữ sổ đỏ trả lại sổ
Thứ hai, yêu cầu cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với lý do bị mất và họ sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất căn cứ vào Điều 24 Nghị định 88/2009/NĐ-CP
Thứ ba, khởi kiện ra Tòa án dân sự khi đó Tòa sẽ có những hướng giải quyết căn cứ tại mục 3 công văn 141/TANDTC-KHXX như sau:
+ Trường hợp 1: Tòa án chưa thụ lý vụ án và trả lại đơn kiện cho người khởi kiện, nêu rõ lý do trả lại đơn là do yêu cầu khởi kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án áp dụng điểm e Khoản 1 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
+ Trường hợp 2: Tòa án đã thụ lý vụ án thì phải ra quyết định đỉnh chỉ giải quyết vụ án dân sự, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện cũng như tài liệu, chứng cứ kèm theo, đơn, trả tiền tạm ứng án phí cho đương sự, áp dụng theo Khoản 2 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
+ Khi trả lại đơn thì Tòa án có trách nhiệm hướng dẫn cho người khởi kiện để họ có thể yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền buộc người chiếm giữ bất hợp pháp sổ đỏ phải trả lại cho chủ sở hữu.
Như vậy đối với trường hợp sổ đỏ bị người khác chiếm giữ thì chủ sở hữu có thể làm thủ tục cấp lại sổ đỏ bị mất và với trường hợp này sẽ không thể khởi kiện ra Tòa vì tòa án sẽ không giải quyết.
3. Chiếm giữ sổ đỏ của người khác thì bị xử lý như thế nào?
Sổ đỏ không phải là tài sản mà chỉ là chứng thư pháp lý dùng để xác nhận về quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức hay nói cách khác thì sổ đỏ chỉ là văn bản chứa đựng quyền sử dụng đất. Do đó hành vi chiếm giữ sổ đỏ của người khác không đủ yếu tố để cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều trường hợp chiếm giữ trái phép sổ đỏ của người khác và dùng nó với mục đích đe dọa chủ sở hữu, ép họ giao tiền hoặc giao đất thì mới trả lại sổ đỏ. Với trường hợp này thì người đe dọa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2016 cụ thể như sau:
– Mặt khách quan của tội phạm
+ Người nào có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc
+ Uy hiếp tinh thần của người khác: là hành vi dọa gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín bằng bất cứ thủ đoạn nào nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Điều luật này không giới hạn những thủ đoạn của hành vi uy hiếp tinh thần mà bất cứ thủ đoạn nào có thể uy hiếp, khống chế được ý chí của người khác đều được coi là thủ đonạ của hành vi uy hiếp tinh thần của tội cưỡng đoạt tài sản. Ví dụ như trường hợp đe dọa chủ sở hữu phải giao tiền thì mới lấy lại được sổ đỏ mà họ đang chiếm giữ
– Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý và mục đích phạm tội được quy định là mục đích chiếm đoạt tài sản
– Hình phạt: Quy định 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung
+ Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
+ Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu phạm tội có một trong các tình tiết tăng nặng sau: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;Tái phạm nguy hiểm.
+ Khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
+ Khung hình phạt tăng nặng thứ ba nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Khung hình phạt bổ sung được quy định là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
+ Bộ luật dân sự 2015