Đăng ký tạm trú là một trong các quyền của mỗi công dân Việt Nam và cũng là nghĩa vụ mà công dân Việt Nam phải thực hiện. Vậy sinh viên thuê trọ không đăng ký tạm trú có xử phạt không?
Mục lục bài viết
1. Sinh viên thuê trọ không đăng ký tạm trú có xử phạt không?
Điều 8, 9 Luật Cư trú 2020 quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân về cư trú, cụ thể:
– Quyền của công dân về cư trú:
+ Lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình, thực hiện việc đăng ký cư trú phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
+ Được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình ở trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ những trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.
+ Được khai thác những thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
+ Được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình thực hiện việc xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu.
+ Được cơ quan đăng ký cư trú thực hiện việc cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu.
+ Được cung cấp những thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình khi có yêu cầu.
+ Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền tự do cư trú.
+ Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với những hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.
– Nghĩa vụ của công dân về cư trú:
+ Thực hiện việc đăng ký cư trú theo đúng quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
+ Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời về các thông tin, giấy tờ, tài liệu về cư trú của mình cho những cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, giấy tờ, tài liệu đã cung cấp.
+ Nộp lệ phí về đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Theo đó, công dân Việt Nam hoàn toàn có quyền và nghĩa vụ đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật, trong đó bao gồm có cả sinh viên.
Khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú 2020 có giải thích rõ nơi tạm trú là nơi mà công dân sinh sống ở trong một khoảng thời gian nhất định mà ngoài nơi thường trú và đã được đăng thực hiện ký tạm trú. Thêm nữa, khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020 cũng quy định rõ công dân đến sinh sống tại một chỗ ở hợp pháp ở ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã thực hiện việc đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc là vì những mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì sẽ phải thực hiện việc đăng ký tạm trú. Mà sinh viên thông thường là những người đi học xa nhà phải thuê trọ để ở, thế nên sinh viên khi thuê trọ để ở từ 30 ngày trở lên phải có nghĩa vụ đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú. Lưu ý rằng, sinh viên thuê trọ phải ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú thì mới phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Ngoài ra, tại Điều 3 Luật Cư trú 2020 có quy định về các nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú, Điều này đã quy định các nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú bao gồm có:
– Tuân thủ về Hiến pháp và pháp luật;
– Bảo đảm việc hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội;
– Kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của những công dân và trách nhiệm của Nhà nước với các nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
– Trình tự, thủ tục thực hiện việc đăng ký cư trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch và sẽ không gây phiền hà;
– Việc quản lý cư trú phải bảo đảm được chặt chẽ, hiệu quả;
– Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vào trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật;
– Tại một thời điểm thì mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú;
– Mọi hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú sẽ phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo những quy định của pháp luật.
Theo đó, một trong các nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú đó chính là mọi hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú sẽ phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo những quy định của pháp luật.
Như vậy, qua tất cả các phân tích trên, có thể khẳng định được rằng sinh viên thuê trọ ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú. Nếu không thực hiện đăng ký tạm trú thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
2. Xử phạt khi sinh viên thuê trọ không đăng ký tạm trú:
Như đã phân tích ở mục trên, sinh viên thuê trọ ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú. Khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đã có quy định về xử phạt vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú, Điều này quy định rằng phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
– Không thực hiện đúng những quy định về đăng ký thường trú, quy định về đăng ký tạm trú, quy định về xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc các quy định về điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
– Không thực hiện đúng các quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
– Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hay xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, nếu sinh viên thuê trọ ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên mà không thực hiện đăng ký tạm trú thì sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
3. Hồ sơ để sinh viên thuê trọ đăng ký tạm trú:
Căn cứ Điều 28 Luật Cư trú 2020 thì hồ sơ để sinh viên thuê trọ đăng ký tạm trú bao gồm những giấy tờ sau:
– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh về chỗ ở hợp pháp, bao gồm:
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh về việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là những văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức hay cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
+ Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc các tài sản gắn liền với đất do chính cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó phải có thông tin về nhà ở);
+ Giấy phép xây dựng theo đúng các quy định của pháp luật về xây dựng (đối với những trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);
+ Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc là giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
+ Hợp đồng mua nhà ở hoặc là những giấy tờ chứng minh việc đã thực hiện bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
+ Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở mà phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
+ Giấy tờ về việc giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;
+ Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở mà đã có hiệu lực pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Cư trú 2020;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.