Say rượu đâm vào xe đang đỗ trên vỉa hè gây tai nạn thì chủ xe đang đỗ có phải bồi thường không? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Say rượu đâm vào xe đang đỗ trên vỉa hè gây tai nạn thì chủ xe đang đỗ có phải bồi thường không? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Tóm tắt câu hỏi:
Nhờ luật sư giải đáp giúp tôi chút băn khoăn với ạ! Tôi ở Quảng ninh, ngày 18/2/2017 tôi đi xe của anh rể lên Thành phố Sơn la thăm người quen. 18h40 cùng ngày khi về đến cửa nhà người quen tôi cho xe lên vỉa hè để chú em xuống mờ của cho xe vào nhà, thời gian đỗ chờ khoảng 4 phút, khi chú em từ cửa sau bế theo con nhỏ bước xuống để mở của nhưng chỉ đi kịp lên đầu xe thì bị một xe máy do hai thanh niên điều khiển say rượu đi tốc độ cao không làm chủ đã leo lên vỉa hè cách xe tôi chừng 30m phanh gấp rồi ngã theo đà quán tính lết chạm vào xe tôi. Một trong hai thanh niên bị thương nặng đã được tôi cùng người nhà và một số người đưa đi cấp cứ nhưng do người này bị hôn mê nặng nên chúng tôi đã gọi taxi đưa lên viện tuyến trên. Khi công an thành phố Sơn la đến khám nghiệm và lập biên bản hiện trường sau đó tạm giữ xe của tôi. Một tuần sau tôi nghe tin người thanh niên đó đã tử vong. Vì điều kiện ở xa (Tôi ở Quảng ninh còn người kia ở Sông mã – Sơn la – Cách nhau hơn 700km) nên tôi chỉ gọi điện hỏi thăm chứ không thể hỗ trợ gia đình nạn nhân được. Đến nay đã hơn 10 ngày rồi, tôi có liên hệ với cán bộ thụ lý hồ sơ để hỏi về thời gian giải quyết xe cho tôi nhưng họ trả lời phải chờ gia đình bên kia đến giải quyết mới được. Vậy xin luật sư giải đáp giúp lầ theo trường hợp của tôi thì tôi có phải đền bù vật chất cho bên bị nạn hay không (Toàn bộ nhân chứng, vật chứng đều xác định xe tôi không có lỗi, cả người nhà của hai nạn nhân đi trên xe máy cũng nhìn nhận vấn đề như vậy) Công an Thành phố sơn la tạm giữ xe tôi lâu như vậy có đúng qui trình hay không? Tôi phải liên hệ với cấp thẩm quyền nào để được yêu cầu giải quyết? Xin cám ơn luật sư?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Trường hợp của bạn nếu phát sinh trách nhiệm bồi thường thì là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường này chỉ phát sinh khi đảm bảo có căn cứ được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này."
Ngoài ra khoản 4 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Nguyên tắc bồi thường thiệt hại xác định: "Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra."
Trong trường hợp này, người bị thiệt hại là người đang có lỗi điều khiển xe khi đang say rượu và không làm chủ được tốc độ. Như vậy trách nhiệm bồi thường của bạn sẽ phát sinh nếu việc đỗ xe của bạn trên vỉa hè là không sai quy định của pháp luật. Theo đó, bạn cần kiểm tra lại việc mình đỗ xe trên vỉa hè trong lúc chờ cho xe vào nhà là có đúng hay không? Trong trường hợp, việc đỗ xe là sai thì bạn sẽ có trách nhiệm bồi thiệt hại cho người bị thiệt hại theo phần lỗi của mình. Về trách nhiệm và mức bồi thường thiệt hại có thể được hai bên thương lượng hoặc yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi mức bồi thường cho phù hợp với lỗi và thiệt hại thực tế của hai bên.
Đối với việc Công an tạm giữ xe của bạn chưa trả từ sau khi vụ việc xảy ra. Bạn cần tham khảo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về tạm giữ phương tiện tại Khoản 1 Điều 125 như sau:
"1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:
a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;
b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Ngoài ra, hậu quả của vụ tại nạn là nghiêm trọng khi có người thiệt hại về tính mạng, nên cơ quan điều tra có quyền nghi ngờ có những dấu hiệu của tội phạm tại Điều 202 hoặc 203 của Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi năm 2009, khi này chiếc ô tô của bạn một vật chứng trong vụ án và cần được xem xét trong quá trình tìm hiểu, xác minh vụ việc để ra quyết định. Khi đó, sau khi xác minh vụ việc, theo quy định tại khoản 3 Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định như sau: "Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền có quyết định trả lại những vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án." Theo đó, xe của bạn bị cơ quan công an tạm giữ là không trái với quy định của pháp luật, bạn sẽ được trả xe sau khi xác minh xong tình tiết vụ việc.