Việt Nam đã ký kết và gia nhập vào nhiều điều ước quốc tế cũng như các hiệp định thương mại quốc tế để thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển và thắt chặt tình hữu nghị khu vực và toàn cầu. Với những điều ước quốc tế đã cũ, không còn phù hợp với tình hình, hoàn cảnh đất nước thời đại mới, Việt Nam cũng dần tiến hành việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ.
Mục lục bài viết
1. Rút khỏi điều ước quốc tế là gì?
Căn cứ tại Khoản 14 Điều 2 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 có ghi nhận việc từ bỏ hoặc rút khỏi điều ước quốc tế là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để từ bỏ việc chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Rút khỏi điều ước quốc tế tiếng anh là “Withdraw from international treaties”.
2. Từ bỏ hoặc rút khỏi điều ước quốc tế:
Căn cứ chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế
Việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
Điều ước quốc tế bị chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện trong những trường hợp sau đây: Theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo thỏa thuận của toàn bộ thành viên điều ước quốc tế đó; Có điều ước quốc tế được ký kết sau quy định về cùng một nội dung với điều ước quốc tế đó; Do hậu quả của việc vi phạm điều ước quốc tế đó; Do đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế đó không còn tồn tại hoặc bị hủy bỏ; Do sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh khi ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế làm ảnh hưởng đến việc thực hiện điều ước quốc tế đó; Do cắt quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ lãnh sự; Do xung đột với một quy phạm bắt buộc mới được hình thành của pháp luật quốc tế.
Điều ước quốc tế nhiều bên có thể bị tạm đình chỉ thực hiện theo thỏa thuận của một số thành viên điều ước quốc tế đó.
Chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế do có điều ước quốc tế được ký kết sau về cùng một nội dung
Điều ước quốc tế giữa bên Việt Nam và thành viên khác chấm dứt hiệu lực nếu bên Việt Nam và thành viên này ký một điều ước quốc tế mới về cùng một nội dung. Điều ước quốc tế được ký trước quy định này tạm đình chỉ thực hiện trong trường hợp có thỏa thuận giữa bên Việt Nam và thành viên khác của điều ước quốc tế đó.
Chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế do hậu quả của việc vi phạm điều ước quốc tế
Trong trường hợp bên ký kết nước ngoài vi phạm nghiêm trọng điều ước quốc tế hai bên mà Việt Nam là thành viên thì bên Việt Nam có quyền chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó.
Trong trường hợp có sự vi phạm rõ ràng điều ước quốc tế của một hoặc nhiều thành viên điều ước quốc tế nhiều bên mà Việt Nam là thành viên thì bên Việt Nam có quyền:
+ Thỏa thuận với các thành viên khác về việc chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó trong quan hệ giữa bên Việt Nam và các thành viên này với thành viên vi phạm hoặc giữa bên Việt Nam và các thành viên này với nhau;
+ Tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế nhiều bên trong quan hệ giữa bên Việt Nam và thành viên vi phạm điều ước quốc tế đó khi bên Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do vi phạm này gây ra;
+ Tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó trong quan hệ giữa bên Việt Nam và các thành viên khác khi vi phạm này làm thay đổi cơ bản việc bên Việt Nam và các thành viên khác tiếp tục thực hiện những nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế đó.
Hồ sơ trình về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế
Hồ sơ trình về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế bao gồm:
Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do đối tượng điều chỉnh không còn tồn tại hoặc bị hủy bỏ
Bên Việt Nam có quyền chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi điều ước quốc tế trong trường hợp đối tượng gắn liền với việc thực hiện điều ước quốc tế đó không còn tồn tại hoặc đã bị hủy bỏ.
Bên Việt Nam có quyền tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong trường hợp việc không thể thực hiện được điều ước quốc tế đó chỉ là tạm thời.
Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh khi ký kết hoặc gia nhập
Bên Việt Nam có quyền viện dẫn sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh khi ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế để chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế đó trong trường hợp sự tồn tại của hoàn cảnh đó là cơ sở chủ yếu để bên Việt Nam đồng ý chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế và thay đổi đó làm thay đổi cơ bản phạm vi các nghĩa vụ mà bên Việt Nam còn phải thực hiện theo điều ước quốc tế. Quy định này không áp dụng đối với điều ước quốc tế xác định đường biên giới quốc gia giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
Chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do cắt quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ lãnh sự
Trong trường hợp cắt quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thành viên khác của điều ước quốc tế mà việc tồn tại quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ lãnh sự là điều kiện không thể thiếu được để thực hiện điều ước quốc tế thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế đó.
Chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế do xung đột với một quy phạm bắt buộc mới hình thành của pháp luật quốc tế
Điều ước quốc tế đang có hiệu lực mà xung đột với quy phạm bắt buộc mới hình thành của pháp luật quốc tế thì vô hiệu và bị chấm dứt hiệu lực.
Tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế nhiều bên theo thỏa thuận của một số thành viên điều ước quốc tế
Bên Việt Nam có thể ký kết thỏa thuận với một số thành viên của điều ước quốc tế nhiều bên về việc tạm đình chỉ thực hiện một số quy định của điều ước quốc tế đó trong quan hệ giữa bên Việt Nam và các thành viên này trong các trường hợp sau đây:
+ Điều ước quốc tế có quy định cho phép việc thỏa thuận giữa các thành viên trong việc tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế;
+ Việc tạm đình chỉ không bị điều ước quốc tế đó cấm, với điều kiện không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế của các thành viên khác còn lại và không mâu thuẫn với đối tượng và mục đích của điều ước quốc tế đó.
Bên Việt Nam
3. Thẩm quyền từ bỏ, rút khỏi điều ước quốc tế:
Thẩm quyền, nội dung quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế
Quốc hội quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế mà Quốc hội quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập.
Chủ tịch nước quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế mà Chủ tịch nước quyết định ký, phê chuẩn hoặc gia nhập.
Chính phủ quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế mà Chính phủ quyết định phê duyệt, gia nhập, ký điều ước quốc tế không phải phê chuẩn.
Quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế được thể hiện bằng văn bản với những nội dung sau đây: Tên điều ước quốc tế bị chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, thời gian, địa điểm ký và thời hạn có hiệu lực của điều ước quốc tế; Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
4. Trình tự, thủ tục từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế:
Trình tự, thủ tục trình, quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế
Cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế do bên ký kết nước ngoài gửi hoặc do Bộ Ngoại giao chuyển đến hoặc do cơ quan nhà nước hữu quan của Việt Nam yêu cầu.
Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời cơ quan đề xuất bằng văn bản trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
Cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức.
Chính phủ quyết định: Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy định trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình; Trình Chủ tịch nước quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy định trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình.
Chủ tịch nước quyết định: Chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy định trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình; Trình Quốc hội quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế quy định trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình.
Quốc hội quyết định chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự, thủ tục tương tự.
Cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện các thủ tục chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 93 của Luật này.
Bộ Ngoại giao thông báo cho bên ký kết nước ngoài về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế hai bên đã được ký kết với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký thông báo về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế nhiều bên gửi cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vắng mặt thì một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng ủy nhiệm ký, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan nhà nước hữu quan về việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày việc chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế có hiệu lực.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
–
– Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005.