Một trong những phương pháp để thúc đẩy nền kinh tế xã hội quốc gia theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đầu tư vào đất rừng sản xuất ngày càng trở thành xu hướng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin về rừng sản xuất là gì cũng như các quy định về rừng sản xuất.
Mục lục bài viết
1. Rừng sản xuất là gì?
Rừng sản xuất được xác định là rừng đạt tiêu chí về rừng tự nhiên, rừng trồng theo đúng quy định của pháp luật và không thuộc các tiêu chí của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo Điều 8 Nghị định 156/2018/NĐ-CP. Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về rừng sản xuất tuy nhiên, ta có thể hiểu rừng sản xuất là loại rừng được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh các loại gỗ, các lâm sản ngoài gỗ và kết hợp với rừng phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường.
Rừng sản xuất tiếng anh là: “Production Forests”.
2. Vai trò của rừng sản xuất:
Vai trò của rừng nói chung và rừng sản xuất nói riêng là một vấn đề không cần phải bàn bạc nhiều bởi nó giữ vai trò vô cùng quan trọng và chủ đạo trong mối quan hệ tương tác giữa môi trường và các sinh vật. Chúng tôi xin trình bày khái quát vai trò của rừng sản xuất trong đời sống, sản xuất; trong nền kinh tế được thể hiện như sau: Rừng điều hòa không khí, tạo oxy, giúp cho không khí trong lành bởi chức năng quang hợp của cây xanh; Rừng sản xuất cũng giúp điều tiết nước, phòng lũ lụt, xói mòn, ngăn chặn gió bão; Giúp đất tăng độ phì nhiêu, bồi dưỡng thêm các tiềm năng của đất; là nơi trú ngụ của động vật, chống cát di động ven biển; Trong nền kinh tế rừng cung cấp củi, nguồn gỗ, là vật liệu để giúp cho các cá nhân, tổ chức xây dựng, để phục vụ các ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy, gỗ trụ mô, … tăng nguồn thu cho nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, rừng sản xuất còn cung cấp nhiều nguồn dược liệu quý, nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống của con người.
Như vậy, đất rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh lâm sản, gỗ, đặc sản rừng và kết hợp với rừng phòng hộ để bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, đất rừng sản xuất được phép chuyển mục đích sử dụng tùy theo căn cứ nhu cầu của người sử dụng đất và dựa vào quyết định mục đích sử dụng đất của Nhà nước.
3. Phân loại rừng sản xuất:
Theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng và Quyết định 49/2016/QĐ-TTg ban hành qui chế quản lí rừng sản xuất, rừng sản xuất bao gồm: rừng tự nhiên và rừng trồng.
a) Rừng tự nhiên
Rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc là tái sinh có trồng bổ sung. Rừng tự nhiên bao gồm: rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh. Căn cứ vào trữ lượng bình quân trên một hecta rừng tự nhiên được phân loại thành: Rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng.
Rừng tự nhiên phải đạt các tiêu chí:
– Độ tàn che của các loài cây thân gỗ, tre nứa, cây họ cau là thành phần chính của rừng tự nhiên từ 0,1 trở lên;
– Diện tích liền vùng trên 0,3 ha;
– Chiều cao trung bình của cây rừng là thành phần chính của rừng tự nhiên được phân chia tùy theo các điều kiện lập địa như sau:
+ Rừng tự nhiên trên đồi, núi đất và đồng bằng: chiều cao trung bình của cây rừng từ 5,0 m trở lên;
+ Rừng tự nhiên trên đất ngập nước ngọt: chiều cao trung bình của cây rừng từ 2,0 m trở lên;
+ Rừng tự nhiên trên đất ngập phèn: chiều cao trung bình của cây rừng từ 1,5 m trở lên;
+ Rừng tự nhiên trên núi đá, đất cát, đất ngập mặn và các kiểu rừng ở điều kiện sinh thái đặc biệt khác: chiều cao trung bình của cây rừng từ 1,0 m trở lên.
b) Rừng trồng
Đây là loại rừng được trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư (vốn tự có, vốn vay, vốn liên doanh, liên kết không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước). Rừng trồng bao gồm: Rừng trồng mới trên đất chưa có rừng, Rừng trồng lại sau khai thác hoặc do các nguyên nhân khác, Rừng trồng cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt; Rừng trồng tái sinh tự nhiên từ rừng trồng sau khai thác.
Rừng trồng phải đạt các tiêu chí sau đây:
– Độ tàn che của cây rừng trồng từ 0,1 trở lên.
– Diện tích liền vùng trên 0,3 ha.
– Chiều cao trung bình của cây rừng được phân chia tùy theo các điều kiện lập địa như sau:
+ Rừng trồng trên đồi, núi đất và đồng bằng, trên đất ngập phèn: chiều cao trung bình của cây rừng từ 5,0 m trở lên;
+ Rừng trồng trên núi đá có đất xen kẽ, trên đất ngập nước ngọt: chiều cao trung bình của cây rừng từ 2,0 m trở lên;
+ Rừng trồng trên đất cát, đất ngập mặn: chiều cao trung bình của cây rừng từ 1,0 m trở lên.
4. Các quy định về rừng sản xuất:
– Về nguyên tắc phát triển, căn cứ tại Điều 55, Luật Bảo vệ và phát triển rừng quy định như sau:
“Điều 55. Nguyên tắc phát triển, sử dụng rừng sản xuất
1. Rừng sản xuất được Nhà nước giao, cho thuê cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 24, khoản 3 và khoản 4 Điều 25 của Luật này để cung cấp lâm sản, kết hợp sản xuất, kinh doanh theo hướng thâm canh lâm nghiệp – nông nghiệp – ngư nghiệp, kết hợp kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái – môi trường.
2. Việc khai thác, sử dụng rừng sản xuất phải bảo đảm duy trì diện tích, phát triển trữ lượng, chất lượng của rừng và tuân theo quy chế quản lý rừng.
3. Chủ rừng phải có kế hoạch trồng rừng ở những diện tích đất rừng sản xuất chưa có rừng, sản xuất lâm nghiệp – nông nghiệp – ngư nghiệp kết hợp; có biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, làm giàu rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng.”
– Về tổ chức quản lý rừng sản xuất
Điều 135 Luật đất đai năm 2013 quy định về rừng sản xuất như sau:
“Điều 135. Đất rừng sản xuất
1. Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
2. Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định sau đây:
a) Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức quy định tại điểm b khoản 3 Điều 129 của Luật này để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Đối với diện tích đất rừng sản xuất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất;
b) Cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng;
c) Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.
3. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất rừng sản xuất được kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.
4. Đất rừng sản xuất tập trung ở những nơi xa khu dân cư không thể giao trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân thì được Nhà nước giao cho tổ chức để bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.”
Căn cứ tại Điều 56, 57 Luật Bảo vệ và phát triển rừng:
“Điều 56. Rừng sản xuất là rừng tự nhiên
1. Việc tổ chức quản lý rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quy định như sau:
a) Những khu rừng sản xuất là rừng tự nhiên tập trung được Nhà nước giao, cho thuê cho các tổ chức kinh tế để sản xuất, kinh doanh;
b) Những khu rừng sản xuất là rừng tự nhiên phân tán, không thuộc các đối tượng quy định tại điểm a khoản này được Nhà nước giao, cho thuê cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để bảo vệ, phát triển, sản xuất, kinh doanh.
2. Điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quy định như sau:
a) Những khu rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã có chủ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;
b) Chủ rừng là tổ chức phải có hồ sơ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt gồm dự án đầu tư, phương án quản lý, bảo vệ và sản xuất, kinh doanh rừng; khai thác rừng phải có phương án điều chế rừng đã được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng phê duyệt;
c) Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân phải có kế hoạch quản lý, bảo vệ và sản xuất, kinh doanh rừng theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc kiểm lâm và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phê duyệt;
d) Chỉ được khai thác gỗ và các thực vật khác của rừng sản xuất là rừng tự nhiên, trừ các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị cấm khai thác theo quy định của Chính phủ về Chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Danh mục những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
3. Thủ tục khai thác gỗ và thực vật khác của rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quy định như sau:
a) Đối với các tổ chức khi khai thác phải có hồ sơ thiết kế khai thác phù hợp với phương án điều chế rừng hoặc phương án hoặc kế hoạch sản xuất, kinh doanh rừng được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt;
b) Đối với hộ gia đình, cá nhân khai thác phải có đơn, báo cáo Ủy ban nhân dân xã để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phê duyệt.
4. Việc khai thác rừng phải theo quy chế quản lý rừng và chấp hành quy phạm, quy trình kỹ thuật bảo vệ và phát triển rừng; sau khi khai thác phải tổ chức bảo vệ, nuôi dưỡng, làm giàu rừng cho đến kỳ khai thác sau.
Điều 57. Rừng sản xuất là rừng trồng
1. Chủ rừng sản xuất là rừng trồng phải có kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng, trồng rừng mới, bảo vệ rừng, kết hợp kinh doanh lâm nghiệp – nông nghiệp – ngư nghiệp, cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái – môi trường trong khu rừng phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng từng vùng, quy chế quản lý rừng.
2. Việc khai thác rừng trồng được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trường hợp chủ rừng tự bỏ vốn gây trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ rừng thì được tự quyết định việc khai thác rừng trồng. Các sản phẩm khai thác từ rừng trồng của chủ rừng được tự do lưu thông trên thị trường. Trường hợp cây rừng trồng là cây gỗ quý, hiếm thì khi khai thác phải thực hiện theo quy định của Chính phủ;
b) Trường hợp rừng trồng bằng vốn từ ngân sách nhà nước, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định. Các sản phẩm khai thác từ rừng trồng của chủ rừng được tự do lưu thông trên thị trường. Trường hợp cây rừng trồng là cây gỗ quý, hiếm thì khi khai thác phải thực hiện theo quy định của Chính phủ;
c) Trồng lại rừng vào thời vụ trồng rừng ngay sau khi khai thác hoặc thực hiện biện pháp tái sinh tự nhiên trong quá trình khai thác.”
Nội dung cơ bản của phương án quản lý rừng bền vững đối với rừng sản xuất bao gồm: Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội; thực trạng tài nguyên rừng; kết quả sản xuất, kinh doanh; đánh giá thị trường có ảnh hưởng, tác động đến hoạt động của chủ rừng; Xác định mục tiêu, phạm vi quản lý rừng bền vững; Xác định hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và thương mại lâm sản; Giải pháp và tổ chức thực hiện; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết về nội dung phương án quản lý rừng bền vững; quy định trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững.
– Về sử dụng rừng sản xuất
Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2014 có quy định như sau:
“Điều 58. Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên
1. Điều kiện khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên được quy định như sau:
a) Chủ rừng là tổ chức phải có phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khai thác gỗ có đề nghị và được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận.
2. Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên thực hiện theo quy định của Luật này và Quy chế quản lý rừng.
Điều 59. Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng
1. Chủ rừng quyết định khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của mình.
2. Trường hợp rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác lâm sản trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định.
3. Việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng thực hiện theo quy định của Luật này và Quy chế quản lý rừng.
Điều 60. Sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất
1. Được trồng xen cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ; chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, không làm suy giảm chất lượng rừng.
2. Được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, không làm thoái hóa, ô nhiễm đất; không chuyển mục đích sử dụng đất rừng.
3. Được kết hợp kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập.
4. Được tự tổ chức, hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê rừng, thuê môi trường rừng phù hợp với quyền của chủ rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
5. Được xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
6. Các hoạt động quy định tại Điều này thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
– Về phát triển rừng sản xuất
+ Duy trì diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên hiện có; phục hồi rừng tự nhiên ở những diện tích trước đây đã khai thác mà chưa đạt tiêu chí thành rừng; chỉ được cải tạo rừng tự nhiên ở những diện tích không có khả năng tự phục hồi.
+ Hình thành vùng rừng trồng tập trung, áp dụng công nghệ sinh học hiện đại và kỹ thuật thâm canh rừng để nâng cao năng suất rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản.
+ Khuyến khích trồng rừng hỗn loài, lâm sản ngoài gỗ; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi nó điều kiện thích hợp.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật đất đai năm 2013;
– Luật lâm nghiệp năm 2017;
–
–
–
– Nghị định 156/2018/NĐ-CP.