Thuế thu nhập cá nhân là nghĩa vụ mà người có thu nhập chịu thuế phải thực hiện với Nhà nước. Vậy đối với người lao động nghỉ chế độ thai sản thì có phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân không? Quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho lao động nghỉ thai sản được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thuế thu nhập cá nhân được quy định như thế nào?
1.1. Thế nào là thuế thu nhập cá nhân?
Thuế thu nhập cá nhân được hiểu là loại thuế trực thu, thực hiện thu trực tiếp từ thu nhập của một số cá nhân có thu nhập chịu thuế. Theo đó, thuế thu nhập cá nhân có những đặc điểm đặc trưng sau:
– Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu;
– Thuế thu nhập cá nhân có đối tượng chịu thuế là thu nhập của cá nhân có thu nhập chịu thuế;
– Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế có tính ổn định không cao và phức tạp;
– Thuế thu nhập cá nhân được đánh vào người có thu nhập chịu thuế theo nguyên tắc thuế suất luỹ tiến từng phần.
1.2. Những đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân:
Theo quy định tại Điều 2 của Văn bản hợp nhất Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2014 thì đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân được quy định cụ thể bao gồm 02 đối tượng sau:
– Thứ nhất, cá nhân cư trú: Cá nhân cư trú phải đáp ứng được một trong hai điều kiện sau:
+ Cá nhân là người có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên được tính theo một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liền kề kể từ ngày đầu tiên người đó có mặt tại Việt Nam;
+ Cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam. Nơi ở thường xuyên ở đây được xác định là nơi đăng ký thường trú hoặc có nhà để thuê ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
– Thứ hai, cá nhân không cư trú. Cá nhân không cư trú tại Việt Nam khi có thu nhập chịu thuế tại Việt Nam vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng được một trong hai điều kiện được nêu ra đối với cá nhân cư trú.
2. Quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho lao động nghỉ thai sản ?
Căn cứ theo quy định tại tiết d.2 điểm d khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thì cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công có thể uỷ quyền cho cá nhân, tổ chức trả thu nhập cho mình quyết toán thuế thu nhập cá nhân khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công làm việc theo chế độ
– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và ký hợp đồng lao động làm việc từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm. Bên cạnh đó, cá nhân đó có thu nhập văng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
Như vậy, nếu cá nhân nghỉ chế độ thai sản mà thuộc một trong hai trường hợp nêu trên thì có thể thực hiện uỷ quyền cho cá nhân, tổ chức trả thu nhập cho mình quyết toán thuê thu nhập cá nhân.
Theo đó, để uỷ quyền cho cá nhân, tổ chức chi trả thu nhập cho mình quyết toán thuế thu nhập cá nhân thì người lao động nghỉ chế độ thai sản cần thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
– Bước 1: Làm Giấy uỷ quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân, tổ chức chi trả thu nhập cho mình:
Khi lao động nghỉ chế độ thai sản thuộc trường hợp được uỷ quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân được phân tích trên thì phải làm Giấy uỷ quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân thực hiện theo Mẫu số 08/UQ-QTT-TNCN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC.
– Bước 2: Gửi giấy ủy quyền đã điền đầy đủ thông tin cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho mình:
Tuy nhiên, trên thực tế thì kế toán doanh nghiệp thường sẽ chủ động in và hướng dẫn người lao động trong đơn vị mình điền theo quy định để khai, nộp thuế cho đúng thời hạn quy định.
3. Giảm trừ gia cảnh khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho người lao động nghỉ chế độ thai sản:
Hiện nay khi truy thu và quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho người lao động nghỉ chế độ thai sản hay những cá nhân có thu nhập chịu thuế khác được giảm trừ gia cảnh theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC. Theo đó, việc giảm trừ gia cảnh được thực hiện giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc vào thu nhập của cá nhân có thu nhập chịu thuế. Cụ thể các khoản giảm trừ gia cảnh được quy định như sau:
3.1. Giảm trừ gia cảnh cho bản thân lao động nghỉ thai sản có thu nhập chịu thuế:
Việc giảm trừ gia cảnh cho bản thân người có thu nhập chịu thuế được thực hiện theo nguyên tắc sau:
– Nguyên tắc chung trong việc giảm trừ gia cảnh cho bản thân người có thu nhập chịu thuế: Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì trong trường hợp trong năm tài chính tính thuế mà cá nhân có thu nhập chịu thuế đó chưa thực hiện việc giảm trừ gia cảnh cho bản thân hoặc đã thực hiện việc giảm trừ gia cảnh cho bản thân nhưng chưa tính đủ 12 tháng thi sẽ được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện việc quyết toán thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.
– Nguyên tắc áp dụng thêm đối với người lao động có thu nhập chịu thuế nghỉ chế độ thai sản: Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì người lao động nghỉ chế độ thai sản khi được hưởng trợ cấp thai sản một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì các khoản trợ cấp, chế độ thai sản, phục hồi dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi sinh sẽ không phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, cá nhân là lao động nghỉ chế độ thai sản thì chỉ phải thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với những khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công do doanh nghiệp chi trả mà không tính thêm các khoản trợ cấp thai sản theo chế độ thai sản mà bảo hiểm xã hội chi trả.
3.2. Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc vào thu nhập cả người lao động nghỉ chế độ thai sản:
Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì người phụ thuộc bao gồm:
– Con: Con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng;
– Vợ hoặc chồng của người nộp thuế;
– Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp;
– Cá nhân khác gồm:
+ Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế;
+ Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế;
+ Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: Con của anh ruột, chị ruột, em ruột.;
+ Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.
Những đối tượng trên sẽ được áp dụng là người phụ thuộc vào thu nhập của người lao động có thu nhập chịu thuế. Theo quy định của Thông tư này thì trong trường hợp người nộp thuế thu nhập cá nhân chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mình trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng người phụ thuộc khi người lao động thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
Như vậy, người nghỉ chế độ thai sản (sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi) sẽ phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng từ tháng sinh con/ nhận nuôi con nuôi và tháng đó đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là con mới sinh thì được á dụng giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là con dưới 18 tháng tuổi. Theo đó, để được giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là con sơ sinh thì người lao động đó phải đăng ký người phụ thuộc cho con mới sinh trước khi quyết toán Thuế thu nhập cá nhân của năm sinh con. Nếu không giảm đăng ký người phụ thuộc thì vẫn không được giảm trừ gia cảnh cho con mới sinh vào thu nhập chịu thuế của người nghỉ chế độ thai sản vào năm sinh con.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2014;
– Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020 Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;
– Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 15/8/2013 Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và