Khiếu nại trong tố tụng hình sự là gì? Khiếu nại tiếng anh là gì? Nguyên tắc bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự? Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại trong tố tụng hình sự?
Khiếu nại vừa quyền vừa là nghĩa vụ của công dân, ngoài ra khiếu nại còn là một trong những hình thức đặc biệt quan trọng để nhân dân trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lí nhà nước và quản lí xã hội. Nền kinh tế đất nước càng phát triển thì càng cần sự tham gia của nhân dân để đảm bảo cho nền kinh tế – chính trị của đất nước được ổn định vừa đảm bảo cho nền pháp chế xã hội chủ nghĩa được tăng cường. Với những vai trò quan trọng đó, Nhà nước ta ngày càng phát triển thêm các chính sách, quy định về khiếu nại. Bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ giúp bạn tỉm hiểu về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại trong tố tụng hình sự.
1. Khiếu nại trong tố tụng hình sự là gì?
Theo quy định của pháp luật, khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Khiếu nại trong tố tụng hình sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận thất sự sai sót trong quyết định, hành vi của các cơ quan thực hiện Tố tụng qua đó đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét, giải quyết lại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo trình tự, thủ tục được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trong quá trình khiếu nại, người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Việc xác định người đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
Khiếu nại có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự, Tố tụng hình sự là quyền của công dân được quy định trong hiến pháp, là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Ngoài ra, khiếu nại còn là phương tiện cho công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, thể hiện tính dân chủ trong hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Khiếu nại tiếng anh là gì?
Khiếu nại tiếng anh là “complain”.
3. Nguyên tắc bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự:
Theo Điều 32
“Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó
Cơ quan, người có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật; gửi văn bản kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo, cơ quan, tổ chức khiếu nại và có biện pháp khắc phục.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo do Bộ luật này quy định.
Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống người khác”.
Theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự, ta có thể hiểu quyền khiếu nại có những đặc điểm cơ bản như sau:
+ Khiếu nại trong tố tụng hình sự được giới hạn bởi một phạm vi nhất định, phạm vi hoạt động của khiếu nại chỉ trong các hoạt động tố tụng.
+ Người có quyền khiếu nại là cá nhân, tổ chức bị quyết định tố tụng, hành vi tố tụng xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức đó.
+ Đối tượng khiếu nại là những hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động tố tụng. Các hoạt động tố tụng này thường thể hiện ra bên ngoài thành những dạng cụ thể bằng: quyết định tố tụng hay hành vi tố tụng.
+ Người bị khiếu nại chính là chủ thể có quyền tiến hành tố tụng hoặc chủ thể được quyền thực hiện một số hoạt động tố tụng của họ.
+ Chủ thể có quyền phải có hành vi đề nghị người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét lại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của họ.
Như vậy, hiểu một cách cơ bản như sau, theo quy định pháp luật hiện hành, khi có cơ sở cho rằng, hoạt động tố tụng của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc của cơ quan Nhà nước, cá nhân, tổ chức hoàn toàn có quyền thực hiện việc khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết. Quy định này là một trong những quy định minh chứng cho việc đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh trong quá trình xét xử vụ án hình sự nói riêng và trong toàn bộ hoạt động tố tụng nói chung.
Trong tố tụng hình sự, bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, cơ quan tổ chức là một trong những nguyên tắc cơ bản được pháp luật quy định cụ thể ở Điều 32 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Ta nhận thấy, công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, công dân có quyền tố cáo những việc làm trái pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó.
Cơ quan có thẩm quyền khi nhận được tố cáo của công dân phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo;
Nguyên tắc này là một trong những nguyên tắc quan trọng biểu hiện bản chất dân chủ của tố tụng hình sự nước ta, là phương tiện bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và cũng là một trong những hình thức phát hiện và khắc phục những sai lầm trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự.
4. Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại trong tố tụng hình sự:
Căn cứ pháp lý: Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
ác chủ thể có quyền khiếu nại
Khoản 1 Điều 469
“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật này.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, điều kiện để một cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại là:
+ Người khiếu nại phải có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định tố tụng, hành vi tố tụng mà mình khiếu nại.
+ Ngoài ra, người khiếu nại phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Người khiếu nại có thể tự mình hoặc thông qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc người đại diện thực hiện quyền khiếu nại; trường hợp người khiếu nại là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không thể tự mình khiếu nại thì việc khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp và phải có giấy tờ chứng minh.
Theo Điều 472 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định nội dung như sau:
“1. Người khiếu nại có quyền:
a) Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cùa đương sự hoặc người đại diện để khiếu nại;
b) Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án hình sự;
c) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào cùa quá trình giải quyết khiếu nại;
d) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Người khiếu nại có nghĩa vụ:
a) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật vê nội dung trình bày và việc cung cấp các thông tin, tài liệu đó;
b) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.”
– Quyền của người khiếu nại trong tố tụng hình sự:
Điều luật quy định người khiếu nại có quyền khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án bao gồm giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Xuất phát từ một trong những nguyên tắc giải quyết khiếu nại là hòa giải giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại nên Điều 472 luật quy định sau khi đã thực hiện quyền khiếu nại, người khiếu nại có quyền rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, việc rút khiếu nại phải được lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc rút khiếu nại đó chứ không được thực hiện tùy tiện.
Người khiếu nại khi được nhận văn bản trả lời vê giải quyết khiếu nại của cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Nếu như người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần thứ nhất có quyền tiếp tục khiếu nại lên cơ quan, người có thẩm quyền là cấp trên trực tiếp của cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
Đối với trường hợp các quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại đã thực tế bị xâm phạm bởi các quyết định hoặc hành vi tố tụng của cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì được khôi phục lại các quyền, lợi ích hợp pháp đó và được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Việc bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do người có thẩm quyền trọng hoạt động tố tụng gây ra được tiến hành theo các quy định tại các bộ luật liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành khác.
– Nghĩa vụ của người khiếu nại:
Theo quy định của pháp luật, khi tiến hành việc khiếu nại, người khiếu nại có nghĩa vụ gửi khiếu nại tới cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, có nghĩa vụ trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Ngoài ra, người khiếu nại không được từ chối việc cung cấp thông tin hoặc tài liệu khi cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại yêu cầu. Trong trường hợp người khiếu nại từ chối cung cấp thông tin và những tài liệu cần thiết thì việc khiếu nại sẽ không được giải quyết và người khiếu nại không có quyền khiếu nại lên cấp trên.
Nếu người khiếu nại không trình bày trung thực sự việc, cung cấp những thông tin, tài liệu không chính xác, giả mạo thì người khiếu nại phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm nói trên dưới hình thức như trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm dân sự hoặc nặng nhất là trách nhiệm hình sự về tội vu khống.
Khi có quyết định của Tòa án, người khiếu nại phải chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.