Đối tượng hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm dân sự của người tham gia bảo hiểm đối với bên thứ ba theo quy định của pháp luật. Quyền và nghĩa vụ các bên được quy định như thế nào?
Đối tượng trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm về bồi thường thiệt hại, là loại bảo hiểm không thể xác định được giá trị đối tượng bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. “ Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm dân sự của người tham gia bảo hiểm đối với bên thứ ba theo quy định của pháp luật ”. (Điều 52 Luật kinh doanh bảo hiểm). Khác với hợp đồng bảo hiểm tài sản có đối tượng là tài sản cụ thể, hợp đồng bảo hiểm con người là bảo hiểm đối với một người cụ thể; đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người tham gia bảo hiểm đối với bên thứ ba. Đó là thiệt hại có thể xảy ra trong tương lai, trong phạm vi, giới hạn bảo hiểm và thuộc trách nhiệm bồi thường của bên tham gia bảo hiểm. Do đó, pháp luật phải quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia hợp đòng trách nhiệm dân sự. Quyền của bên bảo hiểm là sự đối lập tương ứng với nghĩa vụ của bên tham gia bảo hiểm và bên được bảo hiểm và ngược lại.
1. Việc lựa chọn giao kết hợp đồng bảo hiểm
Bên mua bảo hiểm có quyền lựa chọn mua bảo hiểm ở bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm nào miễn là doanh nghiệp đó đang tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên lãnh thổ Việt Nam. Bên mua bảo hiểm có thể lựa chọn mua bảo hiểm ở doanh nghiệp bảo hiểm nào có mức phí bảo hiểm đối với loại bảo hiểm đó thấp nhất và chất lượng cao nhất. Quyền này đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm: mức phí thấp hơn, thủ tục bồi thường nhanh chóng, hợp tình, hợp lý hơn, kịp thời khắc phục được những tổn thất về tài chính đối với bên tham gia bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Đồng thời bên mua bảo hiểm cũng có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm để tìm hiểu những thông tin cần thiết, xem xét hợp đồng bảo hiểm đó có phù hợp với nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của mình hay không.
Để bên mua bảo hiểm thực hiện được quyền này thì doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp thông tin chính xác về hợp đồng và giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm.
Sau khi đã tìm hiểu và quyết định mua bảo hiểm tại một doanh nghiệp bảo hiểm cụ thể, thì bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp cho bên nhận bảo hiểm các thông tin chi tiết liên quan đến đối tượng được bảo hiểm. Bên tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ phải
Về phía mình, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm; và có nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi giao kết hợp đồng và thu phí bảo hiểm.
2. Phí bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thu phí bảo hiểm; còn bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ theo đúng thời hạn và phương thức đã thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo đúng thời hạn và phương thức đã thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, bởi hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm người tham gia bảo hiểm đóng phí bảo hiểm. Tuỳ từng loại sản phẩm bảo hiểm cụ thể mà thời hạn và phương thức nộp phí bảo hiểm được quy định cụ thể hoặc theo thoả thuận của các bên. Bên mua bảo hiểm phải đóng toàn bộ phí bảo hiểm trong một lần trước khi bên bảo hiểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc hợp đồng bảo hiểm; hoặc phí bảo hiểm được đóng nhiều lần theo định kỳ thì bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm vào định kỳ đầu tiên trước khi được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc hợp đồng bảo hiểm và phải tiếp tục đóng phí của các kỳ sau theo đúng định kỳ.
Trong hợp đồng bảo hiểm thì phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là các yếu tố để xác định phí bảo hiểm và theo đó xác định số tiền bảo hiểm. Phí bảo hiểm là lợi ích mà các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm hướng tới khi giao kết một hợp đồng bảo hiểm. Để đảm bảo tính lợi nhuận và sự cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh, đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải tính toán phí bảo hiểm với một mức thích hợp. Phí bảo hiểm được tính toán dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, song nguồn tài chính thu được từ phí bảo hiểm theo mức đã được tính toán tối thiểu phải có dư sau khi đã chi phí cho các hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm. Để xác định một mức phí bảo hiểm bảo đảm có lợi nhuận, còn cần phải cân nhắc đến các yếu tố quan trọng như: sự trượt giá của đồng tiền, sự thay đổi lãi suất vốn vay bởi khoản tiền thu được từ phí bảo hiểm hiện tại được dùng để bồi thường thiệt hại xảy ra trong tương lai. Phí bảo hiểm là khung giá định cho một sản phẩm bảo hiểm nhất định. Trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì phí bảo hiểm được xác định theo mức trách nhiệm mà pháp luật quy định. Đối với mỗi loại sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự khác nhau, phí bảo hiểm được xác định trên những căn cứ khác nhau xuất phát từ những cơ sở để xác định trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm.
Phí bảo hiểm trách nhiệm công cộng khó xác định cụ thể và mức phí thay đổi một cách đáng kể tuỳ thuộc vào từng rủi ro. Phí bảo hiểm được xác định căn cứ vào số tiền bảo hiểm, nghề nghiệp của người tham gia bảo hiểm, quy trình kinh doanh, vị trí, phạm vi hoạt động, loại hình sản xuất kinh doanh của người tham gia bảo hiểm, doanh thu của người tham gia bảo hiểm, khả năng xuất hiện bên thứ ba tại địa điểm sản xuất kinh doanh…
Phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm thường được tính trên cơ sở doanh thu, khối lượng sản phẩm sản xuất ra.
Phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp được xác định dựa trên quy mô hoạt động nghề nghiệp của chủ thể tham gia; số lượng và trình độ nghề nghiệp, kinh nghiệm công tác của các thành viên; cơ sở vật chất để tổ chức tiến hành nghề nghiệp; giới hạn bồi thường…
Phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trên nguyên tắc là do pháp luật quy định. Ngoài ra, mức phí còn tính theo tỷ lệ phần trăm mức phí theo năm đối với thời hạn bảo hiểm ngắn hạn và dài hạn.
Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ sử dụng lao động đối với người lao động về cơ bản được tính căn cứ vào số tiền bảo hiểm đã thoả thuận, đồng thời căn cứ vào thời hạn bảo hiểm và loại nghề nghiệp của người lao động. Phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự hàng không là số tiền mà hãng hàng không phải đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự hàng không được xác định trên các yếu tố: mức giới hạn trách nhiệm; số vụ tai nạn và mức độ tổn thất của các vụ tai nạn trong khu vực và trên thế giới; việc đào tạo và kinh nghiệm của phi công; loại máy bay được sử dụng trong việc chuyên chở; số lượng hàng hoá, hành lý chuyên chở trong năm; số lượng và loại hành khách; tuyến bay, tần suất bay; vị trí pháp lý của hãng hàng không.
Phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu là khoản tiền do bên bảo hiểm thu trên cơ sở biểu phí do Bộ tài chính quy định áp dụng cho từng loại tàu, nhóm tàu theo các điều kiện bảo hiểm cụ thể. Phí bảo hiểm có thể tăng hoặc giảm tuỳ vào tình hình tổn thất hàng năm của các đội tàu tham gia bảo hiểm.
3. Trả tiền bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; có quyền từ chối trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc từ chối bồi thường cho người được bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm; có nghĩa vụ giải thích bằng văn bản lý do từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối bồi thường; phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; có quyền yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của pháp luật. (Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm).
Còn bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Đồng thời có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của pháp luật; thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm, khai báo trung thực về tình hình diễn biến của rủi ro, thiệt hại thực tế giúp bên bảo hiểm xác định chính xác về thiệt hại để làm cơ sở cho việc xét bồi thường. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm chậm trả tiền bảo hiểm so với thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng hoặc pháp luật đã quy định thì bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm trả tiền tương ứng với thời gian chậm trả.
Đối với hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự, nhằm nâng cao ý thức của người mua bảo hiểm, tránh tình trạng người tham gia bảo hiểm chuyển hết mọi trách nhiệm sang cho doanh nghiệp bảo hiểm, pháp luật quy định bên mua bảo hiểm phải thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa thiệt hại và các biện pháp cần thiết khác để hạn chế việc phải bồi thường thiệt hại. Bên mua bảo hiểm phải thực hiện các biện pháp đó trong thời gian đã được doanh nghiệp bảo hiểm khuyến nghị. Nếu bên mua bảo hiểm không thực hiện và sự kiện bảo hiểm chưa xảy ra thì phải thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm để xem xét tính tăng phí bảo hiểm hoặc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.
4. Chuyển yêu cầu bồi hoàn
Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản và trách nhiệm dân sự. Trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bên bảo hiểm phải bồi thường cho bên mua bảo hiểm hoặc trực tiếp trả lời cho người thứ ba theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm thiệt hại mà bên mua bảo hiểm gây ra cho người thứ ba theo quy định của pháp luật. Người thứ ba trong trường hợp này không phải là chủ thể của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự nhưng là chủ thể của quan hệ nghĩa vụ bảo hiểm. Khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm, người thứ ba là bên có quyền được hưởng việc bồi thường theo mức đã thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Trong trường hợp thiệt hại xảy ra không hoàn toàn do lỗi của bên mua bảo hiểm hoặc thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của chủ thể khác thì người mua bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm. Trong trường hợp người khác cùng có lỗi gây thiệt hại cho người thứ ba và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người tham gia bảo hiểm thì người tham gia bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người đó bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm.
5. Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng là ý chí của một trong hai bên về việc không tiếp tục duy trì hợp đồng theo các điều khoản đã cam kết vì bên kia có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Bên bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm có một trong các hành vi sau: cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc để được bồi thường; không thông báo cho bên bảo hiểm những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của bên bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm dù bên bảo hiểm đã yêu cầu; khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, đẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm, trong trường hợp bên mua bảo hiểm không chấp nhận tăng phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm.
Bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong các trường hợp sau: trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm, trường hợp này doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật; khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm, trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận giảm phí bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.