Bên nhận thế chấp là ai? Nghĩa vụ của bên nhận thế chấp? Quyền của bên nhận thế chấp?
Thế chấp tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thông dụng được các chủ thể ưu tiên thực hiện. Chủ thể chính tham gia vào quan hệ thế chấp tài sản đó chính là bên thế chấp, bên nhận thế chấp và có thể có người giữ tài sản thế chấp. Mỗi chủ thể khi tham gia vào quan hệ thế chấp tài sản đều có quyền và nghĩa vụ riêng biệt. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp theo quy định của
Mục lục bài viết
1. Bên nhận thế chấp là ai?
Tại Khoản 1 Điều 317 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).” Như vậy, có thể hiểu bên nhận thế chấp là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ và được bảo đảm bằng tài sản thế chấp, đây là một bên trong trong quan hệ thế chấp tài sản hay chính là chủ thể của biện pháp thế chấp tài sản.
Do bên nhận thế chấp là chủ thể của biện pháp thế chấp tài sản, nên bên nhận thế chấp có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Đối với cá nhân, thì họ có thể tự do trở thành người nhận thế chấp khi từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực nhận thức và làm chủ hành vi của mình. Pháp nhân là bên nhận thế chấp thông qua người đại diện theo pháp luật.
Đối với hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia biện pháp thế chấp với tư cách là bên nhận thế chấp thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm thế chấp này hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia, xác lập thực hiện giao dịch bảo đảm này.
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp được quy định tại Điều 322, Điều 323 Bộ luật dân sự năm 2015.
2. Nghĩa vụ của bên nhận thế chấp
Điều 322 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của bên nhận thế chấp như sau:
“Điều 322. Nghĩa vụ của bên nhận thế chấp
1. Trả các giấy tờ cho bên thế chấp sau khi chấm dứt thế chấp đối với trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp.
2. Thực hiện thủ tục xử lý tài sản thế chấp theo đúng quy định của pháp luật.”
* Nghĩa vụ trả lại giấy tờ cho bên thế chấp
Trường hợp bên thế chấp thực hiện xong nghĩa vụ hoặc các trường hợp khác do các bên thỏa thuận chấm dứt thế chấp, thì bên nhận thế chấp có nghĩa vụ hoàn trả giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu người nhận thế chấp giữ giấy tờ đó. Nếu bên nhận thế chấp không trả giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp, bên thế chấp sẽ gặp khó khăn, thậm chí không thể đưa tài sản thế chấp vào lưu thông dân sự.
Theo quy định của pháp luật, trong nhiều trường hợp, việc định đoạt tài sản hoặc đưa tài sản tham gia các giao dịch dân sự thì chủ sở hữu tài sản phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, ví dụ như tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở. Do vậy, để bảo đảm quyền của bên thế chấp, bên nhận thế chấp phải : “ Trả các giấy tờ cho bên thế chấp sau khi chấm dứt thế chấp đối với trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp ”. Trường hợp, bên nhận thế chấp cố tình không trả giấy tờ đó như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người thế chấp có quyền kiện đòi tài sản theo quy định Điều 168 Bộ luật dân sự năm 2015, do trường hợp bên thế chấp có quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình.
* Nghĩa vụ thực hiện thủ tục xử lý tài sản thế chấp theo đúng quy định của pháp luật
Xử lý tài sản thế chấp là quyền của bên nhận thế chấp. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền, lợi ích cho bên thế chấp thì trong quá trình xử lý tài sản bên nhận thế chấp phải tuân theo các tình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.
* Nghĩa vụ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm xóa thế chấp
Khi biện pháp thế chấp chấm dứt bởi bất kỳ lý do nào, bên nhận thế chấp phải yêu cầu cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm xóa đăng ký thế chấp. Nghĩa vụ này của bên thế chấp nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của bên thế chấp và cũng để cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cập nhật thông tin dữ liệu về đăng ký giao dịch bảo đảm.
3. Quyền của bên nhận thế chấp
Điều 323 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên nhận thế chấp như sau:
“Điều 323. Quyền của bên nhận thế chấp
1. Xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc hình thành, sử dụng, khai thác tài sản thế chấp.
2. Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp.
3. Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng.
4. Thực hiện việc đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật.
5. Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
6. Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
7. Xử lý tài sản thế chấp khi thuộc trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.”
Từ đó, có thế thấy bên nhận thế chấp có các quyền sau:
* Quyền xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, yêu cầu bên thế chấp bảo toàn giá trị tài sản
Khi xác lập thế chấp, người nhận thế chấp có quyền kiểm tra, xem xét tài sản thế chấp, tham gia định giá tài sản thế chấp. Trong thời hạn thế chấp, người nhận thế chấp có quyền kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản của bên thế chấp, nếu bên thế chấp vi phạm nghĩa vụ sử dụng tài sản thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp khắc phục hậu quả do vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, khi kiểm tra giám sát việc sử dụng tài sản thế chấp không được gây khó khăn cho việc sử dụng, khai thác tài sản thế chấp.
Tài sản thế chấp phải bán được nếu bị xử lý thế chấp, cho nên trước và trong thời hạn thế chấp bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng của tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp biết. Trong thời hạn thế chấp, nếu tài sản có nguy cơ bị hư hỏng, giảm sút giá trị thì các bên thỏa thuận cùng tìm các biện pháp cần thiết cho phép để khắc phục hậu quả.
Trong thời hạn thế chấp, nếu tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị, giảm sút giá trị thì trước hết bên nhận thế chấp phải tự mình khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thiệt hại cho chính mình. Mặt khác, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn giá trị của tài sản thế chấp.
* Quyền đăng ký thế chấp, giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp
Thế chấp tài sản là biện pháp bảo đảm quyền của bên nhận thế chấp, cho nên khi tham gia vào quan hệ dân sự, thương mại bên có quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm phù hợp với tính chất của nghĩa vụ được bảo đảm. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình đối với tài sản thế chấp, đặc biệt là quyền truy đòi tài sản thế chấp và quyền ưu tiên thanh toán trước các chủ thể khác có liên quan, bên nhận thế chấp cần thực hiện việc đăng ký để xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba đối với biện pháp bảo đảm. Trong trường hợp luật định, việc đăng ký thế chấp còn là nghĩa vụ của các bên, đồng thời là điều kiện để hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật.
Tài sản thế chấp là động sản, bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu, hoặc là hàng hóa khi thế chấp các bên có thể thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản nhằm kiểm soát việc định đoạt của bên thế chấp, ngăn ngừa biến thế chấp không thực hiện đúng thỏa thuận, cam kết khi xác lập thế chấp. Trường hợp pháp luật quy định thì không được giữ giấy tờ như xe máy, ô tô…
* Quyền xử lý tài sản thế chấp
Trường hợp bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp phải giao tài sản cho bên nhận thế chấp xử lý theo thỏa thuận hoặc theo pháp luật quy định. Bên nhận thế chấp không được phép tự cưỡng đoạt tài sản thế chấp nếu bên thế chấp hoặc người thứ ba không giao tài sản và phải yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Tài sản thế chấp bị xử lý trong các trường hợp quy định tại Điều 299 Bộ luật dân sự năm 2015, khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ nghĩa vụ được bảo đảm . Người nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản thế chấp theo phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp. Nếu các bên không có thỏa thuận về xử lý tài sản thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bán đấu giá theo quy định của pháp luật.