Chấm dứt hợp đồng lao động? Quyền lợi và trách nhiệm của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động? Quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động?
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Chấm dứt hợp đồng lao động:
Chấm dứt hợp đồng lao động đặc biệt là đối với việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có thể dẫn đến việc người lao động không có việc làm, không có thu nhập.
Chính bởi vì thế mà việc chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động.
Còn đối với người sử dụng lao động, việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của người lao động cũng có thể dẫn đến sự xáo trộn về nhân lực trong doanh nghiệp.
Chính bởi vì thế mà pháp luật các nước nói chung và Việt Nam nói riêng đều rất quan tâm đến vấn đề này. Pháp luật nước ta cũng thường xác định quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên khi chấm dứt hợp đồng lao động trên cơ sở tính hợp pháp của việc chấm dứt hợp đồng.
Đối với các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động một cách hợp pháp thì tuỳ theo điều kiện kinh tế -xã hội mà các nước có sự quy định khác nhau nhưng nhìn chung đều hướng đến việc trả cho người lao động một khoản trợ cấp nhất định để nhằm hỗ trợ cho người lao động một khoản tiền khi chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra, khi chấm dứt hợp đồng lao động thì các bên có trách nhiệm thanh toán cho nhau các quyền lợi như tiền lương, tiện nợ, tiền bồi thường và trả lại cho nhau những giấy tờ cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.
Còn đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, pháp luật nước ta đã ban hành những quy định về trách nhiệm phải bồi thường của bên vi phạm.
2. Quyền lợi và trách nhiệm của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:
Theo quy định tại Điều 46, Điều 47
– Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ các trường hợp cụ thể sau đây:
+ Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
+ Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định.
+ Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.
+ Đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
+ Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.
+ Người lao động thôi việc thuộc đối tượng được doanh nghiệp trả trợ cấp mất việc làm.
– Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
– Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
– Khi cho người lao động thôi việc trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một tháng tiền lương, ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
Như vậy, khi hợp đồng lao động chấm dứt, các bên sẽ phải thanh toán cho nhau các quyền lợi như đã thoả thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, khi hợp đồng lao động chấm dứt, người lao động thông thường sẽ được hưởng trợ cấp từ phía người sử dụng lao động nếu làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên. Dựa theo quy định của pháp luật, tuỳ từng trường hợp chấm dứt mà người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc hay trợ cấp mất việc. Mức trợ cấp mất việc làm được tính theo thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động. Mỗi năm làm việc tính bằng một tháng lương nhưng ít nhất phải bằng hai tháng tiền lương.
Còn đối với các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động khác người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc. Mức trợ cấp thôi việc cho người lao động cũng được tính theo thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động. Mỗi năm làm việc sẽ được tính bằng một nửa tháng lương.
Ngoài ra, trong trường hợp nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì các chủ thể là người lao động sẽ không được hưởng khoản trợ cấp thôi việc đồng thời có trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo họp đồng. Còn trong trường hợp người lao động vi phạm nghĩa vụ báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước theo quy định cụ thể tại Điều 40 Bộ luật lao động năm 2019.
3. Quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45, khoản 1 và khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 thì khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
– Người sử dụng lao động sẽ phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.
– Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của người lao động.
– Những trường hợp sau đây được kéo dài thời gian thanh toán nhưng không được quá 30 ngày:
+ Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
+ Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.
+ Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
+ Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
– Người sử dụng lao động phải hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu đã giữ của người lao động.
– Người sử dụng lao động sẽ phải cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho các chủ thể là người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật.
Khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động theo đúng quy định pháp luật sẽ có trách nhiệm giải quyết và thanh toán các quyền lợi cho người lao động như tiền lương, trợ cấp và sẽ phải trả lại sổ bảo hiểm xã hội cùng các giấy tờ khác cho người lao động.
Trong trường hợp nếu các chủ thể là người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì hậu quả pháp lí sẽ khác. Ngoài khoản tiền lương phải trả cho người lao động trong thời gian không được làm việc, người sử dụng lao động sẽ có trách nhiệm phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Theo quy định của pháp luật lao động, các chủ thể là người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trái pháp luật thì có trách nhiệm nhận người lao động trở lại làm việc (nếu người lao động có nhu cầu) đồng thời trả toàn bộ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất là hai tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Còn trong trường hợp người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ báo trước thì người sử dụng lao động sẽ có trách nhiệm phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước theo quy định cụ thể tại Điều 45 Bộ Luật lao động năm 2019.
Không những thế, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động còn có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN và trả lại cùng giấy tờ chính khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động. Ngoài ra các chủ thể là người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm phải cung cấp các bản sao các tài liệu có liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu.
Theo quy định của pháp luật thì các chủ thể là người sử dụng lao động không phải trả trợ cấp thôi việc và được bồi thường nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước. Bên cạnh đó, khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động còn được hoàn trả phí đào tạo (nếu có). Thời hạn thanh toán các quyền lợi cho người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật là mười bốn ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, trường hợp đặc biệt cũng không quá ba mươi ngày.