Tương tự như lần pháp điển hoá năm 1988, BLTTHS năm 2003 không có một điều luật riêng về thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa nhưng BLTTHS 2003 đã kế thừa ở và bổ sung trong quy định tại Điểm d và đ điều 58 về quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa thời kỳ trước khi pháp điển hóa Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988:
- 2 2. Quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988:
- 3 3. Quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003:
1. Quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa thời kỳ trước khi pháp điển hóa Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 :
Ngày 02/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập long trọng tuyên bố với quốc dân, đồng bào và toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước của giai cấp Công nhân và Nông dân Việt Nam. Ngay sau khi ra đời bên cạnh việc kiện toàn bộ máy chính quyền non trẻ, nhà nước đã chú trọng đến việc xây dựng, củng cố hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật tố tụng hình sự nói riêng. Ngày 13/9/1945, Chủ tịch lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký ban hành Sắc lệnh số 33c về việc thành lập tòa án quân sự ở một số tỉnh thuộc Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Tại điều 5 của Sắc lệnh đã quy định “Bị cáo có thể tự bào chữa hay nhờ người khác bênh vực cho”. Sắc lệnh đã khẳng định quyền bào chữa cho bị cáo trong tố tụng hình sự được bảo đảm và ghi nhận thực hiện từ rất sớm. Bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội ban hành vào ngày 09/11/1946 đã quy định tại điều thứ 67 nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo “người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”. Quy định là cơ sở pháp lý cao nhất và vững chắc nhất cho bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự. Trong giai đoạn mới của cách mạng Hiến pháp năm 1959 được ban hành cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Hiến pháp năm 1959 tiếp tục ghi nhận và bảo đảm quyền bào chữa tại điều 101: “Quyền bào chữa của người bị cáo được bảo đảm”.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta tiến hành tổng tuyển cử tự do trong cả nước, thực hiện thống nhất Tổ quốc. Tháng 7 năm 1976, nước ta lấy tên là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần có một bản Hiến pháp thể chế hóa đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Hiến pháp năm 1980 tiếp tục kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 để bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo tại điều 133 “quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm”. Từ năm 1986 công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam đề xướng đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Quốc hội quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, ngày 15/4/1992 bản Hiến pháp năm 1992 được quốc hội thông qua. Hiến pháp năm 1992 tiếp tục ghi nhận quyền bào chữa tại điều 132 “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình”. Kế thừa các quy định về bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo từ Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 2013 đề cao và bảo vệ quyền con người bằng việc quy định mở rộng hơn các chủ thể có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa và quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm .
Mặc dù quyền bào chữa của bị cáo đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và các văn bản pháp PLTTHS nhưng lại không có quy định về quyền của người bào chữa khi tham gia tố tụng cho đến trước khi có pháp lệnh luật sư năm 1987. Pháp lệnh luật sư năm 1987 quy định tại điều 14 khi tham gia tố tụng luật sư có các quyền:
1– Bình đẳng với các thành phần khác trước Toà án; không buộc phải làm chứng về những vấn đề biết được khi làm nhiệm vụ bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc đại diện cho các đương sự khác;
2 Nghiên cứu hồ sơ vụ án, đề xuất chứng cứ, gặp riêng bị can, bị cáo, đương sự; đề nghị bổ sung hồ sơ, trưng cầu giám định và đưa ra những đề nghị cần thiết khác;
3– Đề nghị thay đổi người tiến hành, người tham gia tố tụng;
4– Tham gia thẩm vấn và tranh luận tại phiên tòa, đề nghị biện pháp xử lý bị cáo, bồi thường thiệt hại và các biện pháp giải quyết tranh chấp dân sự, hôn nhân, gia đình và lao động;
5– Đọc, yêu cầu bổ sung, đính chính biên bản phiên tòa;
6 Kháng cáo bản án và quyết định của toà án trong trường hợp làm bào chữa hoặc đại diện cho bị cáo, đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần. Khi tham gia tố tụng, luật sư có thể có những quyền khác theo quy định của pháp luật.
Có thể nói, pháp lệnh luật sư năm 1987 đã bước đầu đưa những quy định liên quan đến quyền thu thập và đưa ra chứng cứ của người bào chữa “...đề xuất chứng cứ … và đưa ra những đề nghị cần thiết khác” .
2. Quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 :
Ngày 26 tháng 8 năm 1988 Bộ luật tố tụng hình sự đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1989. BLTTHS năm 1988 của nước ta ra đời sau 13 năm kể từ ngày thống nhất đất nước đã đánh một dấu mốc quan trọng trong kỹ thuật lập pháp tố tụng hình sự nói chung và người bào chữa nói riêng.
– Đầu tiên, nguyên tắc hiến định về quyền bào chữa được cụ thể hóa thành một nguyên tắc cơ bản và bảo đảm thực hiện quyền đó cho bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự là nhiệm vụ của CQĐT, VKSND và
– Thứ hai, các quy định về người bào chữa. Bằng việc cụ thể hóa những người bào chữa nhà làm luật đã liệt kê luật sư, người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo và bào chữa viên nhân dân. (khoản 1, điều 35), ngoài những người được liệt kê thì không ai khác có thể là người bào chữa cho bị can, bị cáo. Vì chỉ có những người là người bào chữa mới được bào chữa cho bị can, bị cáo nên PLTTHS đã trao cho họ những quyền phù hợp với chức năng nghề nghiệp của người bào chữa.
– Thứ ba, Tại sao lại phải quy định cho người bào chữa các quyền? Để người bào chữa thực hiện được công việc bào chữa thì PLTTHS đã thiết lập một hành lang cụ thể để người bào chữa hoạt động đó là các quyền và nghĩa vụ của họ, với mục đích cao nhất của việc quy định này nhằm giúp người bào chữa tham gia vào hoạt động tố tụng được thuận lợi, và thông qua hoạt động tố tụng để bảo vệ tốt nhất cho bị can và bị cáo.
+ Các quyền của người bào chữa được quy định tại khoản 2, điều 36: Quyền có mặt khi hỏi cung bị can và nếu điều tra viên đồng ý thì được hỏi bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; Quyền đưa ra những chứng cứ và những yêu cầu; Quyền gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam; Quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng (khoản 3 Điều 29 và khoản 2 Điều 36); Quyền được đọc hồ sơ vụ án và ghi chép những điều cần thiết sau khi kết thúc điều tra; có quyền tham gia xét hỏi và tranh luận tại phiên toà; Quyền khiếu nại các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, kháng cáo bản án và quyết định của Toà án nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần.
+ Các nghĩa vụ của người bào chữa được quy định tại khoản 3 Điều 36:
Người bào chữa có nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo, giúp bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. và người bào chữa không được từ chối bào chữa cho bị can, bị cáo mà mình đã đảm nhận, nếu không có lý do chính đáng.
– Thứ tư, các điều kiện để người bào chữa thực hiện quyền bào chữa, bao gồm các quy định: (1) được bị can, bị cáo nhờ người bào chữa thực hiện quyền bào chữa của họ, (2) được Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án hoặc Hội đồng xét xử cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong vụ án để họ thực hiện nhiệm vụ bào chữa.
– Thứ năm, thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng. Khoản 1 điều 36 quy định: “Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp cần phải giữ bí mật điều tra đối với tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra”. Đây cũng coi là một điều kiện phụ nhưng khá quan trọng để người bào chữa thực hiện các quyền và có thời gian để sử dụng mọi biện pháp hợp pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo. Nếu người bào chữa được tham gia tố tụng muộn ở giai đoạn có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì sẽ không có thời gian để sử dụng mọi biện pháp hợp pháp do luật định để phục vụ bào chữa.
BLTTHS năm 1998 không có quy định về quyền thu thập chứng cứ cho người bào chữa mà chỉ quy định người bào chữa có quyền đưa ra chứng cứ và những yêu cầu và được sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo; giúp bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Có thể nói những quy định ban đầu trong lần pháp điển hóa đầu tiên của PLTTHS chưa rõ nét về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa nhưng đã đặt nền móng cho việc quy định quyền thu thập chứng cứ cho những lần pháp điển hóa sau này. Bộ luật này đã phần nào mở ra một vế trong quyền tự bảo vệ mình qua những quy định rải rác về việc đưa ra tài liệu, đồ vật... của những người tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 2, điều 49 BLTTHS năm 1988 “Những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án”.
Kể từ khi pháp điển hóa lần thứ nhất BLTTHS năm 1988, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự của nước ta đóng góp có hiệu quả bằng việc tuyên truyền, nhận thức pháp luật thuộc lĩnh vực hình sự đến Nhân dân ta và công dân nước ngoài sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam; là căn cứ cơ bản để đấu tranh chống tội phạm nhưng vẫn bảo vệ được quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của bị cáo. Sau 15 năm áp dụng BLTTH năm 1988 đã bộc lộ những hạn chế về quyền thu thập chứng cứ và đưa ra chứng cứ của người bào chữa, do chưa có quy định nên việc người bào chữa thực hiện nhiệm vụ của mình bằng việc tham gia trong các giai đoạn tố tụng giải quyết vụ án còn mờ nhạt. Đánh giá từ thực tiễn, có thể thấy tố tụng hình sự nước ta đã bộc lộ nhiều tồn tại liên quan đến bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội... Trong hoạt động tố tụng có nhiều vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân, đây chính điều kiện đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi BLTTHS năm 1988.
3. Quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 :
BLTTHS năm 2003 đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 và thay thế Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và các Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1990, năm 1992, năm 2000. BLTTHS năm 2003 đã kế thừa và phát triển một bước pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước ta, đã thể chế chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp. Cũng giống như lần pháp điển hóa thứ nhất vào năm 1988, BLTTHS năm 2003 không có một điều luật riêng về thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa nhưng BLTTHS năm 2003 đã kế thừa ở và bổ sung trong quy định tại Điểm d và đ điều 58 về quyền thu thập “Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác”; và đưa ra “Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu”. Việc quy định người bào chữa có các quyền về thu thập, đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu cho thấy Nhà nước ta đã kịp thời bổ sung những khiếm khuyết của BLTTHS năm 1988. Quy định này là một bước tiến bộ cả về mặt lập pháp TTHS và về mặt nội dung được thể hiện trong BLTHS năm 2003 so với BLTTHS năm 1988. Những quy định mới như:
– Quyền bào chữa được mở rộng hơn đối tượng thụ hưởng người bào chữa. Nếu như BLTTHS năm 1998 chỉ quy định có bị can, bị cáo thì bộ luật này ngoài chỉ có bị can, bị cáo còn có người bị tạm giữ (điều 48), và thời điểm người bào chữa cũng đã thay được quy định theo hướng được tham gia sớm hơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ bằng quy định tại khoản 1 Điều 58: “Trong trường hợp bắt người theo quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ”. Quy định người bào chữa có thể tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có quyết định tạm giữ đã cho thấy BLTTHS năm 2003 đã chú trọng đến bảo vệ quyền con người trong hoạt động TTHS từ rất sớm. Đi cùng với đó là quyền của người bào chữa cũng xuất hiện từ giai đoạn này chứ không còn từ thời điểm khởi tố bị can.
– Quyền của người bào chữa được quy định như thế nào để giúp người bào chữa thực hiện việc bào chữa được thuận lợi và quyền bào chữa của người bị buộc tội được bảo đảm là điều mà người bào chữa kỳ vọng nhiều nhất vào bộ luật này. BLTTHS năm 2003 đã đáp ứng được phần lớn kỳ vọng của người bào chữa tại thời điểm đó khi người bào chữa được bổ sung một vế tạo nguồn để người bào chữa và người bị buộc tội có thể đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu đó chính là quyền được thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa.
– Phạm vi thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa được quy định cụ thể mà người bào chữa có thể thu thập là từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác (điểm d, khoản 2 Điều 58).
+ Có một điều mà quy định đã bó hẹp phạm vi thu thập chứng cứ của người bào chữa trong BLTTHS năm 2003 đó là việc thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa chứng cứ của người bào chữa đối với người thân thích của bị can, bị cáo hoặc từ cơ quan, tổ chức cá nhân khác nhưng phải theo yêu cầu của bị can, bị cáo. Mặc dù pháp luật TTHS đã cho người bào chữa được quyền thu thập tài liệu, đồ vật nhưng lại chỉ được thực hiện theo yêu cầu của bị can, bị cáo.
+ Đây cũng chính là những nút thắt mà thực tiễn thị thành bộ luật này người bào chữa không thể thực hiện công việc của họ như kỳ vọng ban đầu trước khi bộ luật được thông qua.
Xin được nêu một số vướng mắc mà người bào chữa không thể thực hiện do nút thắt này cản trở trong việc người bào chữa cần thu thập chứng cứ phục vụ cho việc bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm. người bào chữa nhận lời bào chữa cho bị cáo N.V.P và V.CN bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố phạm tội “Giết người” và áp dụng điểm a, n khoản 1 điều 93, điểm b, c khoản 1, khoản 2 Điều 46 xử phạt các bị cáo chung thân tù chung thân. Sau khi được cấp giấy chứng nhận bào chữa và được sao chụp hồ sơ vụ án, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án người bào chữa phát hiện nhiều tình tiết của vụ án còn mâu thuẫn, nhiều vấn đề cần làm được rõ do các chứng cứ chưa thật sự đầy đủ. Sau đó, người bào chữa tiến hành thu thập chứng cứ từ các cá nhân khác nhưng cá nhân đó và luật sư của họ người bào chữa phải chứng minh là việc yêu cầu thu thập chứng cứ này phải do bị cáo yêu cầu thì họ mới xuất trình, cung cấp. người bào chữa thực hiện quyền được gặp người chưa được làm rõ tại phiên tòa người bào chữa vào gặp các bị cáo đang bị tạm giam theo quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 58 BLTTHS, thông qua việc gặp các bị cáo người bào chữa trao đổi nội dung về sự cần thiết phải thu thập các tài liệu để làm căn cứ bào chữa nhằm giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, và đề nghị các bị cáo thể hiện yêu cầu người bào chữa thu thập tài liệu đó bằng văn bản với mục đích là chứng cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Các bị cáo đồng ý yêu cầu người bào chữa thu thập bằng hình thức viết đơn yêu cầu người bào chữa thu thập tại buổi gặp làm việc nhưng khi đang viết đơn thì cán bộ của nơi đang tạm giam bị cáo nhất định không cho các bị cáo viết đơn khi gặp người bào chữa. Gặp tình huống đó, người bào chữa đã giải thích các quy định của pháp luật và nội dung của đơn đề nghị đó được cán bộ ngồi giám sát từ đầu buổi làm việc đã nghe rất rõ và tường tận, sau đó cán bộ giám sát đã đi xin ý kiến lãnh đạo và quay trở lại trả lời không đồng ý sau đó cán bộ này giải thích các bị cáo muốn viết đơn gì thì vào trong buồng giam xin giấy tờ viết rồi gửi cho quản giáo để gửi lên người có thẩm quyền xem xét, nếu được thì mới cho gửi”. Phải mất hơn 20 ngày sau người bào chữa mới nhận được đơn đề nghị thu thập tài liệu của bị cáo gửi ra từ nơi tạm giam sau khi phiên tòa được xét xử. Vụ án được xét xử với tài liệu quan trọng đó do người bào chữa cung cấp cho tòa án để bào chữa giảm nhẹ cho bị cáo và được HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, giảm hình phạt cho các bị cáo từ Chung thân xuống còn 20 năm tù. Nếu như người bào chữa không sử dụng mọi biện pháp được pháp luật quy định để thu thập tài liệu quan trọng đó để bào chữa cho bị cáo thì có lẽ các bị cáo sẽ mất đi một cơ hội được giảm nhẹ từ chung thân xuống 20 năm tù.
Qua hơn 10 năm thi hành BLTTHS năm 2003 đã làm tốt vai trò quan trọng của nó trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước và các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003 cũng đã bộc lộ vướng mắc, bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn trong tình hình mới.
Nhìn chung việc ban hành và áp dụng các quy định về quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa của nhà nước phụ thuộc vào chính sách pháp luật trong từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau. Ngày nay, đất nước ta đang trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nên việc xây dựng hệ thống pháp luật chỉ để quản lý và kiểm soát trật tự xã hội đã không còn nữa mà thay vào đó là hệ thống pháp luật dân chủ, bình đẳng, công bằng, văn minh.