Khi một cá nhân bị tuyên bố chết, sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả pháp lý khác nhau, liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhiều chủ thể trong các mối quan hệ dân sự nói chung và hôn nhân gia đình nói riêng. Dưới đây là quy định về quyền nhân thân của người bị tuyên bố chết nếu họ còn sống.
Mục lục bài viết
1. Quyền nhân thân của người bị tuyên bố chết nếu còn sống:
Căn cứ theo quy định tại Điều 73 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về việc hủy bỏ quyết định tuyên bố chết. Theo đó, quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết sẽ được khôi phục khi cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết, ngoại trừ những trường hợp cơ bản sau đây:
– Vợ hoặc chồng của những người bị tuyên bố là đã chết đã được cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án cho ly hôn căn cứ theo quy định tại Điều 68 của Bộ luật dân sự năm 2015, thì quyết định cho ly hôn đó vẫn sẽ có hiệu lực pháp luật;
– Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn với người khác hợp pháp thì việc kết hôn đó cũng sẽ có hiệu lực pháp luật.
Theo đó thì có thể nói, pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về vấn đề quyền nhân thân của người bị tuyên bố chết nếu họ còn sống trở về. Căn cứ theo quy định tại Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về quan hệ hôn nhân của vợ chồng khi một bên bị tuyên bố là đã chết trở về, cụ thể là được quy định tại Điều 67, theo đó, khi cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố một người là đã chết, tuy nhiên vợ hoặc chồng của người đó chưa thực hiện hoạt động kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân sẽ được phục hồi được tính bắt đầu kể từ ngày kết hôn. Trong trường hợp có quyết định ly hôn của cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án căn cứ theo quy định tại Điều 56 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì quyết định cho ly hôn của tòa án đó vẫn sẽ có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã thực hiện thủ tục kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được xác lập sau đó sẽ có hiệu lực pháp lý.
Theo đó thì có thể nói, khi một bên vợ hoặc chồng bị tuyên bố là đã chết nay trở về thì quan hệ hôn nhân của họ với người kia có được hồi phục hay không hoàn toàn tùy thuộc vào tình trạng hôn nhân thực tế của người còn lại, được tính tại thời điểm tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố chết.
Có thể nói, việc tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố chết được xem là tiền đề và căn cứ để xác định xem quan hệ hôn nhân trong trường hợp này được giải quyết như thế nào. Tại thời điểm tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố chết mà người vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân của họ đương nhiên sẽ được khôi phục tại thời điểm đăng ký kết hôn. Trong trường hợp không ai yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố chết mà người bị tòa án tuyên bố chết trở về thì vẫn tiếp tục chung sống với vợ, chồng của mình, thì những tài sản mà 02 người tạo ra trong khoảng thời gian này sẽ được coi là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân sẽ không được khôi phục trong hai trường hợp sau đây:
Thứ nhất, trước khi bị tuyên bố là đã chết, người này đã bị tuyên bố mất tích. Trong thời gian tuyên bố mất tích, vợ hoặc chồng của họ đã yêu cầu tòa án giải quyết cho ly hôn và tòa án đã ra quyết định cho ly hôn, quyết định đó đã có hiệu lực pháp luật. Sau đó người này vẫn biệt tích và không có tin tức gì sau khoảng thời gian 03 năm được tính kể từ ngày có quyết định tuyên bố mất tích, quyết định đã có hiệu lực. Do đó, họ đã bị tuyên bố là đã chết. Người vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết yêu cầu tòa án xét xử ly hôn căn cứ theo quy định tại Điều 56 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014, thì khi người đó trở về quyết định ly hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật.
Nếu như trong trường hợp người vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết chưa kết hôn với người khác thì khi họ trở về, quan hệ hôn nhân của họ đương nhiên được khôi phục, thì trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân của họ lại “gặp” phải một quyết định cho ly hôn của tòa án, pháp luật vẫn công nhận rằng hai người đã ly hôn, dù cho người bị tòa án tuyên bố chết trở về có biết về việc ly hôn này hay không. Quy định này của pháp luật là hoàn toàn phù hợp và hợp lý, dự liệu được thực tế có nhiều trường hợp người chồng hoặc người vợ vì những lý do nhất định mà không muốn kết hôn với người khác. Có như vậy thì khi người bị tòa án tuyên bố chết trở về, mối quan hệ vợ chồng của họ vẫn sẽ được pháp luật thừa nhận và bảo hộ mà họ không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn lại, đó thể hiện sự tôn trọng của pháp luật dành cho các cá nhân trong xã hội.
Ngược lại, quyết định cho ly hôn của tòa án dựa trên cơ sở người vợ hoặc người chồng của người bị tòa án tuyên bố chết thể hiện ý chí của mình thông qua đơn yêu cầu ly hôn. Tức là khi họ gửi đơn yêu cầu ly hôn cũng đồng nghĩa với việc họ không còn tình cảm với người bị tuyên bố là đã chết. Như vậy thì ngay cả khi người bị tòa án tuyên bố chết trở về, họ cũng chẳng có lý do gì để quay lại chung sống với người đó. Vì lí lẽ đó nên Bộ luật dân sự nói chung và Luật hôn nhân gia đình nói riêng đều quy định việc tòa án quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.
Thứ hai, người chồng hoặc vợ của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì pháp luật sẽ công nhận mối quan hệ hôn nhân sau là quan hệ hôn nhân hợp pháp. Trong trường hợp người vợ hoặc chồng của người bị tòa án tuyên bố chết kết hôn với người khác thì pháp luật công nhận quan hệ hôn nhân sau của họ là quan hệ hôn nhân hợp pháp. Bởi khi tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết thì hệ quả pháp lý về quan hệ hôn nhân đối với người bị tòa án tuyên bố chết được xử lý giống như đối với người chết tự nhiên. Nghĩa là quan hệ hôn nhân của họ đương nhiên chấm dứt mà không cần phải thông qua thủ tục ly hôn tại tòa án. Khi quyết định tuyên bố chết của tòa án có hiệu lực pháp luật thì người chồng hoặc người vợ của người đó trở thành người độc thân và được quyền tự do kết hôn với một người khác.
2. Người bị tuyên bố chết trở về có đương nhiên phục hồi tư cách chủ thể không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 73 của Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 394 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về việc, khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực về việc người bị tuyên bố là đã chết còn sống, thì người bị tuyên bố là đã chết hoặc người có quyền lợi liên quan có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định hủy bỏ đối với quyết định tuyên bố một người là đã chết. Theo đó, hoàn toàn có thể rút ra điều kiện để tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết. Cụ thể bao gồm các điều kiện cơ bản sau:
– Người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực về việc người bị tuyên bố là đã chết vẫn đang còn sống. Sự xuất hiện trở lại của người bị tuyên bố là đã chết là một minh chứng vô cùng rõ ràng cho việc họ đang còn sống. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người đó và những người có liên quan thì tòa án cần phải ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố chết đối với họ khi có yêu cầu là điều hợp lý;
– Phải có đơn yêu cầu tòa án về việc hủy bỏ quyết định tuyên bố chết. Việc gửi đơn yêu cầu có thể do chính người bị tuyên bố chết thực hiện hoặc có thể do những người có liên quan yêu cầu;
– Tòa án xem xét yêu cầu và ra quyết định hủy bỏ tuyên bố chết.
Như vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 73 của Bộ luật dân sự năm 2015 như phân tích nêu trên thì có thể nói, nếu như người bị tòa án tuyên bố chết trở về thì họ cũng không đương nhiên được phục hồi từ các chủ thể cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ của một cá nhân, mà cần phải làm đơn yêu cầu tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố chết đối với mình.
3. Người bị tuyên bố chết nếu còn sống thì cần phải làm gì?
Cần phải làm đơn yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố chết theo quy trình sau:
Bước 1: Gửi đơn yêu cầu đến tòa án. Trong đơn yêu cầu cần phải có các nội dung cơ bản như sau: ngày tháng năm viết đơn, tên tòa án có thẩm quyền giải quyết, tên và địa chỉ của người yêu cầu, những vấn đề cụ thể yêu cầu tòa án giải quyết, lý do yêu cầu, mục đích yêu cầu, căn cứ yêu cầu, tên và địa chỉ của những người có liên quan đến yêu cầu, những thông tin khác mà người yêu cầu nhận thấy cần thiết, người yêu cầu là cá nhân thì cần phải ký tên, người yêu cầu là cơ quan hoặc tổ chức thì đại diện hợp pháp cần phải ký và đóng dấu vào phần cuối đơn.
Bước 2: Gửi kèm theo đơn yêu cầu tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Trong khoảng thời gian 15 ngày được tính kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết, tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Tòa án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu. Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì tòa án cần phải ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết, trong quyết định này thì tòa án cần phải ghi nhận rõ về hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.