Quyền được thế chấp tài sản của người thừa kế. Thừa kế tài sản từ bố mẹ đẻ, khi thế chấp ngân hàng có cần sự đồng ý của người vợ?
Tóm tắt câu hỏi:
Trong thời kỳ hôn nhân, tôi được thừa kế của bố mẹ đẻ một căn nhà và đất. Hiện tôi đã làm thủ tục sang tên trên sổ đỏ (chỉ ghi tên của tôi). Vậy nếu tôi thế chấp căn nhà đó để vay vốn của ngân hàng thì có cần vợ tôi cùng ký vào hợp đồng thế chấp không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Trước hết, bạn cần làm rõ xem căn nhà mà bạn sử dụng để thế chấp là tài sản chung của vợ chồng bạn hay là tài sản riêng của bạn.
Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng:
“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.
Và khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng:
“Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng”.
>>> Luật sư
Bạn có được căn nhà trong thời kỳ hôn nhân do được thừa kế từ bố mẹ đẻ. Tuy nhiên, bạn cần phải xác định rõ bố mẹ đẻ của bạn để thừa kế cho riêng bạn hay để thừa kế cho cả hai vợ chồng bạn. Bạn cần căn cứ vào ý chí của bố mẹ bạn thể hiện trong di chúc (nếu có) và các quy định của pháp luật về thừa kế để xác định được điều đó:
– Trường hợp 1: Nếu căn nhà và quyền sử dụng đất là tài sản cả hai vợ chồng được thừa kế từ bố mẹ thì dù Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đứng tên bạn nhưng vẫn được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Lúc này, việc ký kết hợp đồng thế chấp căn nhà với ngân hàng cần phải có sự đồng ý của vợ bạn và cả hai vợ chồng cùng ký vào hợp đồng với tư cách là bên thế chấp. Nếu bạn tự ý thế chấp nhà mà không được sự đồng ý của vợ bạn thì hợp đồng thế chấp này là không hợp pháp. Ngoài ra, vợ chồng bạn cũng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ghi tên của cả bạn và vợ bạn.
– Trường hợp 2: Nếu căn nhà và quyền sử dụng đất là tài sản bạn được thừa kế riêng từ bố mẹ đẻ của mình, thì đó là tài sản riêng của bạn. Bạn có quyền thế chấp căn nhà đó với ngân hàng và chỉ cần chữ ký của mình bạn. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý đến quy định tại Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng”.
Tức là bạn cần phải bảo đảm chỗ ở cho gia đình bạn khi tham gia giao dịch thế chấp với ngân hàng.
Dựa trên những căn cứ pháp lý trên, bạn có thể áp dụng vào trường hợp cụ thể của mình để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.