Quyền được đại diện của đương sự trong hoạt động tố tụng dân sự. Quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
I. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật tố tụng dân sự 2004;
II. Luật sư tư vấn:
Các nguyên tắc của Luật tố tụng dân sự được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Trong tố tụng dân sự, việc thực hiện đúng các nguyên tắc này tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự được thuận lợi. Tố tụng dân sự là một quá trình phức tạp, đương sự chỉ có thể bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi thực hiện được các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của họ. Vì vậy, bảo đảm quyền được bảo vệ của đương sự được pháp luật tố tụng dân sự quy định là một nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng dân sự.
1. Khái quát Quyền bảo vệ của đương sự trong tố tụng dân sự Việt Nam
Bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự trong tố tụng dân sự là làm cho đương sự có đủ những điều kiện cần thiết chắc chắn thực hiện được các quyền tố tụng dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trước tòa án. Nội dung cụ thể của bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự gồm có:
– Bảo đảm việc tự thực hiện các quyền tố tụng dân sự
– Bảo đảm cho đương sự được người khác bảo vệ (người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự);
– Trách nhiệm của tòa án trong việc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự trong tố tụng dân sự.
2. Bảo đảm quyền được đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự Việt Nam.
Xuất phát từ tính đa dạng của các quan hệ pháp luật tố tụng dân sự nên người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự cũng rất đa dạng. Dựa theo ý chí của đương sự pháp luật tố tụng dân sự hiện hành chia người đại diện thành hai loại: người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Tuy nhiên, nếu dựa vào cơ sở tham gia tố tụng của người đại diện thì có thể chia người đại diện thành ba loại: người đại diện theo pháp luật, người đại diện do tòa án chỉ định và người địa diện theo ủy quyền. Theo điều 73 của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 quy định người đại diện như sau:
“- Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo uỷ quyền.
– Người đại diện theo pháp luật được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
– Người đại diện theo uỷ quyền được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự; đối với việc ly hôn, đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.”
Hướng dẫn chi tiết Điều luật này tại Điều 21 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung 2011:
“Theo quy định tại khoản 2 Điều 73 của Bộ luật tố tụng dân sự thì cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ. Trong trường hợp này cơ quan, tổ chức khởi kiện tham gia tố tụng được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền của cơ quan, tổ chức đó.”
2.1. Đại diện theo pháp luật
Người đại theo pháp luật là người đại diện tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự theo quy định của pháp luật.
Điều 141 “
“- Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
– Người giám hộ đối với người được giám hộ;
– Người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình;
– Tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác;
– Những người khác theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, thì người đại diện cho đương sự phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Ngoài ra, pháp luật cũng có quy định hạn chế những trường hợp không được làm người đại diện theo pháp luật tại Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.
Hướng dẫn chi tiết điều 75, Điều 22 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung 2011 một số điều của bộ luật tố tụng dân sự nêu rõ:
“1. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 75 của Bộ luật tố tụng dân sự người đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự, thì không được làm người đại diện theo pháp luật cho một đương sự khác trong cùng một vụ án mà quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự đó đối lập với nhau. Trong trường hợp này họ chỉ được làm người đại diện theo pháp luật cho đương sự mà chính họ đang là người đại diện theo pháp luật của đương sự đó trong vụ án.
Ví dụ: Anh B đang là người đại diện theo pháp luật cho người vợ bị mất năng lực hành vi dân sự, thì không được làm người đại diện theo pháp luật cho người em ruột của mình là người chưa thành niên trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ và người em đối lập nhau. Trong trường hợp này anh B chỉ có thể là người đại diện theo pháp luật của người vợ trong tố tụng dân sự.
2. Theo quy định tại khoản 3 Điều 75 của Bộ luật tố tụng dân sự, thì cán bộ, công chức trong ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an chỉ được làm người đại diện trong tố tụng dân sự khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Khi họ là người đại diện theo pháp luật cho cơ quan của họ hoặc là người đại diện được cơ quan của họ uỷ quyền;
b) Khi họ là người đại diện theo pháp luật của đương sự (không phải là cơ quan của họ) trong vụ án.”
Người được đại diện nếu là cá nhân thì phải là người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị Tòa án ra quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành bi dân sự. Do những đối tượng này cần được pháp luật bảo vệ vì bản thân họ không thể trực tiếp tham gia vào các giao dịch nào nên pháp luật phải quy định những chủ thể có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích cho họ. Đối với các chủ thể là pháp nhân thì khi tham gia vào các giao dịch bắt buộc phải thông qua người đại diện cụ thể.
>>> Luật sư
Người đại diện theo pháp luật của đương sự có quyền tham gia tố tụng để bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi xét thấy cần thiết. Phạm vi tham gia tố tụng của họ không bị hạn chế trong các loại việc.
Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đại diện theo pháp luật của cá nhân sẽ chấm dứt khi: Người được đại diện đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục; Người được đại diện chết; Các trường hợp khác do pháp luật quy định. Đối với trường hợp đương sự là pháp nhân thì đại diện theo pháp luật chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt.
Việc quy định người đại diện theo pháp luật của đượng sự có ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo đảm quyền được đại diện của đương sự. Khi đương sự không thể tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì người đại diện sẽ đứng ra giúp họ.
Người đại diện do Tòa án chỉ định là người đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự theo sự chỉ định của tòa án. Việc tòa án chỉ định người đại diện cho đương sự bảo đảm quyền bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của đương sự trước tòa án. Tuy vậy, trong tố tụng dân sự các đương sự có quyền tự định đoạt nên việc tòa án chỉ định người đại diện cho đương sự chỉ tiến hành trong trường hợp đương sự là người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc trường hợp không được đại diện cho họ theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thì đối với những người thuộc diện không được làm người đại diện theo pháp luật của đương sự, tòa án không được chỉ định làm người đại diện cho đương sự. Người đại diện do Tòa chỉ định tham gia tố tụng từ khi có quyết định của tòa án chỉ định họ đại diện cho đương sự. Phạm vi tham gia tố tụng của người đại diện do tòa án chỉ định không bị hạn chế trong các loại việc
2.2. Đại diện theo ủy quyền
Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và ngưười được đại diện. Đại diện theo ủy quyền có các loại: đại diện theo ủy quyền của cá nhân và đại diện theo ủy quyền của pháp nhân, gia đình, tổ hợp tác. Người đại diện theo ủy quyền là người đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự theo sự ủy quyền của đương sự. Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình không trực tiếp tham gia tố tụng mà ủy quyền cho luật sự hoặc người khác tham gia tố tụng thì người được ủy quyền cũng là người đại diện theo ủy quyền. Khác với hai loại đại diện trên, đương sự được đại diện là người có năng lực hành vi tố tụng nên người đại diện theo uỷ quyền chỉ được tham gia tố tụng khi được đương sự ủy quyền thay mặt họ trong tố tụng dân sự. Đương sự có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng trong các loại việc nhưng đối với việc ly hôn thì đương sự không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng. Đương sự có thể ủy quyền cho bất kỳ người nào có năng lực hành vi tố tụng đại diện tham giat tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Tuy nhiên, để bảo đảm việc giải quyết vụ việc khách quan thì đối với những người không được làm đại diện theo pháp luật của đương sự và những người là cán bộ, công chức trong ngành tòa án, kiểm sát, công an, pháp luật quy định đương sự cũng không được ủy quyền cho họ tham gia tố tụng. Đương sự có thể ủy quyền cho người đại diện thực hiện toàn bộ các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình. Tuy vật, do tính chất, yêu cầu của việc giải quyết vụ việc dân sự sau khi ủy quyền cho người đại diện đương sự vẫn có quyền tham gia tố tụng để bổ sung cho hoạt động của người đại diện. Trong trường hợp cần thiết tòa án có thể triệu tập đương sự cùng tham gia tố tụng với người đại diện của họ. Để xác minh rõ trách nhiệm pháp lý của người đại diện, việc ủy quyền phải được tiến hành dưới hình thức văn bản
Quyền và nghĩa vụ của người đại diện được quy định tại Điều 74
Chế định “đại diện” được quy định tại nhiều điều luật, tương đối đầy đủ và chi tiết trong Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng Dân sự. Theo những quy định này, trong quan hệ dân sự và tố tụng dân sự có “người đại diện theo pháp luật” và “người đại diện theo ủy quyền”- được gọi chung là người đại diện hoặc người đại diện hợp pháp. Quyền và nghĩa vụ của người “đại diện theo pháp luật” và “đại diện theo ủy quyền” không phải trong mọi trường hợp đều như nhau và giống nhau. Có thể nói, Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định rất chặt chẽ về đại diện theo ủy quyền của đương sự, qua đó giúp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.Như vậy, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì mọi đương sự với năng lực hành vi tố tụng dân sự khác nhau đều có thể có người đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.