Hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa có những quy định riêng về hình thức và nội dung. vậy hợp đồng đại lý là gì? Đặc điểm, quy định về hợp đồng đại lý như thế nào? Cùng bài viết dưới đây tìm hiểu về vấn đề nêu trên.
Mục lục bài viết
- 1 1. Hợp đồng đại lý là gì?
- 2 2. Đặc điểm của hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa:
- 3 3. Hình thức và nội dung của hợp đồng đại lý thương mại:
- 4 4. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý:
- 5 5. Điều kiện có hiệu lực về chủ thể của hợp đồng đại lý:
- 6 6. Hợp đồng đại lý có sử dụng biện pháp bảo đảm là ký quỹ:
1. Hợp đồng đại lý là gì?
Hợp đồng đại lý là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, một bên (bên đại lý) được sự ủy quyền của bên kia (bên giao đại lý) cam kết nhân danh bên giao đại lý thực hiện một hoặc nhiều giao dịch theo sự ủy quyền và vì lợi ích của bên kia để được nhận một khoản tiền thủ lao do các bên thỏa thuận
2. Đặc điểm của hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa:
Thứ nhất, chủ thể của hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa là các thương nhân.
Quan hệ đại lý mua bán hàng hóa được xây dựng trên cơ sở hợp đồng, giữa bên giao đại lý và bên đại lý
Theo Điều 167
1. Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.
2. Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.
Như vậy theo quy định của pháp luật thì cả bên giao đại lý và bên đại lý đều phải là thương nhân
Bên giao đại lý và bên đại lý phải là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp; cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Bên giao đại lý là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài giao hàng hóa cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua. Đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng đại lý sau khi được Bộ Công Thương cho phép. Để hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa có hiệu lực pháp luật thì các bên phải có năng lực chủ thể thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.
Thứ hai, bên đại lý phải dùng chính danh nghĩa của mình để thực hiện việc mua bán hàng hóa cho bên giao đại lý.
Đây là một đặc điểm quan trọng của hợp đồng đại lý, cho phép phân biệt hợp đồng đại lý với hợp đồng đại diện cho thương nhân. Trong quan hệ hợp đồng đại lý, do bên giao đại lý thực hiện việc mua, bán hàng hóa cho mình thông qua bên đại lý nên bắt buộc phải có quyền kinh doanh những hàng hóa đó, hay nói cách khác là phải có ngành, nghề kinh doanh phù hợp với hàng hóa đại lý. Do bên đại lý thực hiện việc mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý bằng chính danh nghĩa của mình nên phải có ngành, nghề kinh doanh phù hợp với hàng hóa đại lý mua, đại lý bán. Từ nghĩa vụ cụ thể của bên đại lý là nhân danh chính mình để thực hiện việc mua hoặc bán một khối lượng hàng hóa nhất định cho bên giao đại lý nên bên giao đại lý phải có đăng ký kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hóa ghi trong hợp đồng .
Thứ ba, trong quan hệ hợp đồng đại lý, chủ sở hữu hàng hóa là bên giao đại lý, đại lí chỉ là người được bên giao đại lý giao việc định đoạt hàng hóa. Bên giao đại lý hoàn toàn không chuyển quyền sở hữu hàng hóa (trong trường hợp đại lý bán) hoặc tiền (trong trường hợp đại lý mua).
Cơ sở để bên đại lý bán hoặc mua hàng hóa cho bên giao đại lý là sự ủy nhiệm quyền mua, bán hàng hóa của bên giao đại lý. Đặc điểm này làm cho hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa hoàn toàn khác
Thứ tư, để thực hiện hoạt động đại lý, bên đại lý phải thực hiện các hành vi thực tế.
Bên đại lý nhận hàng hóa từ bên giao đại lý để giao cho người mua trong trường hợp đại lý bán, hoặc nhận tiền từ bên giao đại lý để thanh toán cho khách hàng; nhận hàng từ khách hàng để giao cho bên đại lý trong trường hợp đại lý mua hàng.
Đặc điểm này giúp phân biệt hợp đồng đại lý với hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, trong đó bên được ủy thác chủ yếu thực hiện các hành vi pháp lý (bên được ủy thác chỉ sử dụng danh nghĩa của mình ký hợp đồng với khách hàng; còn việc giao hàng, thanh toán có thể được thực hiện trực tiếp giữa bên ủy thác với khác hàng). Bên đại lý mua bán hàng hóa được tự do hơn bên nhận ủy thác trong việc lựa chọn bên thứ ba để giao kết và thực hiện hợp đồng.
Việc bên nhận ủy thác thực hiện mua bán hàng hóa cho bên ủy thác phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bên ủy thác. Nhưng bên đại lý trong quan hệ đại lý mua bán hàng hóa được tự do trong việc tìm kiếm, giao kết hợp đồng với các bên thứ ba mà không chịu sự tác động của bên giao đại lý.
Thứ năm, hợp đồng đại lý là một dạng của hợp đồng dịch vụ.
Bên đại lý bán hàng hóa hoặc mua hàng cho bên giao đại lý để nhận thù lao. Trong quan hệ hợp đồng đại lý, lợi ích bên đại lý được hưởng chính là thù lao đại lý mà xét dưới khía cạnh pháp lý thì khoản tiền này chính là thù lao dịch vụ mà bên giao đại lý phải thanh toán cho bên đại lý do sử dụng dịch vụ mua bán hàng hóa của bên đại lý.
3. Hình thức và nội dung của hợp đồng đại lý thương mại:
Hình thức:
Theo Điều 169 đại lý có các hình thức là:
– Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
– Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
– Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý. Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
– Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận.
Quan hệ đại lý thương mại được xác lập bằng hợp đồng đại lý thương mại. Hợp đồng đại lý thương mại được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên trong đó bên giao đại lý nhân danh mình mua bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng và bên giao đại lý có nghĩa vụ trả thù lao cho hoạt động đại lý này của bên đại lý.
Nội dung (Quyền và nghĩa vụ của bên đại lý với bên giao đại lý.)
a) Bên đại lý
– Nghĩa vụ của bên đại lý (theo điều 175 Luật thương mại):
+ Mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ do bên giao đại lý ấn định.
+ Thực hiện đúng các thỏa thuận về giao nhận tiền, hàng với bên giao đại lý.
+ Thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật.
+ Thanh toán cho bên giao đại lý tiền bán hàng đối với đại lý bán; giao hàng mua đối với đại lý mua; tiền cung ứng dịch vụ đối với đại lý cung ứng dịch vụ.
+ Bảo quản hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ trong trường hợp có lỗi do mình gây ra.
+ Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên giao đại lý.
+ Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.
– Quyền của bên đại lý (theo điều 174 Luật thương mại 2005):
+ Giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 175 của Luật thương mại 2005.
+ Yêu cầu bên giao đại lý giao hàng hoặc tiền theo hợp đồng đại lý; nhận lại tài sản dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý.
+ Yêu cầu bên giao đại lý hướng dẫn, cung cấp thông tin và các điều kiện khác có liên quan để thực hiện hợp đồng đại lý.
+ Quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng đối với đại lý bao tiêu.
+ Hưởng thù lao, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hoạt động đại lý mang lại.
b) Bên giao đại lý.
– Nghĩa vụ của bên giao đại lý (điều 173 Luật thương mại 2005).
+ Hướng dẫn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho bên đại lý thực hiện hợp đồng đại lý.
+ Chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ.
+ Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại lý.
+ Hoàn trả cho bên đại lý tài sản của bên đại lý dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý.
+ Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên đại lý, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.
– Quyền của bên giao đại lý (theo điều 172 Luật thương mại 2005).
+ Ấn định giá mua, giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ đại lý cho khách hàng.
+ Ấn định giá giao đại lý.
+ Yêu cầu bên đại lý thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật.
+ Yêu cầu bên đại lý thanh toán tiền hoặc giao hàng theo hợp đồng đại lý.
+ Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên đại lý.
4. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý:
Theo quy định tại Điều 177 Luật thương mại:
– Chủ thể thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý thương mại: Bên giao đại lý và bên đại lý đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý theo quy định của pháp luật.
– Điều kiện thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý thương mại
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 177 nêu trên, nếu không có thỏa thuận khác, thời hạn đại lý được chấm dứt khi có yêu cầu của bên giao đại lý hoặc bên đại lý về việc chấm dứt hợp đồng đại lý. Yêu cầu này phải được thể hiện bằng văn bản và thông báo cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.
– Trường hợp bên giao đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý
Bên giao đại lý nếu nhận thấy trường hợp tiếp tục hợp đồng là không có lợi cho mình thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý và phải thực hiện việc thông báo theo quy định tại Khoản 2 Điều 177. Quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do trong quan hệ đại lý tạo điều kiện cho các bên tự do, chủ động trong việc duy trì quan hệ đại lý. Việc quy định về thời hạn báo trước nhằm đảm bảo lợi ích cho các bên, giúp các bên có sự chuẩn bị để đưa ra những kế hoạch kinh doanh khác, hạn chế sự gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động thương mại của các bên.
Khi bên giao đại lý thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý, bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường theo quy định của pháp luật thương mại. Cụ thể, khoản bồi thường sẽ được xác định như sau:
– Trường hợp thời gian đại lý dưới 1 năm: Khoản bồi thường bằng một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian đại lý.
– Trường hợp thời gian đại lý từ 1 năm trở lên: Khoản bồi thường bằng một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm làm đại lý.
Sở dĩ pháp luật có quy định bên giao đại lý phải bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu có yêu cầu của bên đại lý bởi bên đại lý thường là thương nhân hoạt động kinh doanh nhỏ, dù có được thông báo trước một thời hạn nhất định nhưng thời hạn đó đôi khi chưa đủ để họ có những sự chuẩn bị cho sự thay đổi. Cùng với đó, việc bồi thường này cũng phần nào giúp giảm sự tùy tiện của bên giao đại lý trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
– Trường hợp bên đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý:
Khoản 3 Điều 177 Luật thương mại quy định:
“Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý.”
Cũng giống như trường hợp bên giao đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý, bên đại lý cũng có thể thực hiện việc này nếu nhận thấy việc làm đại lý không còn thích hợp nữa. Nhưng trong trường hợp này, bên đại lý sẽ không có quyền yêu cầu bên giao đại lý phải bồi thường cho mình.
Quy định này khi áp dụng trên thực tế chưa thực sự hợp lý, bởi trong mốt số trường hợp bên giao đại lý không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ buộc bên đại lý phải chấm dứt hợp đồng. Khi đó, bên đại lý sẽ không nhận được khoản bồi thường nào từ bên giao đại lý.
Mặt khác, trong trường hợp bên đại lý là đại lý độc quyền, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý tuy đã báo trước nhưng cũng sẽ gây ra khó khăn không nhỏ cho bên giao đại lý, bởi đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định. Trong trường hợp này, nếu không đưa ra được những kế hoạch kịp thời khi được thông bảo chấm dứt hợp đồng từ bên đại lý, bên giao đại lý sẽ bị ảnh hưởng rất lớn mà bên đại lý không phải chịu trách nhiệm gì.
5. Điều kiện có hiệu lực về chủ thể của hợp đồng đại lý:
Hiện nay Luật Thương mại 2005 không có quy định cụ thể về điều kiện có hiệu lực của
Tại Điều 166 Luật thương mại 2005 quy định:
Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
Hay nói cách khác đại lý chỉ là bên đứng ra bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ thay cho doanh nghiệp. Các đại lý tuyệt đối không được quy định các điều kiện về mua bán, giá cả… trái với các chính sách của doanh nghiệp trừ trường hợp có thỏa thuận trong hợp đồng đại lý. Điều này cũng có nghĩa bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hoá đã giao cho bên đại lý
Hợp đồng đại lý thương mại có hai bên chủ thể là bên giao đại lý và bên đại lý. Bên giao đại lý và Bên đại lý .Theo điều 167 Luật thương mại 2005 quy định:
Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.
Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.
Như vậy theo quy định trên thì điều kiện chủ thể của hai bên trong hợp đồng đại lý phải đảm bảo điều kiện là thương nhân.
Theo khoản 1 điều 6 Luật thương mại thì thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Do vậy chủ thể của hợp đồng đại lý thương mại phải là thương nhân với điều kiện thành lập hợp pháp, có đăng ký kinh doanh.
Có thể hiểu bên giao đại lý là thương nhân (thương Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài) giao hàng hóa cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua. Đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng đại lý sau khi được Bộ Công Thương cho phép. Xuất phát từ đó, bên giao đại lý là nhà sản xuất hàng hóa có nghĩa vụ giao hàng, tiền cho bên đại lý thì phải là thương nhân được sản xuất hàng hóa đó hoặc được kinh doanh hàng hóa đó. Mặc dù bên giao đại lý không trực tiếp thực hiện việc mua, bán hàng hóa. Nhưng họ chính là người sản xuất ra hàng hóa, hoặc bỏ tiền ra để mua hàng hóa hay nói cách khác họ là người trực tiếp có nhu cầu, có lợi từ việc mua, bán hàng hóa này. Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.
Ngoài thương nhân Việt Nam với nhau, thì thương nhân Việt Nam có thể ký hợp đồng đại lý với thương nhân nước ngoài. Thương nhân nước ngoài có thể được thương nhân Việt Nam thuê làm đại lý bán hàng tại nước ngoài các loại hàng hóa, trừ hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu. Đối với hàng hóa thuộc danh mục xuất khẩu, theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng thuê đại lý bán hàng tại nước ngoài sau khi được Bộ Công Thương cho phép
Nguyên tắc chung về điều kiện chủ thể giao kết hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự là các bên ký kết hợp đồng phải có năng lực chủ thể để thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Trong hoạt động đại lý thương mại, bên đại lý vừa là một bên chủ thể của hợp đồng đại lý vừa là một bên chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nên để đảm bảo năng lực chủ thể để thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ các hợp đồng nói trên thì bên đại lý vừa phải đăng ký kinh doanh ngành nghề đại lý vừa phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với loại hàng hóa, dịch vụ mà mình làm đại lý. Điều này nhằm đảm bảo sự hợp pháp về tư cách chủ thể để bên đại lý thực hiện việc bán hàng, cung ứng dịch vụ hoặc mua hàng nhằm thu lợi nhuận cho mình hay để cho người khác.
6. Hợp đồng đại lý có sử dụng biện pháp bảo đảm là ký quỹ:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: khi làm hợp đồng mua bán thẻ cào điện thoại thì công ty hỏi là anh muốn làm đại lý cấp mấy? Nếu làm đại lý cấp 1 thì chiết khấu là 10% giá trị thẻ nạp. Nhưng với điều kiện là phải ký quỹ 100 triệu đồng, trong trường hợp khi ký quỹ thì tôi phải làm gì để đảm bảo nếu bên công ty vi phạm hợp đồng thì tôi nhận lại được số tiền ký quỹ và làm thủ tục gì để đảm bảo pháp lý khi ký quỹ? Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Đại lý thương mại theo Điều 166 Luật thương mại 2005 là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
Bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận thông qua hợp đồng đại lý.
Bên giao đại lý có các quyền, nghĩa vụ theo Điều 172, Điều 173 Luật thương mại 2005
Quyền và nghĩa vụ của bên đại lý sẽ đối lập với quyền và nghĩa vụ của bên giao đại lý được quy định tại Điều 174, Điều 175 Luật thương mại 2005.
Trong trường hợp này, bên giao đại lý và bên đại lý áp dụng biện pháp bảo đảm là ký quỹ.
Ký quỹ theo Điều 360 Bộ luật dân sự việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc giấy tờ có giá khác vào tài khoản phong toả tại một ngân hàng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Nếu áp dụng biện pháp bảo đảm này thì chỉ cần trong hợp đồng đại lý, bên bạn (bên đại lý) thỏa thuận rõ về vấn đề trả lại tài sản ký quỹ khi chấm dứt hợp đồng đại lý, xác định bên có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán, phí thanh toán tiền dịch vụ ký quỹ tại ngân hàng…Như thế, khi bạn chấm dứt hợp đồng ký quỹ thì bạn có thể lấy lại tiền ký quỹ tại ngân hàng.
Để hợp pháp hóa, bên bạn và bên giao đại lý chỉ cần thực hiện đúng thủ tục bên phía ngân hàng ký quỹ và ký kết hợp đồng đại lý có thỏa thuận về điều khoản ký quỹ.