Đại diện chủ sở hữu về đất đai theo Luật đất đai? Quyền của đại diện chủ sở hữu về đất đai theo Luật đất đai?
Như chúng ta có thể thấy, trong pháp luật Việt Nam thì việc xác lập quan hệ dân sự, xác lập người đại diện và quyền đại diện được quy định rất rõ trong các bộ luật tương ứng với chủ thể pháp luật như trong luật dân sự, luật hình sự, luật đất đai,…. Cụ thể trong luật đất đai có nhiều quy định về đại diện nhưng một quy định chính từ xưa đến nay và được ban hành trong
1. Đại diện chủ sở hữu về đất đai theo Luật đất đai?
Trong pháp luật về đất đai được quy định tại Luật đất đai năm 2013 hiện hành có quy định về người đại diện và quản lý đất đai nhưng để hiểu rõ và sâu hơn thì kết hợp Hiến pháp năm 2013 được sửa đổi từ Hiến pháp những năm về trước thì đại diện chủ sở hữu về đất đai được hiểu như sau:
Trong Điều 53, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Trên cơ sở Hiến pháp, ngày 29.11.2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai tại Điều 4, Luật Đất đai quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này”.
Xét theo quy định tại Luật đất đai năm 2013 khẳng định quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là người đại diện và thống nhất quản lý.
Nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đã được Quốc hội ghi nhận, quy định tại Điều 53, 54 Hiến pháp 2013; Điều 4 Luật đất đai năm 2013. Nội dung của nguyên tắc được thể hiện như sau: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.”
– Đất đai chính là một bộ phận quan trọng không thể thiếu của lãnh thổ quốc gia Việt Nam, được hình thành, tồn tại và phát triển cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta đã bỏ ra biết bao công sức khai phá, cải tạo đất, cũng như xương máu để gìn giữ từng tấc đất của quốc gia. Chính vì vậy, đất đai phải thuộc sở hữu chung của toàn dân, không thể thuộc về bất cứ một cá nhân, tổ chức nào.
– Nhà nước với những đặc trưng vốn có của mình, cũng là thiết chế trung tâm của hệ thống chính trị, là công cụ để nhân dân thực hiện quyền lực nhân dân dưới hình thức dân chủ đại diện. Vì vậy, Nhà nước là thiết chế đại diện cho nhân dân là chủ sở hữu duy nhất đối với đất đai ở nhà nước ta thực hiện quyền chủ sở hữu đối với đất đai.
– Nhà nước có chức năng thống nhất quản lý các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Vì vậy, Nhà nước cũng có chức năng trong việc thống nhất quản lý về đất đai. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu về đất đai tuy nhiên lại không trực tiếp sử dụng đất đai.
Như vậy, từ những nội dung trên có thể khẳng định Nhà nước là chủ thể duy nhất thực hiện chức đại diện chủ sở hữu toàn đân về đất đai. Nhà nước quy định cụ thể, rõ ràng về chi tiết các nội dung, giới hạn, phạm vi quyền và trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu của mình và quy định về phương thức, trình tự, thủ tục thực hiện và bảo vệ các quyền cũng như cơ chế đảm bảo thực hiện trách nhiệm đại diện chủ sở hữu về đất đai của Nhà nước đối với toàn nhân dân.
2. Quyền của đại diện chủ sở hữu về đất đai theo Luật đất đai?
Căn cứ theo nội dung các điều luật trong Luật đất đai cụ thể tại Điều 13 thì Nhà nước có các quyền với tư cách là người đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước thực hiện các quyền năng sau:
– Thứ nhất, về quyền định đoạt đối với đất đai của Nhà nước gồm có: Quyết định mục đích sử dụng đất thông qua việc quyết định, xét duyệt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; Quy định về hạn mức giao đất gồm hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và thời hạn sử dụng đất các hình thức đất được sử dụng ổn định, lâu dài và đất sử dụng có thời hạn; Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; Định giá đất.
– Thứ hai, Nhà nước thực hiện quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất đai thông qua các chính sách tài chính về đất đai, như: Thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Thu thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; Điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.
– Thứ ba, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất và quy định quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất. Các cá nhân, tổ chức không có quyền sở hữu đất mà chỉ có quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất của các chủ thể này được xác lập do được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng. Người có quyền sử dụng đất, tuy không có quyền sở hữu đối với đất nhưng trong những trường hợp nhất định cũng có các quyền năng như: quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất.
Căn cứ theo Điều 22 Luật đất đai năm 2013 với tư cách thống nhất quản lý nhà nước về đất đai, Nhà nước thực hiện các quyền năng
– Thứ nhất là về quyền quản lý như quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Quản lý tài chính về đất đai; Quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản; Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Quản lý các hoạt động dịch vụ công về đất đai.
– Thứ hai, là quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện các văn bản đó;
– Thứ ba, Nhà nước thực hiện quyền xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính; tiến hành khảo sát, đo đạc, đánh giá, phân hạng đất; lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất;
– Thứ tư, Nhà nước đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Thống kê, kiểm kê đất đai;
– Thứ năm, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai và giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai;
Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai thông qua việc thực hiện của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Cụ thể như sau:
Đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước thì Chính phủ quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh; thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về đất đai.
– Theo quy định của pháp Luật căn cứ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là hai cơ quan hợp thành chính quyền địa phương được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính các cấp từ cấp tỉnh, huyện, xã. Là bộ phận quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong bộ máy nhà nước, chính quyền địa phương có nhiệm vụ tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương theo quy định của pháp luật Chính phủ quy định quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương; Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai và quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo phân cấp về thẩm quyền.
Như vậy, trong pháp luật về đất đai quy định tại Luật đất đai và Hiến pháp năm 2013 thì Nhà nước là cơ quan đại diện chủ sở hữu về đất đai thực thi các quyết định, chức năng nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, đất đai lại được quy định là sở hữu của toàn dân nên Nhà nước chỉ đóng vai trò và chức năng là đại diện chứ không được trực tiếp sử dụng đất đai.