Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu
Quyền quyết định và tự định đoạt trong việc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự:
I. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004;
– Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi 2011;
– Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP.
II. Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 5
“1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, yêu cầu đó.
2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội”.
Trong việc khởi kiện vụ án dân sự:
Theo Điều 161 Bộ luật Tố tụng Dân sự:
“Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Đối với đương sự là cá nhân có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể tự mình khởi kiện hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện. Đối với cá nhân chưa đủ năng lực hành vi tố tụng thì việc khởi kiện sẽ do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện. Đối với đương sự là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của họ sẽ có quyền khởi kiện. Dù là tự mình khởi kiện hay thông qua người khác thì ý chí của đương sự vẫn luôn luôn được thể hiện. Đồng thời kết hợp với Điều 162 Bộ luật tố tụng dân sự, có thể thấy hai loại chủ thể có quyền khởi kiện đó là: những chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp trực tiếp bị xâm phạm và những chủ thể tuy không có quyền, lợi ích hợp pháp trực tiếp bị xâm phạm nhưng họ khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước được pháp luật quy định.
Đương sự có quyền lựa chọn chủ thể khởi kiện và quan hệ pháp luật tranh chấp. Tòa án có thể góp ý hoặc hướng dẫn cho đương sự nếu đương sự khởi kiện không đúng, nhưng vẫn phải tuyệt đối tôn trọng ý kiến chủ quan của đương sự.
Trong việc yêu cầu giải quyết việc dân sự:
Khác với vụ án dân sự, trong việc dân sự không tồn tại khái niệm nguyên đơn và bị đơn mà thay vào đó là người yêu cầu và người bị yêu cầu. Người yêu cầu có thể là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức, đóng vai trò giống như nguyên đơn, nhưng bị hạn chế ở chỗ họ chỉ được yêu cầu Toà án công nhận hoặc không công nhận sự kiện pháp lý đã là căn cứ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự của mình hoặc của người khác.
Trong việc đưa ra yêu cầu độc lập, phản tố:
– Đối với yêu cầu phản tố: Quyền quyết định và tự định đoạt của bị đơn được thể hiện bằng yêu cầu phản tố. Nguyên đơn có quyền khởi kiện bị đơn và ngược lại, bị đơn cũng có quyền đưa ra yêu cầu phản tố. Phản tố là việc bị đơn khởi kiện ngược lại nguyên đơn về một quan hệ pháp luật khác với quan hệ pháp luật mà nguyên đơn đã khởi kiện. Điều này được thể hiện tại khoản 4 Điều 60 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi 2011, theo đó bị đơn có quyền:
“Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn”.
Ngoài ra, bị đơn cũng có quyền bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn về nội dung hoặc về thủ tục tố tụng.
– Đối với yêu cầu độc lập: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tham gia tố tụng vào vụ án dân sự đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình nên cũng có quyền đưa ra yêu cầu của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác. Những người này được chia thành hai loại: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tham gia tố tụng độc lập và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không có yêu cầu độc lập (đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn).
+ Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn tức là tham gia vào vụ kiện của người khác để bảo vệ quyền và lợi ích độc lập của mình đối với đối tượng tranh chấp mà Toà án đang giải quyết. Ở đây, họ có quyền yêu cầu độc lập khi có các điều kiện thuộc Điều 177 Bộ luật Tố tụng dân sự.
+ Trường hợp còn lại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không có yêu cầu độc lập là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tham gia tố tụng phụ thuộc vào nguyên đơn hoặc bị đơn. Những người này không có quyền tự thoả thuận với đương sự khác mà chỉ cùng nguyên đơn hoặc bị đơn thỏa thuận, đồng thời không có quyền thừa nhận một phần hay chấp nhận toàn bộ yêu cầu của đương sự khác nếu không có sự đồng ý của nguyên đơn hoặc bị đơn mà họ lệ thuộc.
Như vậy, có thể thấy biểu hiện rõ ràng nhất của quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự đó là: các đương sự được quyền tự định đoạt trong việc khởi kiện vụ án dân sự, giải quyết việc dân sự, có quyền phản tố hay không phản tố, có quyền đưa ra yêu cầu độc lập hay không đưa ra yêu cầu.
Quyền quyết định và tự định đoạt trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu:
Quyền này được quy định tại Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự:
“1. Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự, nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.
2. Trong trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút”.
Theo đó, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đều có quyền tự định đoạt trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu.
– Đối với việc thay đổi, bổ sung yêu cầu: Trong mỗi giai đoạn tố tụng khác nhau, quyền này lại được biểu hiện khác nhau. Trước khi Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm thì việc tự định đoạt trong việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự là không giới hạn. Tại phiên toà sơ thẩm, quyền tự định đoạt trong việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự bị hạn chế hơn, cụ thể phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 32 Nghị quyết
– Đối với việc rút yêu cầu, đây là một quyền lợi của nguyên đơn, họ có thể rút yêu cầu trong mọi giai đoạn tố tụng đều được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn có thể rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào ý chí của họ. Nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước phiên tòa, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (điểm c khoản 1 Điều 219). Nếu nguyên đơn rút yêu cầu tại phiên tòa sơ thẩm thì sẽ áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự.
>>> Luật sư
Quyền quyết định và tự định đoạt trong việc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp và khiếu nại, kháng cáo:
Trong việc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự:
Trong quá trình tham gia tố tụng, đương sự có quyền tự quyết định về phương thức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Tố tụng dân sự, đương sự tham gia tố tụng tại Tòa án bằng hai phương thức: tự mình hoặc thông qua người khác (luật sư hoặc người khác có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật). Điều này hoàn toàn hợp lý, xuất phát từ tình hình kinh tế – chính trị của đất nước, những người có đủ trình độ và hiểu biết có thể tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình, còn những người không đủ kiến thức về pháp luật có thể nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích của mình, giúp đảm bảo sự linh hoạt trong quá trình tố tụng.
Trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp:
Đương sự có quyền tự định đoạt trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp: tự thỏa thuận, thông qua trung gian hòa giải hoặc thông qua trọng tài, Tòa án. Đương nhiên, bộ luật nào khi được xây dựng cũng luôn đề cao sự thỏa thuận, do đó các đương sự có thể tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Họ là chủ thể của quan hệ dân sự, nên khi mâu thuẫn, tranh chấp, thì chính bản thân họ mới có quyền thương lượng với nhau. Mọi sự thoả thuận đều xuất phát từ ý chí tự nguyện của các đương sự. Khi quyền, lợi ích của các bên đã được thỏa thuận giải quyết hợp lý, phiên tòa sẽ không diễn ra, góp phần làm giảm bớt áp lực của Toà án, giúp cho việc giải quyết tranh chấp được nhanh chóng, tiết kiệm được chi phí, thời gian của Tòa án và đương sự.
Có thể nói thỏa thuận vừa là quyền của đương sự, vừa là trách nhiệm của Toà án – với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu các bên không tự thỏa thuận được, Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải, đây được coi như là một thủ tục bắt buộc trước phiên tòa sơ thẩm trong hầu hết các vụ việc dân sự. Toà án là nhân tố trung gian, tạo điều kiện để các bên đương sự tìm kiếm cơ hội thương lượng. Dù đó là trách nhiệm của Tòa án, nhưng quyền quyết định và mong muốn, ý chí thương lượng hay không thương lượng vẫn thuộc về các bên.
Khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, nếu các đương sự đã thỏa thuận được với nhau, Tòa án vẫn công nhận sự thỏa thuận đó (Điều 220 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Trong việc khiếu nại, kháng cáo:
Quyền khiếu nại, kháng cáo cũng là một trong những nội dung của quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự.
Đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Đương sự cũng có quyền khiếu nại bản án, quyết định, hành vi tố tụng khi có căn cứ cho rằng bản án, quyết định, hành vi tố tụng đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhìn chung, những quyền này bảo đảm cho đương sự có điều kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng như phát hiện, khắc phục, sửa chữa những sai sót của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ việc.
Trách nhiệm của Tòa án trong việc đảm bảo nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự:
Tòa án phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho đương sự thực hiện quyền quyết định và tự định đoạt của mình. Bởi lẽ, trong quan hệ tố tụng dân sự, đương sự là chủ thể nhưng lại có địa vị thấp hơn Tòa án. Đương sự mặc dù có những quyền nhất định, những quyền đó vẫn phải được bảo đảm thực hiện bởi Tòa án. Do đó, Tòa án cần tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để đương sự có thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.