Thân nhân liệt sĩ là nhóm đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương về mặt tinh thần do họ bị mất đi người thân, vì thế pháp luật đã đưa ra những chế độ đãi ngộ để bù đắp về mặt tinh thần đối với thân nhân liệt sĩ. Vậy thì, pháp luật hiện nay quy định như thế nào về điều kiện, chế độ và thủ tục hưởng các chế độ đối với thân nhân liệt sĩ?
Mục lục bài viết
1. Các chế độ được hưởng đối với thân nhân liệt sĩ:
1.1. Thân nhân liệt sĩ bao gồm những ai?
Thân nhân liệt sĩ là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (bao gồm cả con đẻ và con nuôi) hoặc là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ. Có thể kể đến một số đặc điểm tâm lý của thân nhân liệt sĩ như sau:
Thứ nhất, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, trải qua những công cuộc kháng chiến trường kỳ và giữ nước đã có biết bao người đã ngã xuống, mãi mãi để lại tuổi thanh xuân của mình nơi chiến trường. Tuy nhiên họ đã trở thành những tượng đài bất tử và những huyền thoại trong lòng của người đang sống. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là những mất mát và thiệt thòi đối với thân nhân của họ. Nỗi đau mất người thương là sự đau đớn lớn nhất đối với những người cha, người mẹ, người vợ và người con liệt sĩ.
Thứ hai, một bộ phận không nhỏ anh hùng liệt sĩ hy sinh đã lâu, thân nhân đã nhận được giấy báo tử và đã được hưởng chế độ trợ cấp yêu đãi của nhà nước nhưng vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Đến nay tuổi đã cao và sức đã yếu, họ rất dễ bị tổn thương về mặt tinh thần và thường có những biểu hiện về tâm lý như lo lắng và băn khoăn trăn trở do chưa tìm được mộ của người thân. Họ thường xuyên cảm thấy cô đơn và mong được sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn từ phía đảng, nhà nước và chính quyền địa phương.
Thứ ba, với những thân nhân liệt sĩ nay đã hết tuổi lao động, là người cao tuổi do những tác động tâm lý mất người thân và những thay đổi tâm sinh lý, tuổi tác mà sức khỏe của họ cũng có phần ảnh hưởng, khi ở độ tuổi này thân nhân liệt sĩ bị giảm chức năng của thính giác và thị giác khiến cho họ gặp phải không ít khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Một số người mẹ Việt Nam anh hùng có chồng và con hy sinh đã lâu hiện nay còn sống một mình và sức khỏe đã già yếu vì thế mọi sinh hoạt phải nhờ vào họ hàng và làng xóm.
Nhận thức được sự thiệt thòi đó của thân nhân liệt sĩ, nên pháp luật hiện nay đã đặt ra những chế độ phù hợp đối với những chủ thể được xác định là thân nhân của liệt sĩ.
1.2. Các chế độ dành cho thân nhân liệt sĩ:
Căn cứ theo Điều 16 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020, quy định về các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sỹ như sau:
Thứ nhất, trợ cấp tuất một lần đối với các chủ thể được truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công”. Đối với trường hợp không còn thân nhân thì người thừa kế của liệt sĩ giữ bằng “Tổ quốc ghi công” được hưởng trợ cấp tuất một lần.
Thứ hai, trợ cấp tuất hằng tháng với thân nhân liệt sĩ được ghi nhận trong
Thân nhân liệt sĩ | Mức trợ cấp |
– Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ | 1.624.000 đồng |
– Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ | 3.248.000 đồng |
– Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên | 4.872.000 đồng |
– Trợ cấp tiền tuất đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác | 1.624.000 đồng |
– Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, con từ đủ 18 tuổi trở lên không có nơi nương tựa, hoặc con dưới 18 tuổi mồ côi cả cha mẹ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng | 1.299.000 đồng |
Thứ ba, điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần đối với cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sĩ, vợ hoặc chồng, con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng. Đối với trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ chỉ có một con duy nhất là liệt sĩ hoặc có hai con liệt sĩ trở lên thì được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm.
Thứ tư, thân nhân liệt sĩ được hưởng trợ cấp trong lĩnh vực bảo hiểm y tế. Đặc biệt, theo quy định hiện nay thì con của liệt sĩ sẽ được bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh.
Thứ năm, hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ, di chuyển hài cốt liệt sĩ. Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định về mức hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ và di chuyển hài cốt liệt sĩ đối với thân nhân liệt sĩ, cụ thể là:
– Mức hỗ trợ tiền cất bốc hài cốt liệt sĩ được quy định là 4.000.000 đồng/01 hài cốt liệt sĩ;
– Mức hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn đến nơi có mộ liệt sĩ, được quy định là 3.000 đồng/01 km/01 người;
– Thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ được hỗ trợ một lần kinh phí xây mộ liệt sĩ nếu như không có nguyện vọng an táng hài cốt liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ, khi đó mức hỗ trợ 10 triệu đồng/01 mộ.
Thứ sáu, vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống thì hưởng chế độ ưu đãi như sau:
– Trợ cấp tuất hằng tháng;
– Bảo hiểm y tế.
Thứ bảy, trợ cấp mai táng đối với người hoặc tổ chức thực hiện mai táng, và các khoản chế độ khác phù hợp với quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020.
2. Thủ tục hưởng các chế độ đối với thân nhân liệt sĩ:
Bước 1: Thân nhân liệt sĩ chuẩn bị hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, cụ thể như sau: Bản khai tình hình thân nhân liệt sĩ (theo mẫu); biên bản ủy quyền; bản sao bằng “Tổ quốc ghi công”. Ngoài ra tùy trường hợp cá nhân bổ sung các giấy tờ sau:
– Đề nghị bằng văn bản của gia đình, họ tộc liệt sĩ, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân xã xác nhận (áp dụng đối với trường hợp thân nhân là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ);
– Bản sao giấy khai sinh (áp dụng trong trường hợp con dưới 18 tuổi);
– Giấy xác nhận của cơ sở giáo dục nơi đang theo học (áp dụng với trường hợp thân nhân là con từ đủ 18 tuổi trở lên đang đi học); bản sao bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy xác nhận của cơ sở giáo dục trung học phổ thông về thời điểm kết thúc học (áp dụng với con đang theo học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo dục đại học);
– Giấy xác nhận mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật theo quy định của pháp luật và biên bản của chủ thể có thẩm quyền đó là Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh (áp dụng với trường hợp con từ đủ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật năng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ).
Bước 2: Thân nhân liệt sĩ tiến hành nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân xã. Trong thời gian 05 ngày làm việc, được tính kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm xác nhận, lập danh sách gửi đến cơ quan đó là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp quận, huyện.
Bước 3: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian luật định, là 05 ngày làm việc, được tính kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách gửi đến chủ thể là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh. Sau đó thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày làm việc, được tính kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm ra quyết định cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp theo quy định nêu trên.
Bước 4: Đến hẹn, thân nhân liệt sĩ đến nhận kết quả tại Bộ Phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân xã.
3. Điều kiện hưởng chế độ đối với thân nhân liệt sĩ:
Để được hưởng chế độ đối với thân nhân liệt sĩ, thì các chủ thể cần phải đáp ứng được các điều kiện nhất định để được xác định là thân nhân liệt sĩ. Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (bao gồm cả con đẻ và con nuôi) hoặc là người có công nuôi dưỡng những chủ thể rơi vào trường hợp sau đây thì sẽ được xác định là thân nhân liệt sĩ và được hưởng các chế độ do Nhà nước ghi nhận như đã phân tích ở trên, cụ thể như sau:
– Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc;
– Hoạt động trong lĩnh vực an ninh quốc phòng trên địa bàn địch chiếm đóng, và trên địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng;
– Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh tư tưởng, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch, hoặc những người đã trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm;
– Hoạt động hoặc tham gia hoạt động cách mạng, bị địch tra tấn dã man về thân thể, tuy nhiên vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;
– Làm nghĩa vụ quốc tế hoặc những người đã dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh;
– Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;
– Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;
– Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội;
– Do vết thương tái phát là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật, có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ với mức 61% trở lên, có bệnh án điều trị vết thương tái phát của bệnh viện tuyến huyện trở lên và biên bản kiểm thảo tử vong;
– Mất tích trong các trường hợp nêu trên và được cơ quan có thẩm quyền kết luận không phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020;
– Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.