Tổ chức, cá nhân khi tham gia đầu tư chứng khoán không còn xa lạ với việc lưu ký chứng khoán Việt Nam. Vậy quy trình ký gửi chứng khoán tại trung tâm lưu ký chứng khoán như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Trung tâm lưu ký chứng khoán là gì?
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (sau đây gọi tắt là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán) được thành lập theo Quyết định số 171/2008/QĐ-TTg ngày 18/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ và được tổ chức theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán hoạt động theo Luật Chứng khoán,
2. Quy trình ký gửi chứng khoán tại trung tâm lưu ký chứng khoán:
Khoản 3 Điều 16 Quy chế hoạt động lưu ký chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 26/QĐ-VSD ngày 13 tháng 3 năm 2015 của Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã quy định về quy trình ký gửi chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, cụ thể với các trường hợp như sau:
Trường hợp ký gửi chứng khoán xác nhận sở hữu bằng Sổ/Giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán:
– Hồ sơ ký gửi chứng khoán gửi cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam trong trường hợp này bao gồm:
+ Phiếu gửi chứng khoán của khách hàng hoặc của thành viên lưu ký; văn bản ủy quyền thực hiện lưu ký chứng khoán (nếu có).
+ Sổ/Giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán.
Sổ/Giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán phải nguyên vẹn, rõ ràng, có đóng dấu của tổ chức phát hành hoặc cơ quan được ủy quyền trong trường hợp sửa đổi thông tin trên Sổ/Giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán.
+ Danh sách người sở hữu đề nghị lưu ký chứng khoán do thành viên lưu ký lập (áp dụng đối với trường hợp thành viên lưu ký tái ký gửi chứng khoán của nhà đầu tư mở tài khoản tại thành viên lưu ký).
– Trường hợp có sự sai lệch thông tin về ngày cấp giữa thông tin nhận diện của nhà đầu tư hoặc của thành viên lưu ký do tổ chức phát hành đăng ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam với thông tin nhận diện của nhà đầu tư do thành viên lưu ký cập nhật vào hệ thống của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, thành viên lưu ký gửi kèm bộ hồ sơ ký gửi bản sao các giấy tờ thể hiện thông tin nhận diện nêu tại Khoản 2, 3 Điều 10 Quy chế hoạt động lưu ký chứng khoán.
Trường hợp ký gửi chứng khoán đồng thời với đăng ký chứng khoán:
– Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thực hiện ký gửi chứng khoán đồng thời với đăng ký chứng khoán khi có yêu cầu từ tổ chức phát hành đứng ra đại diện cho các cổ đông đề nghị lưu ký trong quá trình thực hiện đăng ký chứng khoán lần đầu hoặc đăng ký bổ sung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
– Tổ chức phát hành
– Nhà đầu tư có nhu cầu thực hiện ký gửi chứng khoán gửi cho tổ chức phát hành và thành viên lưu ký Giấy đề nghị xác nhận tài khoản lưu ký và làm thủ tục ký gửi chứng khoán kèm theo Sổ/Giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán;
– Tổ chức phát hành chịu trách nhiệm thu hồi Sổ/Giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán của nhà đầu tư và lập Danh sách tổng hợp tài khoản lưu ký của nhà đầu tư gửi cho từng thành viên lưu ký liên quan để xác nhận về tính chính xác của tài khoản lưu ký của nhà đầu tư mở tại thành viên lưu ký, đồng thời cam kết không phát hành Sổ/Giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán cho người sở hữu chứng khoán thực hiện lưu ký;
– Hồ sơ ký gửi chứng khoán kèm theo hồ sơ đăng ký chứng khoán của tổ chức phát hành nộp cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam bao gồm:
+ Văn bản của tổ chức phát hành đề nghị cho cổ đông ký gửi chứng khoán đồng thời với đăng ký chứng khoán và cam kết không phát hành Sổ/Giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán cho người sở hữu chứng khoán thực hiện lưu ký đồng thời .
+ Danh sách người sở hữu chứng khoán đề nghị lưu ký theo từng thành viên lưu ký (02 liên) kèm file cấu trúc theo định dạng do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam quy định.
+ Danh sách tổng hợp tài khoản lưu ký của nhà đầu tư có xác nhận của thành viên lưu ký liên quan nơi nhà đầu tư mở tài khoản.
Trường hợp ký gửi trái phiếu Chính phủ:
– Nhà đầu tư khi tham gia đấu thầu hoặc bảo lãnh phát hành các trái phiếu Chính phủ phải đăng ký tài khoản lưu ký thực hiện ký gửi trái phiếu với đơn vị tổ chức đấu thầu hoặc tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ. Tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ có trách nhiệm ghi nhận các tài khoản lưu ký của nhà đầu tư trong hồ sơ đăng ký nộp tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Đối với nhà đầu tư là công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài phải xác nhận với đơn vị tổ chức đấu thầu hoặc tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ nguồn vốn sử dụng để đầu tư thuộc nguồn vốn chủ sở hữu hoặc nguồn phí bảo hiểm.
– Sau khi trái phiếu Chính phủ được chấp thuận đăng ký/đăng ký bổ sung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, căn cứ vào thông tin tài khoản lưu ký trong hồ sơ đăng ký trái phiếu Chính phủ và văn bản của tổ chức phát hành xác nhận nhà đầu tư đã thanh toán đủ tiền mua trái phiếu, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam tự động thực hiện hạch toán trái phiếu Chính phủ vào tài khoản của thành viên lưu ký /tổ chức mở tài khoản trực tiếp liên quan.
3. Quyền của Trung tâm lưu ký chứng khoán với chứng khoán phái sinh:
Quyền của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đối với hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh được quy định thực hiện như sau:
Một là, Bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 158/2020/NĐ-CP; ban hành các quy chế nghiệp vụ sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Hai là, Chấp thuận đăng ký, từ chối đăng ký, đình chỉ, chấm dứt tư cách thành viên bù trừ theo quy chế của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Thành viên bù trừ bị đình chỉ, chấm dứt tư cách thành viên có nghĩa vụ thỏa thuận, xác lập thành viên bù trừ thay thế. Trường hợp không thể thực hiện được, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có quyền chỉ định thành viên bù trừ thay thế tiếp nhận các quyền, nghĩa vụ của thành viên bù trừ bị đình chỉ, chấm dứt tư cách thành viên. Thành viên bù trừ bị đình chỉ hoặc chấm dứt tư cách thành viên có nghĩa vụ chuyển giao toàn bộ tài sản ký quỹ, vị thế mở của khách hàng, cung cấp mọi thông tin cần thiết về khách hàng cho thành viên bù trừ thay thế và tiếp tục thực hiện mọi nghĩa vụ của mình cho tới khi hoàn tất việc bàn giao quyền, nghĩa vụ cho thành viên bù trừ thay thế.
Ba là, Quyền của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đối với thành viên bù trừ:
– Yêu cầu thành viên bù trừ ký quỹ và đóng góp vào quỹ bù trừ.
– Yêu cầu thành viên bù trừ báo cáo đầy đủ, kịp thời, chi tiết về hoạt động giao dịch, tài khoản và tài sản ký quỹ của nhà đầu tư.
– Xác định, điều chỉnh mức ký quỹ ban đầu tối thiểu, mức ký quỹ duy trì tối thiểu, danh mục tài sản được chấp nhận ký quỹ.
– Xác định, điều chỉnh giới hạn vị thế đối với thành viên bù trừ, nhà đầu tư.
– Thực hiện các giao dịch đối ứng để đóng vị thế đứng tên thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán hoặc phá sản.
Bốn là, Trong trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam được thực hiện các hoạt động dưới đây nhằm bảo vệ nhà đầu tư và an toàn của thị trường:
– Trường hợp thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán:
+ Được đóng vị thế, thanh lý vị thế của chính thành viên bù trừ; được sử dụng, bán, chuyển giao tài sản ký quỹ của thành viên bù trừ để thực hiện các nghĩa vụ của thành viên bù trừ; được sử dụng khoản đóng góp vào quỹ bù trừ của thành viên bù trừ để bù đắp các thiệt hại tài chính (nêu có);
+ Được chuyển tài sản ký quỹ và các vị thế mở của khách hàng tới thành viên bù trừ thay thế theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định 42/2015/NĐ-CP. Trường hợp không thể thực hiện được, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam được đóng vị thế, thanh lý vị thế; sử dụng, bán, chuyển giao tài sản của khách hàng mà thành viên bù trừ ký quỹ để thực hiện các nghĩa vụ của khách hàng hoặc bù đắp các thiệt hại tài chính phát sinh từ vị thế mở của khách hàng. Tài sản ký quỹ của khách hàng chỉ được sử dụng để thực hiện các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ giao dịch chứng khoán phái sinh của khách hàng.
– Trường hợp thành viên bù trừ bị phá sản: Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam là chủ nợ đối với các khoản phải thu của thành viên bù trừ, được ưu tiên phân chia tài sản theo quy định pháp luật về phá sản. Trình tự, thủ tục tiếp nhận phân chia tài sản thực hiện theo quy định pháp luật liên quan.
– Được yêu cầu các thành viên bù trừ khác thực hiện các giao dịch đối ứng để đóng vị thế đứng tên thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán hoặc phá sản, không phân biệt đó là vị thế mở của thành viên bù trừ đó hay của nhà đầu tư.
Năm là, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam được cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và tài sản ký quỹ cho thành viên bù trừ, thành viên không bù trừ, khách hàng của thành viên không bù trừ bảo đảm quản lý tách biệt tới tài khoản của từng khách hàng, tách biệt tới từng danh mục đầu tư của khách hàng.
Sáu là, Được yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán, thành viên bù trừ cung cấp kịp thời, đầy đủ mọi thông tin về giao dịch của thành viên và của nhà đầu tư.
Bảy là, Thực hiện các quyền khác theo quy định Luật Chứng khoán và quy định pháp luật liên quan.
4. Quy định về mở tài khoản lưu ký chứng khoán:
Theo quy định tại Điều 5, 6, 7 Quy chế hoạt động lưu ký chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 26/QĐ-VSD ngày 13 tháng 3 năm 2015 của Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thì các trường hợp mở tài khoản lưu ký chứng khoán bao gồm:
Trường hợp thành viên lưu ký mở tài khoản lưu ký
Các tổ chức đăng ký làm thành viên lưu ký của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam sau khi đã hoàn tất các thủ tục đăng ký thành viên lưu ký theo quy định tại Quy chế thành viên lưu ký của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cấp số hiệu tài khoản lưu ký chứng khoán cho thành viên lưu ký theo các nguyên tắc quy định tại Quy chế thành viên lưu ký của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và việc cấp số hiệu được thực hiện đồng thời với việc cấp Giấy chứng nhận thành viên lưu ký. Mỗi thành viên lưu ký của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam được mở một tài khoản lưu ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và không được mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại thành viên lưu ký khác ngoại trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 24 Thông tư 05/2015/TT- BTC.
Trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký
Tại mỗi thành viên lưu ký, nhà đầu tư được mở một tài khoản lưu ký chứng khoán để thực hiện giao dịch các chứng khoán lưu ký trừ các trường hợp quy định khác. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại thành viên lưu ký sau khi đã được cấp mã số giao dịch chứng khoán theo quy định về đăng ký mã số giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Việc mở tài khoản lưu ký cho nhà đầu tư nước ngoài tại thành viên lưu ký là ngân hàng thương mại được thực hiện theo quy định tại Thông tư 51/2021/TT-BTC.
Các trường hợp khác mở tài khoản lưu ký
+ Mở tài khoản lưu ký của công ty quản lý quỹ:
Công ty quản lý quỹ phải mở tài khoản lưu ký chứng khoán tách biệt cho công ty và từng quỹ đầu tư chứng khoán do công ty quản lý. Tài khoản lưu ký cho quỹ đầu tư chứng khoán phải được mở tại ngân hàng lưu ký. Trường hợp quản lý danh mục đầu tư, tại mỗi ngân hàng lưu ký, công ty quản lý quỹ được mở hai tài khoản lưu ký chứng khoán đứng tên công ty quản lý quỹ thay mặt cho nhà đầu tư ủy thác (một tài khoản uỷ thác cho nhà đầu tư trong nước, một tài khoản uỷ thác cho nhà đầu tư nước ngoài).
Trường hợp công ty quản lý quỹ đang sử dụng 01 tài khoản lưu ký chứng khoán tại ngân hàng lưu ký chung cho hoạt động đầu tư tài chính của công ty và cho nhà đầu tư ủy thác trong nước và ngoài nước, công ty quản lý quỹ phải thực hiện kê khai tài sản theo từng đối tượng khác nhau để Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và ngân hàng lưu ký có cơ sở chuyển khoản theo các tài khoản tách biệt.
Đối với tài khoản ủy thác cho nhà đầu tư nước ngoài, công ty quản lý quỹ phải thực hiện đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trước khi làm thủ tục mở tài khoản lưu ký.
+ Mở tài khoản lưu ký cho quỹ đầu tư nước ngoài, tổ chức đầu tư nước ngoài được quản lý bởi nhiều công ty quản lý quỹ:
Quỹ đầu tư nước ngoài, tổ chức đầu tư nước ngoài được quản lý bởi nhiều công ty quản lý quỹ được mở nhiều tài khoản lưu ký chứng khoán theo nguyên tắc cứ mỗi mã số giao dịch chứng khoán được cấp thì được mở 01 tài khoản lưu ký chứng khoán tại ngân hàng lưu ký.
+ Mở tài khoản lưu ký cho nhà đầu tư là công ty chứng khoán nước ngoài thành lập theo pháp luật nước ngoài:
Nhà đầu tư là công ty chứng khoán nước ngoài thành lập theo pháp luật nước ngoài được mở 02 tài khoản lưu ký chứng khoán tại một thành viên lưu ký để quản lý tách biệt chứng khoán thuộc sở hữu của chính công ty và khách hàng của công ty.
Nhà đầu tư là công ty chứng khoán nước ngoài phải thực hiện đăng ký 02 mã số giao dịch chứng khoán với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, 01 mã số cho giao dịch chứng khoán của chính công ty và 01 mã số cho giao dịch chứng khoán của khách hàng của công ty trước khi làm thủ tục mở 02 tài khoản lưu ký nêu trên.
+ Mở tài khoản lưu ký cho công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài:
Công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài được mở 02 tài khoản lưu ký chứng khoán tại một thành viên lưu ký để quản lý tách biệt các khoản đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu và từ nguồn phí bảo hiểm khi thực hiện đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Đối với tài khoản đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu, công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài phải thực hiện đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trước khi làm thủ tục mở tài khoản lưu ký.
5. Chứng khoán ký gửi tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam:
Điều 15 Quy chế hoạt động lưu ký chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 26/QĐ-VSD ngày 13 tháng 3 năm 2015 của Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã có những quy định cụ thể về chứng khoán ký gửi tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, cụ thể như sau:
* Định nghĩa
Chứng khoán ký gửi tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam là các chứng khoán đã được tổ chức phát hành đăng ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
* Phân loại
Chứng khoán ký gửi tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam được phân loại thành:
– Chứng khoán tự do chuyển nhượng
– Chứng khoán chuyển nhượng có điều kiện (hạn chế chuyển nhượng).
* Quản lý đối với các loại chứng khoán
– Đối với chứng khoán đã đăng ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán:
+ Chứng khoán tự do chuyển nhượng được hạch toán vào tài khoản chứng khoán giao dịch và khách hàng lưu ký chứng khoán được thực hiện giao dịch đối với chứng khoán này phù hợp với quy định của pháp luật;
+ Chứng khoán chuyển nhượng có điều kiện được hạch toán vào tài khoản chứng khoán tạm ngừng giao dịch và khách hàng lưu ký chứng khoán chỉ được thực hiện giao dịch đối với loại chứng khoán này khi Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam điều chỉnh điều kiện chuyển nhượng của chứng khoán căn cứ vào văn bản đề nghị của tổ chức phát hành kèm theo các tài liệu liên quan để chứng minh.
– Đối với chứng khoán đã đăng ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam nhưng chưa đến ngày giao dịch theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán:
+ Chứng khoán tự do chuyển nhượng được hạch toán vào tài khoản chứng khoán chờ giao dịch và khách hàng lưu ký chứng khoán chỉ được thực hiện giao dịch đối với chứng khoán này kể từ ngày chứng khoán hoàn tất thủ tục để được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán;
+ Chứng khoán chuyển nhượng có điều kiện được hạch toán vào tài khoản chứng khoán tạm ngừng chờ giao dịch. Khách hàng lưu ký chứng khoán chỉ được thực hiện giao dịch đối với loại chứng khoán này khi Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam điều chỉnh điều kiện chuyển nhượng của chứng khoán căn cứ vào văn bản đề nghị của tổ chức phát hành và chứng khoán đó hoàn tất thủ tục để được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.
– Đối với chứng khoán đã đăng ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam nhưng chưa, không niêm yết/đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán:
+ Chứng khoán tự do chuyển nhượng được hạch toán vào tài khoản chứng khoán giao dịch của công ty đại chúng chưa, không niêm yết/đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.
+ Chứng khoán chuyển nhượng có điều kiện được hạch toán vào tài khoản chứng khoán tạm ngừng giao dịch của công ty đại chúng chưa, không niêm yết/đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.
– Thành viên lưu ký căn cứ vào Xác nhận gửi chứng khoán lưu ký của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và danh sách người sở hữu chứng khoán đính kèm để quản lý chứng khoán chuyển nhượng có điều kiện trên tài khoản tạm ngừng giao dịch/tạm ngừng chờ giao dịch của khách hàng tại thành viên lưu ký cho đến khi có thông báo của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam điều chỉnh điều kiện chuyển nhượng của chứng khoán.
– Vào ngày giao dịch đầu tiên của chứng khoán theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, thành viên lưu ký căn cứ vào Xác nhận gửi chứng khoán lưu ký chờ giao dịch và Danh sách người sở hữu chứng khoán hoặc Danh sách phân bổ chứng khoán chi tiết theo thành viên lưu ký trong trường hợp phân bổ chứng khoán đăng ký bổ sung do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam lập để hạch toán chứng khoán từ tài khoản chờ giao dịch/tạm ngừng chờ giao dịch sang tài khoản giao dịch/tạm ngừng giao dịch.