Văn bản giám định y pháp nó phụ thuộc vào các loại hình yêu cầu giám định như giám định tổn hại sức khỏe (thương tích), giám định sức khỏe chấp hành án, ân xá, giám định tử thi, giám định trên hồ sơ, giám định huyết thống, giám định hài cốt, bản giải thích kết quả giám định v.v.... Tuy nhiên có ba loại văn bản giám định Y pháp thường gặp nhất là: Bản giám định Y pháp tổn hại sức khỏe, Bản giám định Y pháp tử thi và Bản giám định Y pháp trên hồ sơ.
Mục lục bài viết
1. Quy trình giám định tổn hại sức khoẻ:
Mục đích giám định tổn hại sức khỏe của Y pháp là phục vụ cho các cơ quan tiến hành tố tụng đã được luật pháp và các văn bản dưới luật quy định. Vì vậy tiến hành giám định một vụ việc không được tuỳ tiện, trái lại phải nghiêm túc, theo một quy trình, thủ tục chặt chẽ, đúng luật.
* Đối với cơ quan trưng cầu:
1.1. Các cán bộ của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc các đối tượng khác có nhu cầu giám định Y pháp cần phải có
1.2. Phải có quyết định trưng cầu với yêu cầu, nội dung cụ thể (nguyên nhân bị chấn thương, loại hung khí, ngày bị thương), nếu là tái giám định (giám định lại) cần nêu rõ lý do giám định lại.
1.3. Phải có giấy chứng thương (y chứng) hoặc hồ sơ bệnh án. Những tài liệu này phải đảm bảo được tính pháp lý.
1.4. Phải có văn bản kết quả giám định lần trước (lần 1, lần 2) nếu là giám định lại. Phải có văn bản kết luận của giám định y khoa nếu nạn nhân là thương binh hay cán bộ viên chức nghỉ chế độ mất sức, bị tai nạn lao động, v.v..
1.5. Cán bộ thụ lý vụ việc trưng cầu giám định cần báo cho nạn nhân biết rõ địa điểm, ngày giờ đi giám định.
* Đối với nạn nhân (người bị hại):
2.1. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
2.2. Mang theo các giấy tờ có liên quan đến sức khỏe như Y bạ, giấy ra viện, giấy mổ cũ, phim y tế, các loại phim xét nghiệm, v.v… nếu có:
2.3. Mang chứng minh thư hoặc
2.4. Mang tiền giám định (phí giám định).
* Đối với cơ quan giám định:
Các bộ phận chức năng của cơ quan giám định có trách nhiệm kiểm tra đầy đủ mọi tài liệu cần thiết được quy định phục vụ giám định.
3.1. Tiếp nhận hồ sơ
– Giấy giới thiệu
– Quyết định trưng cầu.
– Giấy chứng thương (y chứng) hoặc hồ sơ bệnh án.
– Bản kết luận giám định lần trước (nếu là giám định lại); bản kết luận giám định y khoa (nếu là thương bệnh binh, v.v…).
3.2. Ghi giấy hẹn
– Giấy hẹn đã in sẵn, cần ghi đầy đủ nội dung hướng dẫn:
– Thời gian, địa điểm giám định.
– Các giấy tờ có liên quan đến sức khỏe cần đến sức khỏe cần mang theo
– Chứng minh thư/CCCD.
– Phí giám định.
* Từ chối giám định:
4.1. Không có quyết định trưng cầu.
4.2. Hồ sơ không đầy đủ, hoặc hồ sơ không đủ độ tin cậy.
4.3. Không có mặt nạn nhân.
4.4. Không giám định trên hồ sơ khi nạn nhân còn sống.
2. Các nguyên tắc giám định tổn hại sức khoẻ:
– Cần kiểm tra các điều kiện giám định, trước hết là loại giấy tờ cần thiết đã quy định trong hồ sơ giám định có đầy đủ không; có đúng thủ tục pháp lý không?; sau đó là các dụng cụ phục vụ giám định.
– Nghiên cứu kỹ các tài liệu giám định được cung cấp, quan trọng hàng đầu là nội dung, yêu cầu của quyết định trưng cầu, giấy chứng thương, hồ sơ bệnh án, v.v…
– Thăm khám trên nạn nhân.
Khai thác tìm hiểu một cách khách quan quá trình diễn biến của vụ việc xảy ra qua lời kể ngắn gọn của nạn nhân, chủ yếu đi sâu vào phương thức, hành vi, loại hung khí bị can dùng gây thương tích cho bị hại, vị trí của vết thương, cách chống đỡ, v.v… cũng không quên việc tìm hiểu về quá khứ, bệnh tật của người bị hại để tham khảo, chẩn đoán loại trừ trước khi đưa ra kết luận.
Khám lâm sàng: Ngoài những thăm khám kinh điển như đếm mạch, đo huyết áp, kiểm tra tim, phổi, gan, lách, v.v… cần tập trung tìm xác định lại các dấu vết thương tích để lại trên cơ thể nạn nhân được ghi trong giấy chứng thương ( y chứng) hoặc trong hồ sơ bệnh án hay trong bản kết luận giám định lần trước nếu là giám định lại. Các dấu vết thương tích này phải mô tả màu sắc, tính chất, vị trí, kích thước.
Xét nghiệm cận lâm sàng: Tuỳ theo loại hình tổn thương, vị trí tổn thương và tình trạng sức khỏe của nạn nhân mà thầy thuốc giám định cho bị hại làm các xét nghiệm cần thiết như chụp X quang, chụp cắt lớp, làm điện não, điện tim, xét nghiệm máu, v.v… và khám các chuyên khoa sâu như tai mũi họng, mắt, thần kinh, v.v… có liên quan đến thương tích.
– Tổng hợp kết quả giám định và xác định tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe
Tổng hợp các kết quả khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng và khám chuyên khoa, sàng lọc các dữ liệu, rồi đối chiếu với bảng tiêu chuẩn xác định tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe của từng bộ phận, cơ quan bị tổn thương, cuối cùng là tổng tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe chung của nạn nhân ( theo phương pháp cộng lùi, hoặc cộng thẳng, trong đó có tỷ lệ phần trăm tạm thời hay vĩnh viễn tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất, mức độ thương tật để lại).
Trong đánh giá các dữ liệu và đối chiếu với bảng tiêu chuẩn xác định phần trăm tổn hại sức khỏe, người giám định viên luôn phải cân nhắc đến các yếu tố về tính chất của thương tật, thể trạng chung, tuổi đời, giới tính, sự suy giảm về thể chất, tinh thần, khả năng lao động nghề nghiệp của nạn nhân. Có như vậy việc kết luận tổn hại sức khỏe của bị hại mới được chuẩn xác.
3. Mẫu Bản giám định tổn hại sức khoẻ:
MẪU BẢN GIÁM ĐỊNH TỔN HẠI sức khỏe
BỘ Y TẾ VIỆN Y HỌC TƯ PHÁP TRUNG ƯƠNG *** Số: …../GDYP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc *** …., ngày tháng năm 20… |
BẢN GIÁM ĐỊNH Y PHÁP
Chúng tôi: ……….. Chức vụ: ………..
Theo quyết định trưng cầu số: ………..ký ngày… /…/ 20…
Của: đã tiến hành giám định Y pháp tổn hại sức khỏe cho Ông/ bà: ……….. Tuổi: ………..
Địa chỉ: ……….. Nghề nghiệp: ………..
– Tóm tắt sự việc: ………..
– Nghiên cứu hồ sơ: ………..
– Nội dung giám định: ………..
Kết quả giám định ngày… /…/ 20…
Thể trạng chung: ………..
– Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, các biện pháp thăm dò chức năng: ………..
– Kết quả khám giám định chuyên khoa: ………..
KẾT LUẬN
Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu hồ sơ, khám giám định và xét nghiệm.
Căn cứ vào thông tư số 12/TTLB 26/7/1995 của liên bộ Y tế – Lao động thương binh và xã hội về tiêu chuẩn phân loại thương tật bốn hạng. Chúng tôi thống nhất kết luận tỷ lệ tổn hại sức khỏe của đương sự như sau:
Tỷ lệ tổn hại sức khỏe toàn bộ là: ….. % (… phần trăm) trong đó có:
Vĩnh viễn:…
Tạm thời: ……..
CƠ QUAN GIÁM ĐỊNH
(Ký tên đóng dấu)
CÁC GIÁM ĐỊNH VIÊN
(Ký tên)
4. Ý nghĩa của bản giám định y pháp:
Hồ sơ một vụ án có rất nhiều tài liệu khác nhau, trong đó có bản giám định Y pháp (kết luận giám định). Bản giám định Y pháp được Bộ luật tố tụng hình sự xác nhận là một văn bản trong nguồn chứng cứ như vật chứng, lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và biên bản về hoạt động điều tra, xét xử v.v..; trong đó bản giám định Y pháp được coi là một chứng cứ có độ tin cậy cao, cá biệt đôi khi đơn phương có tính chất quyết định trong một vụ án như trong giám định huyết thống tìm cha bằng xét nghiệm gen (ADN). Các cơ quan tiến hành tố tụng đặt nhiều niềm tin ở kết luận giám định y pháp bởi văn bản này có đầy đủ tính khoa học, tính pháp lý và tính xã hội (quần chúng).
Tính khoa học được thể hiện trước hết bằng đòi hỏi người giám định phải mô tả trung thực các thương tích, các dấu vết trên người nạn nhân, trên hiện trường, bởi bản thân chúng tồn tại khách quan khoa học. Một vết thương được mô tả bờ mép không dập nát, không hoặc ít tụ máu cho phép người ta định hướng thương tổn do vật sắc tạo nên, hoặc một tổn thương có bầm máu, dập nát, có cầu nối tổ chức, khiến người ta phải nghĩ đến tổn thương do vật tày và chắc chắn chỉ có nó mới gây nên tổn thương ấy. Một vết thương há miệng, bờ vết thương bầm máu trên thi thể nạn nhân thể hiện tổn thương xảy ra lúc nạn nhân còn sống. Trái lại mô tả trên nạn nhân có vết thương hai bờ khép kín, không tụ máu; thương tích ấy chỉ có thể xảy ra lúc nạn nhân đã chết; bởi sự chết đã diễn ra thì máu không còn chảy, thần kinh không còn hoạt động, các sợi chun không còn co giãn nên hai mép vết thương thụ động tự khép lại. Điều đó thể hiện tính khoa học về cơ chế sinh lý bệnh của vết thương xảy ra khi nạn nhân đã chết.
Tuy mô tả trung thực các dấu vết thương tích là điều tiên quyết, là gốc của vấn đề, thu lượm các thông tin về vụ án là điều rất quan trọng; song là chưa đủ, bởi dẫu sao đó vẫn chỉ là cảm nhận chủ quan. Vì vậy tính khoa học của bản giám định còn thể hiện ở người giám định viên phải biết lấy các mẫu vật làm các xét nghiệm cần thiết, mang tính khách quan để xác định bản chất của các dấu vết thương tích ví như một vết màu đỏ phải qua xét nghiệm huyết học mới biết được đó là chỉ thị màu hay là máu. Trong giám định tổn hại sức khỏe sau bị đánh vào đầu, nạn nhân kêu đau đầu rất nhiều, sự cần thiết phải làm xét nghiệm điện não đồ mới đánh giá được mức độ tổn thương kín đáo của chấn thương sọ não kín v.v…
Như vậy để có được bản kết luận giám định y pháp chuẩn xác, có tính khoa học cao; đòi hỏi người giám định viên phải có tầm nhìn sâu rộng, có quan biết đánh giá được các yếu tố điểm duy vật biện chứng, biết tổng hạn (dấu vết) khách quan kết hợp với tri thức, kinh nghiệm chủ quan, sàng lọc các dữ liệu thông tin để đưa ra những nhận định, kết luận của một vấn đề có đủ độ tin cậy mà cơ quan tố tụng yêu cầu. Có thể nói bản giám định y pháp có đầy đủ các yếu tố như bản tổng kết một đề tài khoa học nhỏ mà ở đây tên đề tài là vụ án; đặt vấn đề là yêu cầu của cơ quan điều tra; nguyên liệu và phương pháp nghiên cứu là nạn và các hoạt động của quá trình khám nghiệm; kết quả nghiên cứu là thông số thu được từ khám, xét nghiệm v.v…; còn bàn luận và kết luận của đề tài chính là phần nhận định và kết luận của bản giám định y pháp.
Tính pháp lý của văn bản giám định y pháp được quy định bởi Bộ luật hình sự và tố tụng hình sự ngay từ khi khai sinh ra nó,vì nó muốn ra đời phải có quyết định trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Nội dung kết luận giám định cũng được quy định ở điều 132 Bộ luật tố tụng hình sự:” Nội dung kết luận tố tụng phải ghi rõ thời gian, địa điểm tiến hành giám định; họ tên, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn của người giám định; những người tham gia khi tiến hành giám định, những phương pháp được áp dụng và giải đáp những vấn đề được đặt ra có căn cứ cụ thể.
Để làm sáng tỏ hoặc bổ sung nội dung kết luận giám định, cơ quan điều tra có thể hỏi thêm người giám định về những tình tiết cần thiết và có thể quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại.
Nội dung cơ bản của kết luận giám định, đòi hỏi người giám định viên phải trình bày khái quát và có hệ thống toàn bộ quá trình nội dung, phương pháp, phương tiện, kết quả giám định, trả lời chính xác, rõ ràng từng câu hỏi và yêu cầu đã ghi ở quyết định trưng cầu giám định. Trong các văn bản hồ sơ bệnh án khám chữa bệnh của ngành y tế không có một chuyên khoa nào pháp luật phải chỉ dẫn như vậy. Bởi mang tính pháp lý nên giám định viên thể hiện kết quả giám định của mình trên văn bản câu văn phải chặt chẽ, ngắn gọn, phải lựa chọn ngôn từ thích hợp với mỗi loại hình giám định, thể hiện nội dung sáng sủa, rõ ràng, không sửa chữa tẩy xóa, không tùy tiện thay đổi nội dung cũng như hình thức. Chính những yêu cầu đó càng thể hiện bản giám định y pháp là một chứng cứ có độ tin cậy cao. Trái lại chứng cứ là lời khai của các nhân chứng, của bị can, bị cáo v.v… trong bối cảnh khác họ khai trong hoàn cảnh này họ càng khai như vậy, cách khác, thậm chí họ phủ nhận toàn bộ lời khai của họ trước đây mà người ta thường gọi là phản cung.
Tính pháp lý của văn bản giám định Y pháp còn được quy định ở Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự về kết luận giám định:
– Người giám định kết luận về vấn đề được yêu cầu giám định và phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định.
– Nếu việc giám định do một nhóm người tiến hành thì tất cả các thành viên đều ký vào bản kết luận chung. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau thì mỗi người ghi riêng kết luận của mình.
– Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận giám định thì phải nêu rõ lý do, nếu thấy kết luận chưa rõ hoặc chưa đầy đủ thì quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại theo thủ tục chung.
Như vậy người giám định chỉ kết luận về chuyên môn, khoa học, kỹ thuật đối với vấn đề trưng cầu giám định, chứ không có nhiệm vụ kết luận là bị can, bị cáo có tội hay không có tội. Người giám định chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định của mình. Bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào cũng không có quyền buộc người giám định kết luận trái với sự thật khách quan. Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không đồng ý với kết luận giám định, vì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét nhiều chứng cứ cho nên có thể thấy rằng kết luận giám định không phù hợp với thực tế; nhưng phải có căn cứ rõ ràng.
Tính xã hội của bản giám định y pháp được thể hiện rõ nét ở các bản án hình sự, nhất là các vụ trọng án. Khi đó các bản giám định y pháp không phải chỉ có các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu, xem xét, nó còn được công bố trước hội đồng xét xử và công chúng dự phiên tòa cùng nghe, thậm chí những bản án phạt tử hình có hiệu lực pháp luật, tử tù có đơn xin ân giảm bản án tử hình, khi đó bản kết luận giám định y pháp còn được Chủ tịch nước, Hội đồng Nhà nước cùng tham khảo. Chính tính chất xã hội đó mà đòi hỏi người giám định viên phải thể hiện trên văn bản không những câu văn chặt chẽ, ngắn gọn, sáng sủa,v.v… mà còn phải phổ thông hóa tối đa các ngôn từ chuyên môn để mọi người dễ hiểu. Ví dụ “Viêm phúc mạc” có thể thay bằng “Viêm màng bụng”. “khoang bụng” có thể dùng “ổ bụng”,v.v…
Văn bản giám định Y pháp còn có giá trị trước mắt và có giá trị lâu dài. Trong đấu tranh chống tội phạm, có những vụ trọng án xâm phạm sức khỏe, tính mạng của công dân, thời gian phá án rất ngắn, hồ sơ hoàn tất nhanh, trong đó có kết luận y pháp, vụ án được đưa ra xét xử sớm (án điểm) để răn đe giáo dục, trường hợp này bản kết luận giám định y pháp có giá trị phục vụ tức thời trước mắt. Trái lại có những trường hợp trọng án mặc dù đã hoàn tất tài liệu kết thúc điều tra, thủ phạm lẩn trốn nhiều năm sau mới bắt được, vụ án được phục hồi điều tra, khi ấy tội phạm mới được đưa ra xét xử, lúc này bản kết luận giám định Y pháp cũng mới được sử dụng, nó vẫn giữ nguyên giá trị và nó có ý nghĩa giá trị lâu dài.
Có 3 loại văn bản giám định Y pháp thường gặp là:
– Bản giám định Y pháp tử thi.
– Bản giám định Y pháp tổn hại sức khỏe (thương tích).
– Bản giám định Y pháp trên hồ sơ.
Tiêu đề Bản giám định Y pháp là trọn vẹn hơn cả, trước hết nó hân biệt được ngay với giám định y khoa, sau đó nó bao hàm đầy đủ ý nghĩa của một văn bản bản giám định Y pháp tử thi) giám định phục vụ tố tụng. (ở đây chỉ đề cập đến Bản giám định Y pháp tử thi).
5. Yêu cầu của bản giám định y pháp tử thi:
Yêu cầu của Bản giám định: làm cho người chết nói lên được sự thật vì sao mà chết? Chết trong hoàn cảnh nào? Chết từ bao giờ? Ai đã giết hại?
Muốn đáp ứng được yêu cầu Làm cho người chết nói lên sự thật vì sao mà chết? Đòi hỏi người giám định viên phải khám nghiệm tử thi toàn diện, mỉ, chính xác, có kiến thức tốt về giải phẫu bệnh lý, chấn thương học y pháp và độc chất học y pháp. Ba loại kiến thức này trong quá trình giám định luôn phải gắn với nhau, liên hệ chặt chẽ với y pháp học lâm sàng. Khi phẫu thuật tử thi không thấy tổn thương do ngoại lực tác động thì phải kiểm tra kỹ các loại tổn thương bệnh lý, nếu vẫn không thấy được nguyên nhân tử vong thì phải lấy mẫu phủ tạng xét nghiệm tìm độc chất, xét nghiệm mô bệnh học. Trong thực tế có khi có các loại tổn thương đồng tồn trên một nạn nhân ví dụ một nạn nhân chết vì chấn thương sọ não do tai nạn giao thông nhưng lại có bệnh ung thư gan, hay bệnh van tim tiềm ẩn.v.v…. Để trả lời được câu hỏi chết trong hoàn cảnh nào? Ngoài việc khám nghiệm toàn diện, tỷ mỉ, chính xác giám định viên phải luôn tự đặt câu hỏi: Chết lúc đói hay lúc no? Phải kiểm tra dạ dày. Chết treo hay treo xác chết?, chết trên cạn rồi ném xác xuống nước.v.v…. Đồng thời phải tự trả lời bằng kỹ thuật giám định của mình để tìm các dấu hiệu đặc trưng của mỗi loại hình thái chết Y pháp. Ai đã giết hại nạn nhân? Trả lời câu hỏi này không phải dễ dàng. Tuy nhiên trong phạm vi huyết học, gen học, xác định hung khí với vết thương cũng góp phần xác định được kẻ gây án.
5.1. Các nguyên tắc giám định:
- Toàn diện, tỷ mỉ, chính xác.
- Từ ngoài vào trong.
- Từ đầu đến chân.
- Từ phải qua trái.
- Từ trước ra sau.
- Mô tả trung thực.
- Rửa sạch vết thương.
- Định vị các thương tích mô tả và đánh dấu trên sơ đồ cơ thể, nếu nhiều vết thương phải đánh dấu thứ tự, mô tả đặc điểm, độ sâu, chiều hướng của thương tích và các dấu vết trên nạn nhân.
- Chụp ảnh các thương tích, dấu vết.
- Lấy các mẫu xét nghiệm cần thiết.
5.2. Nội dung bản giám định:
A. Thủ tục hành chính
– Tên cơ quan giám định và số thứ tự của văn bản giám định.
– Niên hiệu.
– Ngày, tháng, năm ra văn bản.
– Tiêu đề của văn bản giám định.
– Họ tên, chức vụ, chức danh, cơ quan giám định viên.
– Lý do, loại hình, căn cước của đối tượng giám định
– Thời gian, địa điểm, điều kiện giám định (ánh sáng, thời tiết)
– Người chứng kiến (Công an, kiểm sát v.v… ghi rõ họ tên, chức vụ)
– Tóm tắt vụ việc (nêu những nét chính).
Giám định:
- Khám nghiệm bên ngoài
1.1. Đặc điểm cá thể
Nhận dạng: giới, chiều cao, đặc điểm tư trang, tóc, dị tật bẩm sinh như nốt ruồi, lác mắt, thọt chân, thừa hay thiếu ngón tay, ngón chân, mảng rối loạn sắc tố trên da v.v…; dấu tích bị trong quá trình sống như sẹo mổ, sẹo vết thương, dấu tích gãy xương v.v..Nhận dạng nạn nhân, đặc biệt nạn nhân không rõ căn cước (tông tích) chết ở nơi xa vắng, hẻo lánh hoặc xác trôi dạt ở bờ sông, ven suối là vấn đề rất quan trọng bởi vì phải dựa vào các đặc điểm cá thể sẽ
Tình trạng tử thi gồm: Cứng tử thi, hoen tử thi và đặc điểm màu sắc, vị trí của nó, hư thối, đồng tử mắt co hay giãn?
1.2. Dấu vết thương tích
Nếu trên thi thể thấy có những dấu vết như dầu mỡ, máu, dấu vết nghi tinh dịch v.v…, các thương tích như rách da, dập nát phần mềm, gãy xương v.v… phải mô tả và xác định:
Vị trí
+ Đặc điểm, hình dáng
+ Kích thước, độ sâu, chiều hướng.
+ Tính chất, màu sắc
1.3. Các lỗ tự nhiên: Mũi, mồm, tai, âm hộ, âm đạo có máu? chất bài tiết, hậu môn có phân?
- Khám nghiệm bên trong
- Đầu
- Cổ
- Ngực
- Bụng
- Bộ phận sinh dục: màng trinh, âm đạo, tử cung, tinh hoàn, dương vật
- Mỗi bộ phận đều phải mô tả bên ngoài, bên trong, chất chứa (số lượng, màu sắc). Đặc điểm tổn thương (ngoại lực, bệnh lý)
- Lấy các mẫu xét nghiệm
+ Mô bệnh học (vi thể)
+ Độc chất
+ Vi khuẩn
+ Dấu vết sinh học (nhóm máu, tinh dịch…)
+ Thực nghiệm (trên súc vật, cây cỏ tái sinh, dựng lại hiện trường)
- Chẩn đoán Y pháp
Nguyên tắc:
- Sắp xếp ghi thứ tự các tổn thương từ nặng đến nhẹ (tóm tắt)
- Biện luận về tổn thương
- Kết luận
Nguyên tắc:
- Đủ các dấu hiệu đặc trưng thì kết luận khẳng định
- Thiếu các dấu hiệu đặc trưng thì kết luận có khả năng
- Không có các dấu hiệu đặc trưng thì kết luận “Không xác định được nguyên nhân chết hoặc chết trong tình trạng ….”.
Nguyên nhân chết.
Ước lượng thời gian chết (Khi có yêu cầu hoặc những trường hợp người chết ở nơi hẻo lánh không rõ căn cước).
CƠ QUAN GIÁM ĐỊNH
(Ký tên, đóng dấu)
GIÁM ĐỊNH VIÊN
(Ký tên)