Quy định xử phạt về hành vi lấn chiếm lòng đường để phơi thóc. Xử phạt hành chính và trách nhiệm hình sự đối với hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để phơi thóc.
Quy định xử phạt về hành vi lấn chiếm lòng đường để phơi thóc. Xử phạt hành chính và trách nhiệm hình sự đối với hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để phơi thóc.
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ Luật Hình sự 2009 sửa đổi, bổ sung;
– Luật Giao thông đường bộ 2008;
2. Luật sư tư vấn:
Hiện nay, nhiều người dân sinh sống hai bên quốc lộ thường biến làn đường dành cho xe máy thành “sân” phơi thóc, rơm rạ vào mùa gặt. Nhiều khi, họ đốt rơm rạ, hun khói mù mịt cả đoạn đường, dẫn đến tình trạng những người tham gia giao thông gặp trở ngại, khó khăn trong việc lái xe.
Tại Khoản 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định một trong những hành vi bị cấm là hành vi “ Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép”.
Khoản 2 Điều 35 Luật giao thông đường bộ 2008 cũng quy định các hành vi không được thực hiện trên đường bộ, bao gồm:
"- Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;
– Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;
– Thả rông súc vật trên đường bộ;
– Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;
– Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;
– Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;
– Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;
– Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;
– Hành vi khác gây cản trở giao thông."
Từ các quy định vừa trích dẫn, hành vi lấn chiếm vỉa hè, lề đường, lòng đường để phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông sản… đã vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ.
Tùy thuộc vào mức độ và hậu quả gây ra, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình.
1, Xử phạt hành chính:
Khoản 1 Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
"1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ;"
Theo đó, việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ với mức phạt tiền từ 100.000 đến 400.000 đồng.
2. Trách nhiệm hình sự:
Hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 Bộ Luật Hình sự 2009 sửa đổi, bổ sung:
"1. Người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ;
b) Đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ;
c) Tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ;
d) Mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách;
đ) Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường;
e ) Lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ;
g) Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ;
h) Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm."
Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 30 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù.
Ngoài ra, người có hành vi chiếm dụng lòng đường phơi nông sản gây tai nạn có trách nhiệm bồi thường dân sự đối với thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của nạn nhân.