Kết thúc dự án đầu tư xây dựng là một trong 03 giai đoạn cần phải tiến hành của một dự án đầu tư xây dựng. Vậy thì, việc kết thúc thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật hiện nay được ghi nhận như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định việc kết thúc thực hiện dự án đầu tư xây dựng:
1.1. Dự án đầu tư xây dựng cần phải trải qua những giai đoạn nào?
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về các giai đoạn cần phải trải qua của một dự án đầu tư xây dựng. Căn cứ theo quy định tại Điều 50 của Luật xây dựng năm 2020 có quy định về trình tự đầu tư xây dựng. Theo đó thì một dự án đầu tư xây dựng thông thường sẽ phải trải qua 3 giai đoạn cơ bản. Đó là giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án, và giai đoạn kết thúc xây dựng dự án sau đó đưa công trình vào khai thác sử dụng trên thực tế. Ngoài ra căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (sau được sửa đổi bởi Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng), có quy định cụ thể hơn về những giai đoạn của một công trình đầu tư xây, cụ thể như sau:
Giai đoạn 1: Giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng. Trong giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng thì các chủ thể cần phải tiến hành một số công việc cơ bản sau đây:
– Khảo sát xây dựng;
– Lập, thẩm định, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có);
– Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng;
– Lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt/quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án.
Giai đoạn 2: Giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Nhìn chung thì trong giai đoạn này các chủ thể sẽ cần phải thực hiện một số công việc cơ bản sau đây:
– Chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có);
– Khảo sát xây dựng, lập và thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng;
– Cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng);
– Lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng, nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng;
– Thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng;
– Tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành, vận hành, chạy thử;
– Bàn giao công trình đưa vào sử dụng và các công việc cần thiết khác.
Giai đoạn 3: Giai đoạn kết thúc dự án đầu tư xây dựng. Trong giai đoạn này thì có chủ thể sẽ cần phải thực hiện một số hoạt động cơ bản như quyết toán hợp đồng xây dựng, quyết toán dự án hoàn thành … Cụ thể hơn về giai đoạn kết thúc dự án đầu tư xây dựng sẽ được trình bày trong phần dưới đây.
1.2. Các công việc cần thực hiện trong giai đoạn kết thúc dự án đầu tư xây dựng:
Có thể nói, kết thúc dự án đầu tư xây dựng là một trong những giai đoạn cơ bản của hoạt đồng đầu tư dự án theo như phân tích ở trên. Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (sau được sửa đổi bởi Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng), một số công việc cơ bản cần phải được thực hiện trong giai đoạn kết thúc dự án đầu tư xây dựng như sau:
– Quyết toán hợp đồng xây dựng;
– Quyết toán dự án hoàn thành theo quy định của pháp luật;
– Xác nhận hoàn thành công trình trên thực tế;
– Tiến hành hoạt động bảo hành công trình xây dựng;
– Bàn giao các hồ sơ và giấy tờ có liên quan cho chủ thể có thẩm quyền nắm giữ và quản lý.
Cụ thể hơn, khi kết thúc dự án đầu tư xây dựng thì có chủ đầu tư sẽ cần phải thực hiện một số công việc nhất định. Như vậy trong quá trình kết thúc dự án đầu tư xây dựng thì các chủ đầu tư dự án xây dựng cần phải thực hiện một số yêu cầu sau:
– Cần phải thực hiện hoạt động báo cáo lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Sở xây dựng nơi có dự án và kết quả của dự án đó. Đối với những dự án xây dựng nhà ở thuộc diện phải có quyết định hoặc có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của chủ thể có thẩm quyền đó là Thủ tướng Chính phủ thì chủ đầu tư cần phải tiến hành hoạt động gửi báo cáo thêm cho cơ quan Bộ xây dựng;
– Cần phải hoàn thiện về các loại hồ sơ và tài liệu phục vụ cho công tác lưu trữ theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về xây dựng;
– Thực hiện hoạt động nghiệm thu công trình và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng;
– Tiến hành hoạt động bàn giao công trình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bàn giao công trình hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội cho chính quyền địa phương, việc bàn giao nhà ở cho người sử dụng sẽ chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thành hoạt động nghiệm thu và đưa công trình vào sử dụng trên thực tế;
– Tiến hành hoạt động báo cáo quyết toán theo quy định của pháp luật về tài chính;
– Thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở trong phạm vi dự án cho chủ sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật về nhà ở và quy định của pháp luật về đất đai;
– Cần phải phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cuối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết các vấn đề về quản lý hành chính trong khu vực dự án đầu tư;
– Tổ chức quản lý vận hành các công trình không phải bàn giao cho chính quyền địa phương hoặc các công trình không phải bàn giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành;
– Thực hiện một số công việc khác theo quy định của pháp luật.
2. Quy định về thủ tục kết thúc hoạt động của dự án đầu tư:
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư sẽ được thực hiện cụ thể như sau:
– Trong trường hợp tự quyết định chấm dứt hoạt động của các dự án đầu tư thì các nhà đầu tư sẽ cần phải gửi quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng đó cho Cơ quan đăng ký đầu tư trong thời gian 15 ngày theo quy định của pháp luật kể từ ngày quyết định và kèm theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Trong trường hợp chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo các điều kiện được quy định trong hợp đồng và các điều kiện được ghi nhận trong điều lệ doanh nghiệp hoặc hết thời gian hoạt động của các dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật, thì các chủ thể được xác định là nhà đầu tư cần phải thông báo bằng văn bản và nộp lại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho Cơ quan đăng ký đầu tư trong thời gian 15 ngày theo quy định của pháp luật được tính kể từ ngày chấm dứt hoạt động các dự án đầu tư xây dựng kèm theo các bản sao giấy tờ và tài liệu ghi nhận về việc chấm dứt hoạt động của các dự án đầu tư xây dựng đó trên thực tế. Các cơ quan đăng ký đầu tư cần phải thông báo về việc chấm dứt hoạt động của các dự án đầu tư xây dựng cho các cơ quan khác có liên quan;
– Trong trường hợp chấm dứt hoạt động của các dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật, thì có cơ quan đăng ký đầu tư sẽ ra quyết định chấm dứt hoạt động của các dự án đầu tư, sau đó tiến hành hoạt động thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và nhìn chung thì giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chấm dứt hiệu lực kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động của các dự án đầu tư có hiệu lực trên thực tế.
3. Quy định về quản lý và kết thúc thực hiện dự án đầu tư xây dựng đối với những công trình đặc thù:
Căn cứ theo quy định tại Điều 57 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (sau được sửa đổi bởi Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng), có ghi nhận cụ thể về vấn đề quản lý đầu tư xây dựng đối với các công trình đặc biệt, cụ thể là các công trình thuộc bí mật nhà nước, như sau:
– Các công trình thuộc bí mật nhà nước sẽ phải được xác định theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
– Việc tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đối với các công trình bí mật nhà nước cần phải tuân thủ quy định của pháp luật, tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án vào giai đoạn kết thúc xây dựng để đưa công trình vào khai thác và sử dụng trên thực tế cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, và được quy định cụ thể trong các quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hoặc các quyết định đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Các cơ quan và tổ chức, các chủ thể được xác định là các cá nhân có liên quan đến việc thực hiện hoạt động quản lý hồ sơ và tài liệu cần phải thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình; tiến hành hoạt động quản lý hồ sơ và tài liệu, quản lý giấy tờ và các thông tin có liên quan trong quá trình đầu tư xây dựng công trình thuộc bí mật nhà nước phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng năm 2020;
– Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
– Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.