Xử lý đối với người vi phạm pháp luật về nhà ở? Mức xử lý đối với hành vi phạm quy định về phát triển nhà ở? Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở?
Nhà ở có những vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của con người. Nhà ở là nơi trú ngụ của con người, bảo vệ con người tránh khỏi những ảnh hưởng xấu của thiên nhiên, xã hội. Không những thế còn là nơi đáp ứng các nhu cầu về vật chất và văn hóa tinh thần của các các thành viên trong gia đình. Hiện nay, với sự gia tăng nhanh chóng của nhà ở thì các hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở cũng tăng lên. Cũng chính vì lẽ đó mà dẫn đến việc Nhà nước ta phải ban hành các chế tài nghiêm khắc để giải quyết các vấn đề này. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Xử lý đối với người vi phạm pháp luật về nhà ở:
Theo Điều 179
– Các chủ thể là người có hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của các chủ thể đó mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
– Các chủ thể là người có hành vi vi phạm sau đây khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
+ Người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật trong việc quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở; thẩm định, phê duyệt dự án xây dựng nhà ở; quyết định, thẩm định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở; thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở; xác định nghĩa vụ tài chính về nhà ở; quản lý, cung cấp thông tin về nhà ở và quy định khác trong việc phát triển, quản lý, giao dịch về nhà ở quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Người có hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về nhà ở hoặc có hành vi vi phạm khác gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở, của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng hợp pháp nhà ở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Người có hành vi vi phạm quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở, quy định về báo cáo, thống kê trong phát triển và quản lý nhà ở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Chính phủ nước ta đã ban hành các quy định chi tiết về Điều này.
Theo Điều 179 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về xử lý vi phạm pháp luật về nhà ở khi gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nội dung như sau:
Các chủ thể là người có hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở nếu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định tại Điều 179 của Luật này còn phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.
Như vậy, các chủ thể khi có hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm cụ thể của các chủ thể đó mà sẽ bị xử lý hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, pháp luật cũng quy định khi các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở mà lại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định tại Điều 179 của Luật nhà ở năm 2014 thì các chủ thể còn phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại. Quy định này là hoàn toàn hợp lý, mang tính chất răn đe, bảo vệ quyền lợi và sự an toàn về tính mạng và tài sản cho các chủ thể có liên quan.
2. Mức xử lý đối với hành vi phạm quy định về phát triển nhà ở:
Mức xử phạt vi phạm quy định về phát triển nhà ở:
Theo Điều 62 Nghị định 166/2017/NĐ-CP về vi phạm quy định về phát triển nhà ở quy định nội dung sau đây:
– Thứ nhất: Các chủ thể vi phạm quy định về phát triển nhà ở sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không báo cáo tình hình triển khai, kết quả thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
+ Đặt tên hoặc điều chỉnh tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc tên các khu vực trong dự án không đúng quy định hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
– Thứ hai: Các chủ thể vi phạm quy định về phát triển nhà ở sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi sau đây:
+ Chủ đầu tư thực hiện hành vi điều chỉnh một trong các nội dung sau đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng vốn nhà nước mà chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định trước khi triển khai thực hiện: Tiến độ thực hiện, loại nhà ở phải xây dựng, tổng diện tích sàn xây dựng, tổng số lượng nhà ở, tỷ lệ các loại nhà, tổng mức đầu tư.
+ Chủ đầu tư đã không dành diện tích đất ở hoặc dành không đủ diện tích đất ở trong dự án xây dựng nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định pháp luật.
+ Chủ đầu tư đã không bố trí nhà ở thương mại trong dự án cho người có nhà ở bị giải tỏa có nhu cầu tái định cư tại chỗ theo quy định.
+ Chủ đầu tư đã không xây dựng nhà ở để bố trí tái định cư tại khu vực được quy hoạch xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp trong dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đối với trường hợp người có nhà ở bị giải tỏa có nhu cầu tái định cư tại chỗ hoặc không bố trí nhà ở tại nơi khác cho người được tái định cư theo quy định.
+ Chủ đầu tư đã không bố trí quỹ đất để phục vụ sản xuất cho người thuộc diện được tái định cư trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư ở khu vực nông thôn theo phương án bố trí tái định cư đã được phê duyệt.
+ Chủ đầu tư đã tự ý thay đổi thiết kế diện tích nhà ở và công trình phụ trợ (nếu có) sau khi cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt phương án bố trí tái định cư.
+ Chủ đầu tư đã không dành đủ diện tích nhà ở xã hội để cho thuê theo quy định (đối với dự án xây dựng nhà ở xã hội không thuộc khu vực phải lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê).
Biện pháp khắc phục hậu quả khi xử phạt vi phạm quy định về phát triển nhà ở:
– Ngoài việc bị xử phạt bằng tiền theo mức xử phạt như trên, người thực hiện các hành vi vi phạm quy định về phát triển nhà ở còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 3 Điều 62 Nghị định 166/2017/NĐ-CP như sau:
+ Người thực hiện các hành vi vi phạm quy định về phát triển nhà ở còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình triển khai dự án theo quy định đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 62 Nghị định 166/2017/NĐ-CP.
+ Buộc đặt tên hoặc điều chỉnh tên dự án, tên các khu vực trong dự án theo đúng quy định đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 62 Nghị định 166/2017/NĐ-CP.
+ Buộc hủy bỏ kết quả điều chỉnh đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 62 Nghị định 166/2017/NĐ-CP.
+ Buộc dành quỹ đất theo quy định để xây dựng nhà ở xã hội đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 62 Nghị định 166/2017/NĐ-CP.
+ Buộc chủ đầu tư bố trí nhà ở thương mại ngay trong dự án cho người có nhà ở bị giải tỏa có nhu cầu tái định cư tại chỗ hoặc buộc phải thỏa thuận với người có nhà ở bị giải tỏa để thống nhất bố trí chỗ ở khác trong trường hợp không có diện tích nhà ở để sắp xếp đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 62 Nghị định 166/2017/NĐ-CP.
+ Buộc chủ đầu tư sắp xếp, bố trí quỹ đất để phục vụ sản xuất cho người thuộc diện tái định cư theo phương án tái định cư đã được phê duyệt đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 62 Nghị định 166/2017/NĐ-CP.
+ Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm hoặc buộc điều chỉnh lại thiết kế diện tích nhà ở và công trình phụ trợ theo phương án bố trí tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 2 Điều 62 Nghị định 166/2017/NĐ-CP.
+ Buộc chủ đầu tư bố trí đủ diện tích nhà ở xã hội để cho thuê đối với hành vi quy định tại điểm g khoản 2 Điều 62 Nghị định 166/2017/NĐ-CP.
Như vậy, đối với hành vi phạm quy định về phát triển nhà ở, pháp luật đã đưa ra các quy định về mức xử lý cụ thể nhằm đảm bảo cho việc phát triển nhà ở diễn ra thuận lợi, đúng quy định và đảm bảo được vai trò của nó.
3. Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở:
Tội phạm các quy định về quản lý nhà ở là các hành vi chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà ở không có giấy phép theo quy định của pháp luật hoặc là xây không đúng nội dung ghi trong giấy phép xây dựng.
Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở được quy định tại Điều 343 Bộ luật hình sự năm 2015.
Các yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở:
– Mặt khách quan:
+ Về hành vi có một trong các hành vi sau:
Các chủ thể có hành vi chiếm dụng chỗ ở. Ta có thể hiểu là hành vi chiếm hữu hoặc sử dụng trái phép chỗ ở hợp pháp của người khác bằng mọi thủ đoạn khác nhau (như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực…để buộc người khác giao chỗ ở của họ cho người phạm tội) hoặc lợi dụng người khác vắng nhà dọn đồ đạc của họ ra ngoài để chiếm lấy chỗ ở của họ. Chỗ ở có thể là nhà thuộc sở hữu riêng, phòng trong nhà thuộc sở hữu chung, nhà thuê hoặc bất cứ nơi nào được sử dụng để ở một cách hợp pháp
Các chủ thể có hành vi xây dựng nhà trái phép được thể hiện qua việc nhà không có giấy phép hoặc tại nơi không được phép xây dựng hay không đúng với nội dung giấy phép xây dựng.
+ Dấu hiệu khác:
Các chủ thể là người thực hiện hành vi nêu trên phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
– Khách thể:
Hành vi phạm tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở đã xâm phạm đến chế độ quản lý nhà ở, quản lý hoạt động xây dựng nhà ở của nhà nước.
– Mặt chủ quan
Các chủ thể là người phạm tội thực hiện tội phạm vi phạm các quy định về quản lý nhà ở với lỗi cố ý.
– Chủ thể:
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự năm 2015.
Khung hình phạt tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở:
Đối với tội phạm vi phạm các quy định về quản lý nhà ở sẽ có các khung hình phạt sau đây:
– Khung một (được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 343 Bộ luật hình sự năm 2015).
+ Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
+ Ngoài ra, các nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.
– Hình phạt bổ sung (được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 343 Bộ luật hình sự năm 2015).
+ Các chủ thể là người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.