Quy định về việc kiêm nhiệm chức danh trong nhiều công ty. Hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập.
Quy định về việc kiêm nhiệm chức danh trong nhiều công ty. Hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi là chủ tịch hội đồng thành viên và là giám đốc của một công ty TNHH, Công ty tôi tham gia mua cổ phần tại một công ty cổ phần nhà nước (là Công ty đại chúng chưa lên sàn) và hiện nay công ty này bán hết toàn bộ vốn Nhà nước và Công ty tôi mua chiếm 75% vốn điều lệ. Tôi đảm nhận thêm chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của công ty cổ phần này có được không? Luật có quy định hạn chế tôi được phép làm Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc bao nhiêu công ty không? Trong thời gian bao lâu thì tôi có thể chuyển nhượng được công ty cổ phần này cho tổ chức khác?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Một người có được làm Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc nhiều công ty?
Căn cứ Điều 152 Luật doanh nghiệp 2014 quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị như sau:
“1. Hội đồng quản trị bầu một thành viên của Hội đồng quản trị làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này và Điều lệ công ty, pháp luật về chứng khoán không có quy định khác.
2. Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết thì Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.”
Như vậy trong trường hợp này bạn có thể đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc của công ty cổ phần nếu điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán không có quy định khác.
Điều 151 Luật doanh nghiệp 2014 quy định cơ cấu, tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị:
“1. Thành viên Hội đồng quản trị phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này;
b) Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.
c) Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác.
d) Đối với công ty con mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì thành viên Hội đồng quản trị không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; không được là người có liên quan của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.
2. Thành viên độc lập Hội đồng quản trị theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 134 của Luật này có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy địnhkhác:
a) Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó.
b) Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định;
c) Không phải là người có vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty;
d) Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty;
đ) Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó.
… "
Điều 157 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về Giám đốc, Tổng giám đốc công ty như sau:
‘1. Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.
Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 05 năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Tiêu chuẩn và điều kiện của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc áp dụng theo quy định tại Điều 65 của Luật này.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Điều 65 Luật doanh nghiệp 2014 quy định Tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc, Tổng giám đốc:
“1. Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này.
2. Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
3. Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty mẹ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty đó.”
Như vậy thì pháp luật không có quy định giới hạn về việc một người được làm chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc bao nhiêu công ty, nếu bạn đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn trên thì bạn có thể đồng thời kiêm chức vụ này ở nhiều công ty khác nhau. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác về vấn đề này.
2. Về việc chuyển nhượng cổ phần:
Khoản 1 Điều 126 Luật doanh nghiệp 2014 quy định việc chuyển nhượng cổ phần như sau: "1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng."
Điều 119 Luật doanh nghiệp 2014 quy định cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập như sau:
"1. Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập; công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập.
Trường hợp không có cổ đông sáng lập, Điều lệ công ty cổ phần trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc các cổ đông phổ thông của công ty đó.
2. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.
3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
4. Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.”
Theo như bạn trình bày thì công ty trách nhiệm hữu hạn của bạn mua cổ phần của công ty cổ phần, như vậy sau 03 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty của bạn là 01 cổ đông của công ty cổ phần có quyền chuyển nhượng cổ phần cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.