Quy định về việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội là gì? Quy định về việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội? Các nguyên tắc thực hiện việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội?
Trong những năm gần đây, tình trạng tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ phạm tội. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ, mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi. Số lượng các vụ án tăng nhanh, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra cùng với tính chất phức tạp của từng vụ án. Tình trạng người chưa thành niên phạm tội có chiều hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân: do gia đình, do nhà trường, do xã hội và do chính người chưa thành niên. Ngoài ra còn do công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, văn hóa, đạo đức, lối sống trong quần chúng nhân dân nhất là thanh thiếu niên chưa được coi trọng đúng mức, còn thiếu cả về bề rộng và chiều sâu.
Pháp luật về người chưa thành niên vi phạm pháp luật là vấn đề luôn được quan tâm vì đây là đối tượng “dễ bị tổn thương”, chưa phát triển hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Do vậy, hệ thống pháp luật phải bảo đảm vừa xử lý, răn đe vừa phải tôn trọng nhân phẩm, danh dự phù hợp với mức độ trưởng thành của từng em và thúc đẩy các em tái hoà nhập cộng đồng. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn đọc quy định về việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội.
1. Quy định về việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội là gì?
Cho đến nay, trong các văn bản pháp luật Việt Nam cũng chưa có một quy định hay định nghĩa cụ thể về người chưa thành niên. Tuy vậy, trong thực tiễn đời sống, chúng ta đều hiểu rằng: người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có khả năng nhận thức, kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của mình. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 thì người chưa thành niên được hiểu là: “Người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương; đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, do đó tùy theo lứa tuổi, mức độ trưởng thành và nhu cầu cá nhân mà họ cần được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng hình sự”. Chính vì vậy mà họ có những đặc điểm tâm lý riêng và được Bộ luật hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định thành chương riêng về đường lối, trình tự, thủ tục xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội (Chương XII
Do đó, người chưa thành niên dễ bị chi phối bởi tác động bên ngoài và thực hiện các hành vi thiếu suy nghĩ chín chắn. Từ đặc điểm về lứa tuổi, các đặc thù nêu trên của người chưa thành niên nên pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật nhiều nước trên thế giới đều có những quy định phù hợp để bảo vệ, giáo dục, phòng ngừa các hành vi xâm phạm trẻ em hoặc xử lý đối với trẻ em vi phạm pháp luật.
Người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là phạm tội. Đây là chủ thể của tội phạm nhưng cũng là đối tượng được bảo vệ đặc biệt. Quy định về việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội là các quy phạm pháp luật được cơ quan nhà nước ban hành thông qua các văn bản pháp luật quy định về việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội bao gồm các chế tài, hình thức xử phạt.
2. Quy định về việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội
BLHS năm 2015 quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự Tòa án có thể áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục được quy định tại mục 2 chương XII của BLHS năm 2015, gồm: Khiển trách (Điều 93), Hòa giải tại cộng đồng (Điều 94), Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95).
Tại Điều 418, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ về vấn đề giám sát đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, theo đó quy định những nội dung như sau:
– Thứ nhất, sử dụng các biện pháp ngăn chặn tại điều 419, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hoặc có thể áp dụng các biện pháp giao người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cho người đại diện của họ giám sát.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giao người chưa thành niên phạm tội cho cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt của người chưa thành niên phạm tội khi có giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng. Cha mẹ, người đỡ đầu của người dưới 18 tuổi cũng có thể đề nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng để thực hiện các biện pháp này.
Đối với người chưa thành niên phạm tội không còn cha mẹ, không có nơi cư trú rõ ràng hoặc là người lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa thì cơ quan điều tra cần tìm mọi biện pháp để xác định lý lịch cũng như gia đình của họ.
– Thứ hai, trước khi giao người dưới 18 tuổi cho người đại diện của họ giám sát dần phải xem xét:
Tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, lứa tuổi, tình hình sức khỏe, tiền án, tiền sự của người dưới 18 tuổi (nếu có),…
Khả năng giám sát, giáo dục cùa người đại diện của họ.
Nếu thấy rằng việc người chưa thành niên phạm tội không thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, không cần phải tạm giữ, tạm giam để điều tra và sự giám sát của người đại diện có thể bảo đảm bị can, bị cáo không tiếp tục phạm tội hoặc trốn, thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể giao cho người đại diện của họ giám sát để chờ việc xét xử.
– Thứ ba, cần nhanh chóng xác định người giám sát để kịp thời tiếp xúc với người chưa thành niên phạm tội.
Khi đã chấp nhận đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng về việc cử cán bộ giám sát người chưa thành niên phạm tội, cơ quan đã nhận trách nhiệm cử cán bộ giám sát cần cử ngay cán bộ và kịp thòi
Quyết định phải được lập bằng văn bản, trong đó ghi rõ tội mà người chưa thành niên bị truy cứu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm của người đại điện khi giám sát họ phải đảm bảo bị can, bị cáo không tiếp tục phạm tội và phải có mặt khi được cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập.
Quyết định này phải được giao cho người đại diện thực hiện việc giám sát và Công an xã, phương, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú để theo dõi, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của người đại diện của người dưới 18 tuổi.
– Thứ tư, trường hợp người dưới 18 tuổi có dấu hiệu sai lệch.
Trường hợp người dưới 18 tuổi có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có hành vi mua chuộc, cường ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này hoặc tiếp tục phạm tội thì người được giao nhiệm vụ giám sát phải kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Nếu người đại diện không làm đúng nhiệm vụ thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc hơn đối với ngưởi dưới 18 tuổi phạm tội.
3. Các nguyên tắc thực hiện việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội
Việc giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự phải đảm bảo nguyên tắc sau:
– Bảo đảm mục tiêu phục hồi, hòa nhập cộng đồng cho người được giám sát, giáo dục và phòng ngừa tái phạm; tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám sát; nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám sát; đảm bảo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu cá nhân của người được giám sát; tôn trọng và bảo vệ bí mật cá nhân của người được giám sát; bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình vào việc thi hành các biện pháp giám sát.
– Thời hạn giám sát do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền ấn định trong từng trường hợp cụ thể từ 3 tháng đến 1 năm (đối với trường hợp áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng) và từ 1 năm đến 2 năm (đối với trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn).
– Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc thi hành các biện pháp giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự. Công an cấp xã làm nhiệm vụ đầu mối, tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục tại địa phương. Công chức văn hóa – xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên bảo vệ trẻ em, người làm công tác xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, nhà trường, gia đình hoặc tổ chức, cá nhân khác tham gia công tác giám sát, giáo dục theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Như vậy, việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Tuy nhiên trong thực tiễn xét xử, rất ít khi Tòa án áp dụng quy định người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS. Bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ ý thức chủ quan của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, vì điều luật quy định “có thể” cho miễn trách nhiệm hình sự tức là quy định tùy nghi, không bắt buộc nên Thẩm phán có quyền lựa chọn, nếu xét thấy bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng có nhiều tình tiết giảm nhẹ và đã tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả và đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015 nhưng Thẩm phán thường chọn giải pháp là xử bị cáo hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo do chưa có hướng dẫn cụ thể.