Quy định về việc định đoạt tài sản chung. Xử lý hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Quy định về việc định đoạt tài sản chung. Xử lý hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, tình hình là nhà ông bà tôi, có ba tầng, một tầng lửng, một tầng trệt và một lối đi chung cho hai nhà, được nhà nước cấp nhưng vì tính theo đầu người nên nhà nước để thêm một người khác vào nên căn nhà có 2 chủ hộ. Do bác V sống một mình nên tầng lửng và tầng trệt được giao cho bác ấy. Vài năm trước hai bên có ý định bán nhà nhưng bác V ra điều kiện rằng do bác ấy ở tầng thấp hơn nên khi bán bác V sẽ lấy nửa số tiền. Nhà tôi thấy điều kiện ấy vô lý nên không chấp nhận. Và một hai năm gần đây, do nhà đã cũ nên có dấu hiệu xuống cấp nên khi nhà tôi dùng nhà tắm thì nước sẽ thấm vào tường của tầng thấp hơn. Nên gây ra ẩm thấp trong nhà tắm bác V. Việc này dẫn đến xung đột giữa hai nhà. Nhà tôi do nằm ở những tầng trên nên không bị ảnh hưởng nhiều. Bác V có vẻ như hiểu lầm nhà tôi có những hành vi không đúng với nhà bác nên nhiều lần bác V có những lời nói không đúng đến ông bà tôi. Lần gần đây nhất bác V đã dùng những từ nặng để nói ông bà và gia đình tôi đã nhiều lần cho qua nhưng bác ấy vẫn có thái độ không đúng. Cho nên luật sư có thể cho tôi hỏi nếu bác V đó vẫn có thái độ và lời nói không đúng như thế thì theo luật pháp, luật sư có cách nào để giải quyết tình trạng trên không? Và cách bác V ra điều kiện để bán căn nhà đó có đúng không? Gia đình tôi muốn giữ lại căn nhà đó vì có nhiều kỉ niệm nên muốn mua phần nhà của bác ấy nhưng do không tìm được tiếng nói chung và xảy ra nhiều xung đột nên mong luật sư có thể giúp dùm tôi.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo như bạn trình bày, tài sản này được Nhà nước cấp cho 2 chủ hộ, đây là tài sản chung của các đồng sở hữu do đó việc định đoạt tài sản chung thực hiện theo quy định tại Điều 218 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
"Điều 218: Định đoạt tài sản chung
1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.
2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.
Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.
Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.
5. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.
6. Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật này."
Điều 126 Luật nhà ở 2014 quy định mua bán nhà ở thuộc sở hữu chung như sau:
"Điều 126. Mua bán nhà ở thuộc sở hữu chung
1. Việc bán nhà ở thuộc sở hữu chung phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu; trường hợp có chủ sở hữu chung không đồng ý bán thì các chủ sở hữu chung khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Các chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua, nếu các chủ sở hữu chung không mua thì nhà ở đó được bán cho người khác.
Trường hợp có chủ sở hữu chung đã có tuyên bố mất tích của Tòa án thì các chủ sở hữu chung còn lại được quyền bán nhà ở đó; phần giá trị quyền sở hữu nhà ở của người bị tuyên bố mất tích được xử lý theo quy định của pháp luật.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2. Trường hợp chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì các chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc bán phần quyền sở hữu nhà ở và điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì phần quyền đó được bán cho người khác; trường hợp vi phạm quyền ưu tiên mua thì xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự."
Như vậy, việc bán căn nhà trên phải đảm bảo được sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu của căn nhà là gia đình bạn và bác V. Theo như bạn trình bày, Nhà nước cấp nhà ở cho gia đình bạn và bác V theo nguyên tắc chia theo đầu người, do đó có thể hiểu căn nhà này thuộc sở hữu chung theo phần, khi bán nhà, bác V sẽ được hưởng phần giá trị căn nhà tương ứng với phần diện tích mà bác V được Nhà nước cấp. Trường hợp khi bác V bán phần của bác V, nếu gia đình bạn có nhu cầu mua thì sẽ được quyền ưu tiên mua.
Về vấn đề bác V có thái độ xúc phạm và lời nói gây ảnh hưởng đến gia đình bạn, đây là hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm gia đình bạn, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a) Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:
"Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;"
Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự 1999:
"Điều 121. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Để chấm dứt hành vi này, gia đình bạn có thể làm đơn tường trình tới cơ quan công an cấp xã nơi bác V đang cư trú để yêu cầu giải quyết.