Quy định trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ? Quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước? Quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao? Quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ? Quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp sở, UBND cấp huyện, UBND cấp xã biên giới?
Các thoả thuận quốc tế có ý nghĩa và những vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Thỏa thuận quốc tế là bản thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài. Với những vai trò quan trọng như vậy thì pháp luật nước ta đã ban hành các văn bản pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Quy định trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ:
Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ được quy định như sau:
– Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sẽ gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.
– Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 27 của Luật Thoả thuận quốc tế.
– Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ; kiến nghị Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước.
– Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế. Trên cơ sở quyết định bằng văn bản của Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức việc ký kết thỏa thuận quốc tế.
– Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ báo cáo Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết.
2. Quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước:
Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước được quy định như sau:
– Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.
Cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh mình để lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.
– Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 27 của Luật Thoả thuận quốc tế.
– Các chủ thể là người có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Luật Thoả thuận quốc tế sẽ quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến.
– Trong trường hợp cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì trình tự, thủ tục được tiến hành như sau:
+ Cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm trình Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách đối ngoại của Quốc hội cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế và phải báo cáo đầy đủ ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 28 của Luật Thoả thuận quốc tế, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách đối ngoại của Quốc hội cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế.
+ Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 28 của Luật này và ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách đối ngoại của Quốc hội do cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước trình, Chủ tịch Quốc hội quyết định bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế.
+ Việc ký kết thỏa thuận quốc tế được tiến hành sau khi có văn bản đồng ý của Chủ tịch Quốc hội.
– Cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước báo cáo Chủ tịch Quốc hội bằng văn bản, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết.
3. Quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao được quy định như sau:
– Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan mình để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.
– Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 27 của Luật Thoả thuận quốc tế.
– Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến.
– Trong trường hợp cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì trình tự, thủ tục được tiến hành như sau:
+ Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm trình Chủ tịch nước cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế. Cơ quan trình phải báo cáo đầy đủ ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến.
+ Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 28 của Luật Thoả thuận quốc tế, Chủ tịch nước cho ý kiến bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế.
+ Việc ký kết thỏa thuận quốc tế được tiến hành sau khi có văn bản đồng ý của Chủ tịch nước.
– Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo Chủ tịch nước bằng văn bản, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Bộ Ngoại giao trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết.
4. Quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:
Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được quy định như sau:
– Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan mình để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.
– Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 27 của Luật Thoả thuận quốc tế.
– Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến.
– Trong trường hợp cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì trình tự, thủ tục được tiến hành như sau:
+ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế. Cơ quan trình phải báo cáo đầy đủ ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến;
+ Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 28 của Luật Thoả thuận quốc tế, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế;
+ Việc ký kết thỏa thuận quốc tế được tiến hành sau khi có văn bản đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
– Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Bộ Ngoại giao trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết.
5. Quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp sở, UBND cấp huyện, UBND cấp xã biên giới:
Căn cứ pháp lý: Nghị định số 64/2021/NĐ-CP về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức.
Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp sở được quy định như sau:
– Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan cấp Sở lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan, đơn vị tham mưu về công tác ngoại vụ thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh), các cơ quan cấp Sở có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó và các cơ quan khác có liên quan.
– Các cơ quan được lấy ý kiến nêu trên trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
– Cơ quan cấp Sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến và gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế cho cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh để trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
– Người đứng đầu cơ quan cấp Sở tiến hành ký kết hoặc ủy quyền bằng văn bản cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế.
– Sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan cấp Sở báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bằng văn bản, đồng thời gửi cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh bản sao thỏa thuận quốc tế để
Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Uỷ ban nhân dân cấp huyện:
– Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, Uỷ ban nhân dân cấp huyện lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh, các cơ quan cấp Sở có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó và các cơ quan khác có liên quan.
– Các cơ quan được lấy ý kiến nêu trên trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
– Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến và gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế cho cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh để trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện tiến hành ký kết hoặc ủy quyền bằng văn bản cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế.
– Sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế, Uỷ ban nhân dân cấp huyện báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bằng văn bản, đồng thời gửi cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh bản sao thỏa thuận quốc tế để thông báo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết.
Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới:
– Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, Uỷ ban nhân dân cấp xã biên giới lấy ý kiến bằng văn bản của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Uỷ ban nhân dân cấp huyện cho ý kiến bằng văn bản và gửi hồ sơ đề xuất ký thỏa thuận quốc tế cho cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh.
– Cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh lấy ý kiến bằng văn bản của Công an cấp tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, cơ quan cấp Sở có liên quan trực tiếp và các cơ quan khác có liên quan trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
– Các cơ quan, đơn vị được lấy ý kiến nêu trên trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Uỷ ban nhân dân cấp xã biên giới.
– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Uỷ ban nhân dân cấp xã biên giới trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trình của cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh.
– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã biên giới tiến hành ký kết hoặc ủy quyền bằng văn bản cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế.
– Sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế, Uỷ ban nhân dân cấp xã biên giới báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện bằng văn bản, kèm theo bản sao thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết. Uỷ ban nhân dân cấp huyện gửi cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh bản sao thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Uỷ ban nhân dân cấp xã biên giới.
Như vậy, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể và các cấp, cơ quan khác nhau mà trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế cũng được quy định khác nhau. Tuy nhiên, việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế dù bất cứ ở cấp nào cũng sẽ phải phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lợi ích quốc gia, dân tộc, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Không những thế còn cần tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và các nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế.