Quy định chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu cây cối? Trách nhiệm bồi thường của người chiếm hữu, người được giao quản lý cây cối?
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra là một dạng của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định cụ thể trong
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Quy định chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm:
– Thứ nhất: trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là một loại trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút, chỉ phí cứu chữa, chi phí mai táng.
– Thứ hai: trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần là một loại trách nhiệm làm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường khoản tiền cho người bị thiệt hại.
Trên thực tế, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được phân thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đặt ra khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự và đã gây ra thiệt hại cho người bị thiệt hại. Một người chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự khi người đó có lỗi, do vậy việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ phải dựa trên các cơ sở cụ thể như sau:
– Thứ nhất: Có hành vi trái pháp luật.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi các chủ thể có hành vi trái pháp luật và chỉ áp dụng đối với người có hành vi trái pháp luật đó. Khi một người có nghĩa vụ mà không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đó thì được coi là vi phạm pháp luật về nghĩa vụ bởi vì nghĩa vụ đó là do pháp luật xác lập hoặc do các bên thỏa thuận, cam kết và đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng trong một số trường hợp không thực hiện nghĩa vụ không bị coi là trái pháp luật và người không thực hiện nghĩa vụ không phải bồi thường thiệt hại. Cụ thể là các trường hợp như sau:
+ Nghĩa vụ dân sự không thực hiện được hoàn toàn do lỗi của người có quyền thì việc người có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ không bị coi là trái pháp luật và người không thực hiện nghĩa vụ không phải bồi thường thiệt hại.
+ Nghĩa vụ dân sự không thực hiện được do sự kiện bất khả kháng (là sự kiện khách quan làm cho người có nghĩa vụ không biết trước và không thể tránh được, không thể khắc phục được khó khăn do sự kiện đó gây ra mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép) thì việc người có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ không bị coi là trái pháp luật và người không thực hiện nghĩa vụ không phải bồi thường thiệt hại.
– Thứ hai: Có thiệt hại sảy ra trong thực tế.
Hiện nay các thiệt hại xảy ra do vi phạm nghĩa vụ dân sự bao gồm: những tài sản bị mất mát hoặc bị hủy hoại hoàn toàn, những hư hỏng, giảm sút giá trị về tài sản, những chi phí mà người bị vi phạm phải bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục những hậu quả do người vi phạm nghĩa vụ gây ra, những tổn thất do thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút.
Những thiệt hại được quy định cụ thể nêu trên được chia làm hai loại, đó là:
+ Thiệt hại trực tiếp như:
Chi phí thực tế và hợp lý: là những khoản hoặc những lợi ích vật chất khác mà người bị thiệt hại phải bỏ ra ngoài dự định của mình để khắc phục những tình trạng xấu do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia gây ra là những thiệt hại trực tiếp.
Tài sản bị hư hỏng, mất mát, hủy hoại là những thiệt hại trực tiếp.
+ Thiệt hại gián tiếp:
Đây là những thiệt hại mà phải dựa trên sự tính toán khoa học mới xác định được mức độ thiệt hại, thiệt hại này còn được gọi là thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
– Thứ ba: Có mối quan hệ giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra.
Các hành vi vi phạm là nguyên nhân và thiệt hại xảy ra là kết quả. Trên thực tế, chỉ khi nào thiệt hại xảy ra là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm pháp luật thì người vi phạm mới phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, nếu có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thiệt hại thì khi xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ thể nào sẽ cần phải xem xét hành vi vi phạm của các chủ thể đó có quan hệ như thế nào đối với thiệt hại xảy ra để tránh sai lầm khi áp dụng trách nhiệm dân sự.
– Thứ tư: Do lỗi của người vi phạm nghĩa vụ dân sự.
Lỗi là một yếu tố bắt buộc để xác định trách nhiệm bồi thường của các chủ thể.
2. Trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu cây cối:
Theo Điều 604
“Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.”
Trên thực tế, khi chủ sở hữu đang trực tiếp quản lý, sử dụng cây cối mà cây cối đó lại gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại cho các chủ thể bị thiệt hại. Trong nhiều trường hợp, khi chủ sở hữu đã chuyển giao cho các chủ thể là người khác quản lý cây cối thì chủ sở hữu vẫn có trách nhiệm cần phải bồi thường cho người bị thiệt hại, nếu giữa chủ sở hữu và người được giao quyền quản lý cây cối có thỏa thuận về việc này.
Pháp luật Việt Nam hiện hành không đưa ra một nguyên tắc hay quy định cụ thể nào đối với việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu cây cối.
Tuy nhiên, dựa trên các quy định của pháp luật có liên quan, ta có thể dễ dàng nhận thấy trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu cây cối sẽ dựa trên một số nguyên tắc cụ thể như sau:
– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu cây cối sẽ dựa trên nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu.
Dựa trên nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu thì chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi đối tài sản của mình, nhưng khi tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu cây cối sẽ dựa trên nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự.
Dựa trên nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự thì nếu chủ sở hữu cây cối không thực hiện nghĩa vụ phát rễ, tỉa cành, chặt hạ cây có nguy cơ đổ, gẩy… theo quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật dân sự năm 2015 và khoản 1 Điều 177 Bộ luật dân sự năm 2015 mà cây cối gây thiệt hại thì chủ sở hữu sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu cây cối sẽ dựa trên nguyên tắc thỏa thuận.
Trên thực tế, giữa chủ sở hữu cây cối và người được giao quản lý cây cối có thể thỏa thuận về việc chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra kể cả trong trường họp cây cối đang do người được giao quản lý cây cối đó quản lý.
3. Trách nhiệm bồi thường của người chiếm hữu, người được giao quản lý cây cối:
Người chiếm hữu, người được giao quản lý cây cối là hai loại chủ thể mới được bổ sung vào Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2015. Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chiếm hữu, người được giao quản lý cây cối, có một số vấn đề như sau:
– Đối với người được giao quản lý cây cối:
Việc chiếm hữu được hiểu đơn giản là việc các chủ thể nắm giữ và quản lý tài sản. Bộ luật dân sự năm 2015 không đưa ra một khái niệm cụ thể về người được giao quản lý nhưng ta có thể hiểu quy định về người chiếm hữu đã bao hàm cả người được giao quản lý. Bởi vì, theo quy định của pháp luật thì người chiếm hữu bao gồm người chiếm hữu có căn cứ pháp luật và người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Ngoài ra, theo quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 165 Bộ luật dân sự năm 2015 ta có thể xác định người được giao quản lý tài sản là người chiếm hữu có căn cứ pháp luật đối với tài sản được giao.
– Đối với người chiếm hữu cây cối:
Trên thực tế, các chủ thể là người chiếm hữu cây cối có thể là người chiếm hữu có căn cứ pháp luật hoặc người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Đối với hai loại người chiếm hữu này, Bộ luật dân sự năm 2015 không đưa ra quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi cây cối mà các chủ thể này chiếm hữu gây thiệt hại. Như vậy, khi cây cối mà các đối tượng này đang chiếm hữu mà gây thiệt hại thì đối tượng này sẽ phải bồi thường thiệt hại bất kể họ có lỗi hay không có lỗi đối với thiệt hại xảy ra.
Ta nhận thấy, Bộ luật dân sự năm 2015 ra đời đã quy định về các chủ thể là người phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra cho người bị hại không chỉ là chủ sở hữu mà còn là người chiếm hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, chăm sóc, trông coi, thu hoạch đối với cây cối. Người chiếm hữu, người được giao quản lý, chăm sóc cây cối sẽ phải có trách nhiệm theo dõi, phát hiện, ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn mà cây cối có thể gây ra để kịp thời khắc phục. trong trường hợp người chiếm hữu, người được giao quản lý, chăm sóc cây cối gây thiệt hại cho người khác thì chính họ sẽ là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, mà không phải chủ sở hữu. Đây là một sự thay đổi phù hợp với thực tế và phù hợp với lẽ công bằng.