Đối thoại là hình thức thương lượng và trao đổi thông tin của các chủ thể có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết khiếu nại. Dưới đây là quy định của pháp luật về hoạt động tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Mục lục bài viết
1. Quy định về tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về vấn đề tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại. Theo quy định của pháp luật hiện nay, hoạt động đối thoại sẽ được tổ chức trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ theo quy định tại Điều 28 của Nghị định 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại, có quy định cụ thể về vấn đề tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai. Cụ thể như sau:
– Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần thứ hai tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sao cần phải tổ chức hoạt động đối thoại theo quy định của pháp luật. Quá trình tổ chức đối thoại sẽ phải được thực hiện như sau:
+ Người giải quyết khiếu nại lần thứ hai theo quy định của pháp luật được xác định là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, giám đốc sở hoặc cấp tương đương sẽ cần phải trực tiếp tiến hành hoạt động đối thoại với người khiếu nại;
+ Người giải quyết khiếu nại lần thứ hai được xác định là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ phải trực tiếp tiến hành thủ tục đối thoại với người khiếu nại trong trường hợp khiếu nại có nhiều tình tiết phức tạp, tức là có nhiều người cùng khiếu nại về cùng một nội dung, có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và biện pháp giải quyết hoạt động khiếu nại, người khiếu nại có thái độ gay gắt, vụ việc khiếu nại đó nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận xã hội, vụ việc khiếu nại ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội của địa phương;
+ Đối với những trường hợp giải quyết khiếu nại khác, người giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật có thể phân công cấp phó của mình hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp, hoặc có thể phân công cho thủ trưởng cơ quan và thủ trưởng đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ xác minh đối thoại với người khiếu nại trên thực tế. Trong quá trình thực hiện thủ tục đối thoại, người được phân công đối thoại sẽ cần phải kịp thời thông báo với người giải quyết khiếu nại về những nội dung phức tạp, vượt quá thẩm quyền của mình, kết thúc hoạt động đối thoại cần phải ngay lập tức báo cáo với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về kết quả của cuộc đối thoại đó, chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo trước pháp luật.
– Người chủ trì đối thoại theo quy định của pháp luật sẽ cần phải tiến hành hoạt động đối thoại trực tiếp với những người khiếu nại, người bị khiếu nại và những người có quyền lợi, lợi ích liên quan đến vụ việc khiếu nại đó. Người chủ trì đối thoại khi tiến hành hoạt động đối thoại cần phải nêu rõ các nội dung cần phải đối thoại trên thực tế, kết quả xác minh nội dung khiếu nại, người tham gia hoạt động đối thoại có quyền trình bày ý kiến và quan điểm của mình trong quá trình giải quyết đối thoại, bổ sung thông tin và tài liệu, bổ sung các loại giấy tờ và bằng chứng có liên quan đến hoạt động giải quyết khiếu nại và yêu cầu của mình, chứng minh yêu cầu của mình là hợp pháp. Người chủ trì cuộc đối thoại cần phải có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản tới những người tham gia quá trình đối thoại, trong đó bao gồm người khiếu nại, người đại diện người bị khiếu nại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến quá trình giải quyết khiếu nại, cơ quan và tổ chức có liên quan đến hoạt động giải quyết khiếu nại, nội dung thông báo cần phải bao gồm nhiều vấn đề, có thể bao gồm thời gian đối thoại, địa điểm đối thoại và nội dung đối thoại.
2. Biên bản của quá trình tổ chức đối thoại khi giải quyết khiếu nại được lập thành mấy bản?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Nghị định 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại, có ghi nhận về việc, việc đối thoại cần phải được lập thành biên bản, ghi đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật, trong biên bản đó cần phải ghi rõ thời gian tham gia, địa điểm tham gia, thành phần tham gia quá trình đối thoại, ghi rõ người tham dự, người vắng mặt, trong trường hợp người khiếu nại không tham gia quá trình đối thoại thì cần phải ghi rõ lý do tại sao người khiếu nại không tham gia hoặc không có lý do cụ thể, nội dung giải quyết khiếu nại, ý kiến của những người tham gia quá trình đối thoại, những nội dung đã được thống nhất trong quá trình đối thoại, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và đối lập nhau trong quá trình đối thoại, có đầy đủ chữ ký của các bên tham gia hoạt động đối thoại. Biên bản cần phải được lập ít nhất 03 bản, mỗi bên giữ một bản. Biên bản đối thoại theo quy định của pháp luật sẽ được lập theo mẫu do pháp luật quy định, hiện nay đang được thực hiện theo mẫu số 14 ban hành kèm theo Nghị định 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại.
Như vậy có thể nói, theo điều luật phân tích nêu trên, quá trình tổ chức hoạt động đối thoại khi giải quyết khiếu nại cần phải được lập thành biên bản. Đồng thời cần phải được lập ít nhất 03 bản, mỗi bên tham gia hoạt động đối thoại sẽ được giữ 01 bản.
3. Trách nhiệm của các bên liên quan trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai:
Căn cứ theo quy định tại Điều 46 của Văn bản hợp nhất Luật khiếu nại năm 2021 có quy định cụ thể về vấn đề thi hành quyết định giải quyết khiếu nại khi quyết định đó có hiệu lực pháp luật. Cụ thể như sau:
– Người giải quyết khiếu nại trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình sẽ có nghĩa vụ chỉ đạo các cơ quan và cá nhân thuộc quyền quản lý của mình để tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại khi quyết định đó có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, người giải quyết khiếu nại hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp phù hợp để đảm bảo cho quá trình thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại khi có quyết định đó có hiệu lực. Tổ chức thi hành hoặc chủ trì, phối hợp với các tổ chức và các cơ quan hữu quan để thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm khôi phục quyền lợi hợp pháp của người khiếu nại, kiến nghị với các cơ quan và tổ chức khác để giải quyết những vấn đề có liên quan đến quá trình thi hành quyết định giải quyết khiếu nại;
– Khi quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, người khiếu nại và những người có quyền lợi liên quan sẽ cần phải thực hiện các nghĩa vụ như sau:
+ Cộng tác với các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền trong quá trình khôi phục quyền lợi hợp pháp của mình đã bị quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính trái phép xâm phạm tới;
+ Chấp hành đầy đủ quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, công nhận quyết định hành chính và hành vi hành chính đó là đúng quy định của pháp luật;
+ Chấp hành đầy đủ quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thi hành quyết định giải quyết khiếu nại khi quyết định đó có hiệu lực pháp luật.
Như vậy có thể nói, đối với quá trình giải quyết khiếu nại lần thứ hai tại cơ quan có thẩm quyền, người giải quyết khiếu nại sẽ phải có nghĩa vụ tổ chức hoạt động đối thoại theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ hai, các chủ thể có liên quan sẽ cần phải có nghĩa vụ thi hành theo đúng quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
–
– Nghị định 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại.