Quy định về thu nhập tăng thêm đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Thu nhập tăng thêm đối với đơn vị sự nghiệp công lập được tính thế nào?
Việc chi trả thu nhập tăng thêm đối với người lao động được thực hiện dựa theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công lập và bảo đảm nguyên tắc đảm bảo tỷ lệ thuận với hiệu suất công tác cao, đóng góp nhiều cho việc tăng thu, tiết kiệm chi. Đây là một trong những quy định về thu nhập tăng thêm. Ngoài ra, trong bài viết dưới đây sẽ phân tích rõ hơn về quy định về thu nhập tăng thêm đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Mục lục bài viết
1. Đơn vị sự nghiệp công lập là gì?
Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức có tư cách pháp nhân và được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước theo quy định của pháp luật với mục đích phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp các dịch vụ công. Sau đây gọi tắt là đơn vị sự nghiệp công.
Vậy, đặc điểm của đơn vị sự nghiệp công là:
+ Được thành lập bởi Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội theo trình tự, thủ tục của pháp luật
+ Là bộ phận cấu thành trong tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;
+ Đơn vị sự nghiệp công có tư cách pháp nhân và con dấu riêng
+ Cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước;
Các đơn vị sự nghiệp công lập được phân chia theo mức độ giao quyền tự chủ. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp được phân loại như sau:
+ Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, tức là được hoàn toàn tự mình thực hiện nhiệm vụ, quản lý tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự của mình.
+ Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, tức là không được hoàn toàn tự mình thực hiện nhiệm vụ, quản lý tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự của mình.
Phân loại theo mức độ tự chủ về tài chính, các đơn vị sự nghiệp công lập được phần loại thành:
+ Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: thuộc loại đơn vị sự nghiệp công lập hoàn toàn tự chủ. Đây là đơn vị tự chủ tài chính và được tự mình thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên bao gồm cả chi đầu tư phát triển.
+ Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên: thuộc loại đơn vị sự nghiệp công lập hoàn toàn tự chủ. Đây là đơn vị tự chủ tài chính và có khả năng bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên bao gồm cả khoản chi ổn định mà chưa có khả năng chi đầu tư phát triển.
+ Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên: là loại đơn vị sự nghiệp công lập chưa hoàn toàn tự chủ được tài chính, do đó vẫn phải một phần phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước để bảo đảm các hoạt động. Nhà nước thực hiện hỗ trợ thông qua việc bảo đảm nguồn chi thường xuyên. Các đơn vị này có thể có nguồn thu, tuy nhiên nguồn thu đó có thể chưa đủ để bù đắp các khoản chi thường xuyên như tiền lương, tiền công, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức
+ Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: là loại đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ về vật chất của Nhà nước. Các đơn vị sự nghiệp công này không có nguồn thu ổn định, được nhà nước bảo đảm các khoản chi về tiền lương, tiền công cho cán bộ, công chức.
2. Khoản thu nhập tăng thêm đối với đơn vị sự nghiệp công lập
Khoản thu nhập tăng thêm cũng được tạm chi, căn cứ vào tình tình tiết kiệm chi phí của quý trước. Để nhằm động viên người lao động phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, tăng hiệu quả kết quả công việc, thủ trưởng cơ quan căn cứ vào sổ kinh phí để ra quyết định tam chi thu nhập tăng thêm cho người lao động theo quý. Do căn cứ vào hiệu suất công việc nên người lao động nào, bộ phận nào có thành tích đóng góp để tiết kiệm chi, có hiệu suất công tác cao thì được trả thu nhập tăng thêm cao hơn, nhưng không thực hiện việc chia thu nhập tăng thêm cào bằng bình quân hoặc chia theo hệ số lương. Thủ trưởng cơ quan quyết định mức chi cụ thể sau khi thống nhất ý kiến với tổ chức công đoàn trong cơ quan.
Chi trả thu nhập tăng thêm là khoản chi thuộc Quỹ bổ sung thu nhập nhằm bổ sung thu nhập cho người lao động trong năm. Quỹ bổ sung thu nhập cũng nhằm bảo đảm bổ sung thu nhập cho người lao động trong năm tiếp theo nếu nguồn thu năm đó bị giảm.
3. Quy định về thu nhập tăng thêm đối với đơn vị sự nghiệp công lập
Các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ tự chủ về việc thực hiện các nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự, tài chính.
Mức độ cụ thể lập Quỹ bổ sung thu nhập theo từng loại đơn vị sự nghiệp công như sau:
Đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Đơn vị được phép trích lập Quỹ bổ sung thu nhập với mức trích không bị khống chế, có nghĩa là đơn vị được phép tự quyết định mức trích mà pháp luật không giới hạn tối đa. Các đơn vị này cũng được phép chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công. Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị (ngân sách nhà nước không cấp bổ sung).
Đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên: Đơn vị được phép trích lập Quỹ bổ sung thu nhập với mức trích không quá 03 lần so với quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp khác do nhà nước quy định.
Đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên: Đơn vị được phép trích lập Quỹ bổ sung thu nhập với mức trích không quá 02 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp khác do nhà nước quy định
Đối với đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Đơn vị được phép trích lập Quỹ bổ sung thu nhập với mức trích không quá 01 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp lương do nhà nước quy định
Để xác định được khoản chi trả thu nhập tăng thêm cần phải dựa vào nguồn Quỹ tiền lương để trả thu nhập tăng thêm cho người lao động trong một năm. Dựa vào quy định tại Thông tư liên tịch 71/2014/TTLT-BTC-BNV, công thức để xác định Quỹ tiền lương để trả thu nhập tăng thêm cho người lao động như sau:
QTL = Lmin x K1 x K2 x L x 12 tháng
Trong đó:
QTL: Là Quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ của cơ quan được phép trả tăng thêm tối đa trong năm;
Lmin: Là mức lương cơ sở (đồng/tháng) hiện hành do nhà nước quy định;
K1: Là hệ số điều chỉnh tăng thêm thu nhập (tối đa không quá 1,0 lần);
K2: Là hệ số lương ngạch, bậc, chức vụ bình quân của cơ quan;
L: Là số biên chế được giao và số lao động
Vậy, các đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm thuộc các chức danh cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức(trong đó viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật) và người lao động theo hợp đồng không xác định thời hạn. Còn những người làm việc theo hợp đồng tạm tuyển, hợp đồng khoán, hợp đồng có thời hạn…thì không thuộc đối tượng được thụ hưởng của thu nhập tăng thêm. Các công việc liên quan đến loại hợp đồng này thường là kế toán, lao công, bảo vệ, hoặc y tế,… Quy định này gây khó khăn trong quá trình quản lí và sử dụng lao động trong tổ chức, tạo sự bất bình đẳng giữa những đối tượng cùng là người lao động.