Khái quát về chuẩn bị xét xử phúc thẩm dân sự? Quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm dân sự?
Phúc thẩm là một giai đoạn quan trọng trong tố tụng dân sự, là một cấp trong hai cấp xét xử vụ án dân sự theo quy định của pháp luật. Thông qua việc xét lại vụ án bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, toà án cấp phúc thẩm sẽ sửa chữa những sai lầm, thiếu sót về nội dung và tố tụng trong bản án, quyết định sơ thẩm, từ đó đảm bảo cho vụ án được xét xử công bằng, đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và nhà nước. Chính vì có vai trò quan trọng như vậy, do đó, giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án hình sự cũng cần được chú trọng, là giai đoạn tiền đề cho việc xét xử phúc thẩm được diễn ra hiệu quả.
Tố tụng dân sự là một quá trình dài, ở mỗi giai đoạn bắt buộc phải có thời hạn nhất định nhằm ràng buộc trách nhiệm của chủ thể trong mối quan hệ với quyền và nghĩa vụ, điều này cũng không loại trừ đối với chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ phân tích sâu hơn, cụ thể hơn quy định tại Điều 286
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn Quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ Luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi theo Luật sửa đổi Bộ Luật tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành.
Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn Quy định trong phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của Bộ Luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi theo Luật sửa đổi Bộ Luật tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành.
1. Khái quát về chuẩn bị xét xử phúc thẩm dân sự?
Dưới góc độ ngôn ngữ học, theo từ điển Tiếng Việt, “chuẩn bị” là làm cho có sẵn cái cần thiết để làm việc gì”. Khái niệm “chuẩn bị xét xử’ theo quan điểm của một số tác giả là “chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật”.
Khái niệm chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự có thể được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau:
– Dưới góc độ là một giai đoạn tố tụng dân sự, chuẩn bị xét xử sơ thẩm là một trong các giai đoạn của quá trình Tòa án giải quyết vụ án dân sự, trong đó Tòa án cấp phúc thẩm chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xét xử lại vụ án dân sự mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
– Dưới góc độ chế định của pháp luật tố tụng dân sự, chuẩn bị xét xử vụ án dân sự là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình tòa án cấp phúc thẩm chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xét xử lại vụ án dân sự mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Tuy nhiên, khái niệm về chuẩn bị xét xử phúc thẩm thường được xem xét dưới góc độ là hoạt động tố tụng dân sự, theo đó chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự là hoạt động do Toà án cấp phúc thẩm tiến hành nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xét lại vụ án dân sự mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự mang những đặc điểm sau:
– Một là, chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự được bắt đầu từ khi Tòa án thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự và kết thúc khi Toà án mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án dân sự.
– Hai là, chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự là hoạt động tố tụng của Tòa án nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xem xét, giải quyết yêu cầu kháng cáo, kháng nghị.
– Ba là, Tòa án cấp phúc thẩm không phải tiến hành hòa giải vụ án dân sự trong chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự.
– Bốn là, chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự gồm nhiều hoạt động do Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp toà án cấp phúc thẩm có điều kiện nghiên cứu, nắm vững nội dung vụ án, nội dung của bản án, quyết định sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị để xét xử lại vụ án dân sự đúng đắn. Đồng thời, chuẩn bị còn giúp Toà án cấp phúc thẩm tiến hành các công việc cần thiết để chuẩn bị cho việc xét xử tại phiên toà phúc thẩm.
Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn giúp các đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu kháng cáo của mình có căn cứ và hợp pháp, giúp Toà án cấp phúc thẩm đánh giá lại các chứng cứ, tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án.
2. Quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm dân sự?
Theo quy định tại Điều 182 Bộ luật tố tụng dân sự, thời hạn tố tụng là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hành vi tố tụng do Bộ luật tố tụng dân sự quy định.
Thực tế, pháp luật tố tụng dân sự không đưa ra khái niệm về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự, tuy nhiên nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã đưa ra cách giải thích về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự, trong đó điển hình là trong cuốn Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, do tác giả Bùi Thị Huyền chủ biên có nêu rõ: “thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự là một khoảng thời giạn xác định từ thời điểm Toà án cấp phúc thẩm tiến hành thụ lý đến thời điểm toà án mở phiên toà phúc thẩm”. Đây là khái niêm hợp lí và Luật Dương Gia cũng đồng quan điểm về cách giải thích này.
Theo quy định tại Điều 286 Bộ luật tố tụng dân sự thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự là hai tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Trong thừi hạn này, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:
– Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án: Trong trường hợp này, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm sẽ kết thúc vào ngày Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được bắt đầu tính lại kể từ ngày Toà án cấp phúc thẩm tiếp tục xét xử vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn.
– Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án. Trong trường hợp này, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm sẽ kết thúc vào ngày Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
– Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Trong trường hợp này, sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án cấp phúc thẩm phải tiếp tục tiến hành các hoạt động cho việc chuẩn bị xét xử phúc thẩm trong thời hạn luật định.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng. Trong đó, theo giải thích tại Điều Đ14, Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP đã giải thích thống nhất về:
– Những vụ án có tính chất phức tạp: là những vụ án có nhiều đương sự, có liên quan đến nhiều lĩnh vực; vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc cần phải giám định kỹ thuật phức tạp; những vụ án mà đương sự là người nước ngoài đang ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài cần phải có thời gian uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự, ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài,…
– Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động như: thiên tai, địch họa, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu,… làm cho Toà án không thể giải quyết được vụ án trong thời hạn quy định.
Sự kiện bất khả kháng không được giải thích trong Bộ luật tố tụng dân sự cũng như Nghị quyết 05, vì vậy, việc giải thích có thể căn cứ vào Điều 156
Bên cạnh đó, Khoản 2, Điều 286 Bộ luật tố tụng dân sự còn quy định thời hạn Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên toà phúc thẩm là một tháng kể từ có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng. Như vậy, thời hạn để quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm được quy định theo hướng mở, thông thường tối đa không được quá hai tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.