Trong bối cảnh Việt Nam chưa có quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại ước tính, các tranh chấp liên quan đến thỏa thuận này vẫn xuất hiện trong thực tiễn giao kết hợp đồng. Vậy quy định về thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính được hiểu thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định về thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính:
Bồi thường thiệt hại ước tính được hiểu là thoả thuận buộc bên vi phạm có nghĩa vụ phải trả khoản tiền ấn định để bù đắp cho các thiệt hại do hành vi vi phạm. Mặc dù khái niệm này không còn xa lạ ở Việt Nam nhưng hiện nay chưa có quy định pháp luật trực tiếp điều chỉnh và điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán hợp đồng dân sự và bất cập trong giải quyết tranh chấp liên quan đến điều khoản thoả thuận này.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là bên vi phạm có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại toàn bộ và thiệt hại phải là thiệt hại thực tế và trực tiếp. Bộ luật Dân sự năm 2015 công nhận cụ thể năm loại thiệt hại về vật chất là:
– Tổn thất về tài sản; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; lợi ích đáng lẽ được hưởng do hợp đồng mang lại; chi phí khác phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với lợi ích đáng lẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Được gọi chung là “tổn thất vật chất thực tế xác định được”.
– Theo quy định tại
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 302 Luật thương mại năm 2005 cũng cho phép thiệt hại được bồi thường là khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ sẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Như vậy, việc phân biệt thiệt hại được bồi thường theo quy định tại BLDS năm 2015 và Luật thương mại năm 2005 khác nhau rất khó. Tại Bộ Luật Dân Sự năm 2015 quy định năm loại thiệt hại vật chất được bồi thường một phần nào đưa ra các ví dụ cụ thể về các loại thiệt hại thực tế và trực tiếp để bên bị vi phạm dễ dàng chứng minh thiệt hại của mình
Tuy nhiên, tại khái niệm về thiệt hại thực tế và trực tiếp trong Luật thương mại năm 2005 cũng có thể được hiểu trong đó bao gồm các loại tổn thất vật chất thực tế được quy định trong BLDS năm 2015. Ngoài tính chất thiệt hại thực tế và trực tiếp, bên bị thiệt hại cũng cần chứng minh quan hệ nhân quả giữa vi phạm hợp đồng và thiệt hại.
Nếu như dựa trên các quy định về bồi thường thiệt hại của BLDS năm 2015 và Luật thương mại năm 2005 thì có hai lý do để xem xét bồi thường thiệt hại ước tính không phải là thiệt hại có thể được bồi thường:
– Thứ nhất, thiệt hại ước tính sẽ không nhất thiết phản ánh đầy đủ các thiệt hại thực tế và trực tiếp. Thiệt hại ước tính có thể sẽ cao hơn hoặc thấp hơn thiệt hại thực tế và trực tiếp;
– Thứ hai, do không dựa trên các thiệt hại thực tế và trực tiếp nênviệc xác định thiệt hại ước tính không cần có quan hệ nhân quả với vi phạm hợp đồng. Bên bị thiệt hại vẫn có thể đòi thiệt hại ước tính theo quy định của hợp đồng mà không cần chứng minh quan hệ nhân quả.
2. Thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính là gì?
Thỏa thuận về thiệt hại ước tính đó là một chế tài để đòi bồi thường thiệt hại bằng tiền được ghi nhận trong cả hệ thống thông luật và dân luật.
Thỏa thuận về thiệt hại ước tính thường là một điều khoản trong hợp đồng mà trong đó các bên thỏa thuận một số tiền bồi thường thỏa đáng đối với những thiệt hại mà một bên có thể nhận được nếu bên kia vi phạm hợp đồng.
Hiện nay, điều khoản về thiệt hại ước tính sẽ có thể thi hành nếu tòa án thấy rằng:
– Khó có thể tính được cụ thể về thiệt hại gây ra bởi sự vi phạm hợp đồng;
– Khoản thiệt hại ước tính phải là một trách nhiệm bồi thường hợp lý và tương xứng với thiệt hại thực tế hoặc thiệt hại có thể dự đoán được.
3. Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính tại Việt Nam:
Trong bối cảnh Việt Nam chưa có quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại ước tính, các tranh chấp liên quan đến thỏa thuận này vẫn xuất hiện trong thực tiễn giao kết hợp đồng. Điển hình nhất chính là tranh chấp gần đây đã thể hiện quan điểm của cơ quan xét xử về điều khoản này khi chủ thể tham gia hợp đồng có thỏa thuận và áp dụng.
Bản án số 08/2017/KDTM-PT ngày 08/12/2017 của TAND tỉnh Tây Ninh
Trong tranh chấp này, Công ty N. ký hợp đồng mua bán mủ cao su với Công ty T., quá trình thực hiện hợp đồng Công ty N. vi phạm nghĩa vụ giao hàng nên Công ty T. phải mua hàng ở nơi khác với giá cao hơn, nhận thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng Công ty T. đã yêu cầu Công ty N. bồi thường thiệt hại (11). Trong hợp đồng, tại điều khoản VI các bên có thỏa thuận rằng “nếu một bên đơn phương tự làm sai hợp đồng gây thiệt hại cho bên kia thì phải chịu bồi thường 8% tổng giá trị hợp đồng”.
TAND tỉnh Tây Ninh nhận định mức bồi thường chỉ được xác định sau khi có vi phạm hợp đồng, vì vậy việc bồi thường không thể biết trước mà chỉ xác định được khi có sự việc vi phạm, có lỗi của bên vi phạm và thiệt hại thực tế bên kia phải chịu (12). Do đó, điều khoản VI được các bên thỏa thuận trong hợp đồng là không có căn cứ và bị tuyên vô hiệu. Đặc biệt, trong phần nhận định tòa cũng cho rằng các bên đang thỏa thuận một điều khoản phạt mà ghi bồi thường thiệt hại là gây nhầm lẫn.
Qua tranh chấp trong Bản án số 08/2017/KDTM-PT ngày 08/12/2017 của TAND tỉnh Tây Ninh rằng liệu thỏa thuận tại điều khoản VI của hợp đồng mua bán mủ cao su có phải là một điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính hay không? Để trả lời câu hỏi này cần dựa vào một số yếu tố nhất định để phân biệt với các chế tài khác.
Bản án số 08/2017/KDTM-PT ngày 08/12/2017 của TAND tỉnh Tây Ninh đã thể hiện quan điểm của cơ quan xét xử không công nhận hiệu lực thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính, mà xem đây là thỏa thuận phạt vi phạm.
Phán quyết dựa trên các cơ sở rằng pháp luật Việt Nam không có quy định nào về điều khoản LD nên không công nhận tính hiệu lực của thỏa thuận này, tuy nhiên phán quyết chưa làm rõ các cơ sở để Tòa án không chấp nhận thỏa thuận riêng biệt của các bên, nếu các bên tiến hành thỏa thuận dựa trên tinh thần tự do ý chí, tự nguyện thỏa thuận và thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, liệu điều khoản LD có tạo nên hiệu lực? Liệu các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận một điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính để xác định một mức giá trị bồi thường định trước vào thời điểm giao kết hợp đồng không? Liệu Tòa án chỉ nên can thiệp khi mức bồi thường ấn định này quá cao hoặc quá thấp một cách bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi cân bằng của đôi bên?
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 11/2020/KN-KDTM ngày 09/06/2020 của TANDTC
Một tranh chấp khác cũng liên quan đến điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 11/2020/KN-KDTM ngày 09/06/2020 của TANDTC về hợp đồng phân phối độc quyền. Cụ thể, tháng 10/2010, Công ty TNHH Yến Sào S. và Công ty CP Yến V. ký kết hợp đồng phân phối độc quyền phía bắc với thời hạn 10 năm, theo đó Công ty V. không được bán cho đơn vị nào trên địa bàn đã giao cho Công ty S., quá trình thực hiện hợp đồng Công ty V. vẫn bán sản phẩm của mình tại Hà Nội, do đó Công ty S. đã khởi kiện Công ty V. ra tòa . Trong hợp đồng các bên có thỏa thuận rằng “bên nào vi phạm các cam kết trong hợp đồng thì bên vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bên kia số tiền là 10.000.000.000 đồng”. Tòa sơ thẩm cho rằng Công ty V. vi phạm hợp đồng và buộc Công ty V. bồi thường cho Công ty S. 04 tỉ đồng. Cấp phúc thẩm, hợp đồng không ghi ngày nên bị tuyên vô hiệu, đồng thời tòa cũng chấp nhận yêu cầu chấm dứt hiệu lực của hợp đồng của Công ty V. VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã có kháng nghị về việc chấp nhận thỏa thuận buộc bồi thường 10 tỉ đồng như trong hợp đồng giữa các bên, kháng nghị này đã được TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh chấp nhận. Sau đó, TAND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm liên quan đến tranh chấp này, theo đó thỏa thuận buộc bồi thường 10 tỉ đồng trong hợp đồng phân phối độc quyền là không có căn cứ, thiệt hại được bồi thường phải dựa trên thực tế và trực tiếp theo quy định
Căn cứ vào mục đích mà các bên hướng tới khi thỏa thuận điều khoản này vào trong hợp đồng. Cụ thể, các bên cho rằng “bên nào vi phạm các cam kết trong hợp đồng thì bên vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bên kia số tiền là 10.000.000.000 đồng”. Dựa vào các cụm từ được sử dụng như “chịu trách nhiệm bồi thường” hay “số tiền là 10.000.000.000 đồng”, cho thấy các bên đang hướng tới mục tiêu bù đắp tổn thất hơn là việc trừng phạt hay răn đe. Thứ hai, số tiền được đề cập trong thỏa thuận này là một mức giá trị bồi thường cụ thể, ở đây là 10 tỉ đồng. Việc đưa ra con số này không phải xuất phát từ bất kỳ thiệt hại nào đã xảy ra, giá trị 10 tỉ là một khoản vừa đủ đem lại sự yên tâm cho các bên và do đó họ ấn định con số này vào trong hợp đồng. Đặc điểm thứ ba cần phải xem xét đó chính là mức giá trị bồi thường này được đưa ra trước khi xảy ra thiệt hại trên thực tế dựa vào sự phán đoán và khả năng suy xét của các bên trong quá trình thương lượng. Với ba yếu tố này, có thể đi đến kết luận rằng, thỏa thuận buộc bồi thường 10 tỉ đồng khi một bên vi phạm các cam kết trong hợp đồng là một điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính.
Lý do tại sao TAND tối cao lại không công nhận thỏa thuận buộc bồi thường 10 tỉ đồng này của các bên trong hợp đồng phân phối độc quyền. Đầu tiên, hiện nay tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam. Do đó, các chế định để kiểm soát tính hiệu quả liên quan đến điều khoản này vẫn còn thiếu vắng và chưa thực sự minh bạch. Sự kiểm soát giúp hạn chế các tình huống một bên lợi dụng điều khoản này để trục lợi hoặc rủi ro pháp lý tiêu cực về sau. Vì vậy, nếu như công nhận thỏa thuận bồi thường 10 tỉ đồng này liệu rằng có ổn thỏa đối với tất cả hay không? Vấn đề cốt lõi khi giải quyết các tranh chấp đó chính là việc đảm bảo sự công bằng và hài hòa lợi ích của các bên sau khi tòa án ra quyết định. Chính vì lẽ đó, thay vì phải mạo hiểm trong các rủi ro có thể xảy ra, TAND tối cao đã chọn các giải pháp an toàn hơn đó chính là việc xem thỏa thuận này là một điều khoản bồi thường thiệt hại. Căn cứ bồi thường dựa trên thiệt hại thực tế, trực tiếp và các khoản lợi bị bỏ lỡ do hành vi vi phạm đem lại.
Thông qua hai tranh chấp liên quan đến điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính trong thời gian qua, có thể thấy rằng điều khoản LD chưa được công nhận trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc thỏa thuận phạt vi phạm, được Tòa án yêu cầu các bên xác định tiền theo hướng thiệt hại thực tế, hoặc điều chỉnh tỉ lệ phần trăm theo hướng phạt vi phạm. Việc không công nhận điều khoản LD tạo ra các rủi ro pháp lý về việc thỏa thuận được các bên giao kết bị bác bỏ hiệu lực, và công nhận là thỏa thuận phạt hoặc bồi thường thiệt hại thực tế, trong khi đó ý chí giao kết của các bên hàon toàn khác biệt.
Về bản chất, bồi thường thiệt hại ước tính là một biện pháp khắc phục hậu quả được xác định trước khi giao kết hợp đồng hướng tới mục tiêu cân bằng lợi ích chính đáng khi có thiệt hại xảy ra. Thông qua việc đền bù các tổn thất, bên vi phạm sẽ thực hiện trách nhiệm cho những mất mát tổn thất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu. Từ đó, duy trì trạng thái hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ của các bên với nhau, đảm bảo rằng việc hợp tác vẫn diễn ra suôn sẻ sau quá trình bù đắp thiệt hại. Việc trao quyền tự do lựa chọn một chế tài phù hợp cho các bên sẽ giúp nâng cao hiệu quả giải quyết vi phạm, do đó pháp luật Việt Nam cần có sự phân biệt giữa ba chế tài gồm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại ước tính.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ Luật Dân sự 2015;
Luật Thương Mại 2005 sửa đổi bổ sung 2019.