Quy định về tạm giữ trong các văn bản liên quan của ngành kiểm sát. Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.
Có thể kể đến các văn bản chung liên quan đến công tác của ngành Kiểm sát như
Mục lục bài viết
1. Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014:
Có thể nói rằng đây là văn bản thể hiện một cách rõ nét nhất về trách nhiệm cũng như là quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân – một hệ thống quyền lực được xây dựng nhằm “bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. Trên hết, hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân được xây dựng với các nguyên tắc chung và trong đó có “Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật” (khoản b điều 2).
Bám sát với BLTTHS, điều 12 của Luật này quy định về thẩm quyền “Phê chuẩn, không phê chuẩn” việc tạm giữ và “Hủy bỏ quyết định tạm giữ” trong giai đoạn truy tố.
Tại Mục 6 của Chương II Luật này quy định rõ về hoạt động kiểm sát việc tạm giữ trong đó có các quy định như: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam (điều 22); Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam (điều 23); Trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân trong việc tạm giữ, tạm giam.
Tại điểm d khoản 1 điều 29 Luật này cũng có quy định về Khiếu nại trong hoạt động tạm giữ, tạm giam. Căn cứ theo điểm c khoản 2 điều 29 Luật này thì Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền giải quyết các tố cáo về “hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam”.
Như vậy, các điều khoản liên quan đến biện pháp tạm giữ trong Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân tập trung vào các quyền hạn của Viện Kiểm sát trong việc kiểm sát các hoạt động tạm giữ người để bảo vệ các quy định được đưa ra tại BLTTHS.
2. Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố:
Nhìn chung, bản quy chế trên đã kế thừa tinh thần của hai văn bản Luật điều chỉnh là BLTTHS và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân. Các quy định trong quy chế trên được xây dựng nhằm bảo đảm công tác của Viện Kiểm sát được diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, chúng có những quy định đã được nêu trước đó. Cụ thể là các nguyên tắc của Viện Kiểm sát Nhân dân cũng như là quyền hạn của Viện Kiểm sát trong quá trình kiểm sát việc tạm giữ (điều 3, điều 11, điều 16, điều 18, điều 21, điều 46, điều 49).
Tuy nhiên, vẫn có một số điều khoản cụ thể liên quan đến tiến trình thực hiện hoạt động có thể kể đến như:
Điều 82 quy định về Quan hệ giữa công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố với công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự như sau:
1. Đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố thường xuyên phối hợp với đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự để nắm tình hình người bị tạm giữ, tạm giam; khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của họ đối với quyết định, hành vi của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, kịp thời phát hiện vi phạm trong hoạt động khởi tố, điều tra và truy tố để khắc phục hoặc kiến nghị khắc phục.
2. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố phải sao gửi ngay lệnh, quyết định cho Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự những trường hợp từ chối phê chuẩn việc gia hạn tạm giữ, tạm giam, gia hạn tạm giam, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp tạm giữ, tạm giam để theo dõi và phối hợp thực hiện. Khoản 2 điều 16 cũng có quy định như sau:
Hằng ngày, Viện kiểm sát phải kiểm sát số người bị bắt, bị tạm giữ, gia hạn tạm giữ, số người chuyển tạm giam, số người được trả tự do hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, số người Viện kiểm sát không phê chuẩn việc bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, không phê chuẩn gia hạn tạm giữ, số người bị bắt, bị tạm giữ nhưng không xử lý hình sự; phát hiện, tổng hợp vi phạm của Cơ quan có thẩm quyền điều tra. Hằng tuần, Viện kiểm sát cấp dưới tổng hợp, báo cáo Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp bằng văn bản.
Như vậy, về bản chất, các quy chế nêu trên vẫn phải dựa trên các văn bản pháp luật đã có để thực hiện và bảo vệ chúng. Thêm vào đó, các quy chế sẽ có xu hướng tạo ra những quy định về các hoạt động nghiệp vụ nhằm đảm bảo công tác được diễn ra một cách hiệu quả, trơn tru.
3. Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự:
Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự có thể nói là sự ra đời của một văn bản luật với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo đó, quy chế có đến 8 chương bao gồm: Những quy định chung; Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam; Công tác kiểm sát việc thi hành án dân sự; Kiểm sát trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án và kiểm sát thi hành biện pháp tư pháp; Phương thức kiểm sát và biện pháp xử lý, khắc phục vi phạm; Quản lý tình hình tạm giữ, tạm giam, thi hành án dân sự; Quan hệ công tác, chế độ thông tin, báo cáo; Chế độ bảo đảm hoạt động và điều khoản thi hành.
Liên quan đến biện pháp tạm giữ, quy chế tiếp tục quy định rất chi tiết về những nguyên tắc cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát trong biện pháp tạm giữ. Tuy nhiên, trong quy chế này đã có những bổ sung về những quy định nhằm đưa công tác đạt đến hiệu quả cao. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, tác giả không thể đi sâu vào phân tích các điều khoản trên. Tuy vậy, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, quy chế đã tỏ rõ mục đích của mình khi thể hiện việc đưa ra nhiều quy định có liên quan nhằm hỗ trợ cho công tác.