Quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự? Quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự?
Trong bộ luật tố tụng dân sự quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đó là những người sẽ tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích của Đương sự khi có yêu cầu và được tòa án đồng ý có thể là Luật sư, trợ giúp viên pháp lý…Vậy pháp luật dân sự quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như thế nào? Dưới đây là thông tin chi tiết về nội dung này.
Cơ sở pháp lý:
Luật sư tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
1. Quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Trong tố tụng dân sự ngoài người đại diện của đương sự còn có người khác được đương sự nhờ tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Như vậy việc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia tố tụng xuất phát từ nhu cầu cần được bảo vệ của đương sự tại các phiên tòa. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự được hiểu như sau:
“Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng có đủ các điều kiện do pháp luật quy định được đương sự yêu cầu tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.”
Đối tượng là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Trước tiên đương sự có thể nhờ luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Luật sư là những người am hiểu pháp luật, được đào tạo khắt khe về lý luận cũng như kỹ năng hành nghề, theo sát các văn bản pháp luật mới. Cụ thể được quy định tại Điều 10 Luật Luật sư 2012 quy định:
“Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sự”.
Như vậy Luật sư là đối tượng đầu tiên được pháp luật chấp nhận là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự (điểm a khoản 2 Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý: Theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự thì trợ giúp viên pháp lý có quyên tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự.” Giống như Luật sư để có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý người đó phải đáp ứng những tiêu chuẩn được quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý ,trợ giúp pháp lý bằng các hình thức được quy định tại Khoản 3 Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý.
Công dân Việt Nam: Công dân Việt Nam đáp ứng các điều kiện được pháp luật quy định tại điểm c khoản 2 Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự thì được Tòa án chấp nhận làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đối với công dân Việt Nam là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (không phải là luật sự hay trợ giúp viên pháp lý) pháp luật không bắt buộc họ là người có hiểu biết về pháp luật và được đào tạo bài bản để tham gia hỗ trợ đương sự. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, người được đương sự nhờ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thường phải là người am hiểu pháp luật.
Điều kiện trở thành người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự.
Điều kiện thứ nhất: Căn cứ theo khoản 1 Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
”Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và được Tòa án chấp nhận tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.
Như vậy hai điều kiện tiên quyết để một người có thể trở thành người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người “ được đương sự nhờ” và “ được tòa án chấp nhận tham gia tố tụng”. Chỉ khi đáp ứng được đủ hai điều kiện này thì một người mới có thể trở thành người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính thức của đương sự. Điều kiện đầu tiên là người đó “được đương sự nhờ”. Như vậy, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có được tham gia tố tụng hay không, tham gia vào giai đoạn nào của tố tụng là tùy vào ý muốn của đương sự. Để xác lập tư cách của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, thì trước hết, người được đương sự nhờ làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình phải xuất trình được:
“Văn bản có nội dung thể hiện được ý chí của đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự”.
Tức là ý chí của đương sự đồng ý cho một người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình phải được thể hiện bằng văn bản. Và văn bản đó chính là cơ sở pháp lý đầu tiên để xác lập tư cách pháp lý cho người được đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Người được đương sự nhờ làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải xuất trình cho Tòa án các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 18
“Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người được đương sự nhờ làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải xuất trình cho Tòa án các giấy tờ, tài liệu sau đây:
a) Đối với Luật sư thì phải xuất trình cho Tòa án giấy giới thiệu của Văn phòng Luật sư nơi họ là thành viên hoặc có hợp đồng làm việc cử họ tham gia tố tụng tại Tòa án và thẻ Luật sư;
b) Đối với Trợ giúp viên pháp lý, người tham gia trợ giúp pháp lý thì phải xuất trình cho Tòa án giấy giới thiệu của Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử họ tham gia tố tụng và thẻ Trợ giúp viên pháp lý hoặc thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
c) Đối với người khác thì phải xuất trình cho Tòa án văn bản có nội dung thể hiện ý chí của đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự; văn bản của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc xác nhận họ không có tiền án, không đang bị khởi tố về hình sự, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không phải là cán bộ, công chức trong các ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an; một trong các loại giấy tờ tuỳ thân (như chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu,…).”
Điều kiện thứ hai: đó là tòa án chấp nhận sự tham gia tố tụng của người được đương sự nhờ với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Để được tòa án chấp nhận thì người được đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự sẽ phải chuẩn bị những giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP. Khi đã xuất trình đủ các giấy tờ đó trong thời hạn ba ngày làm việc tòa án sẽ xem xét để cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự để họ tham gia tố tụng, Khoản 2 Điều 18 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP đã quy định cụ thể.
2. Quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Tại Điều 76. Quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có nêu rõ:
1. Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự.
2. Thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.
3. Tham gia việc hòa giải, phiên họp, phiên tòa hoặc trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét.
4. Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
5. Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; trường hợp được đương sự ủy quyền thì thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt hoặc thông báo và có trách nhiệm chuyển cho đương sự.
6. Các quyền, nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 6, 16, 17, 18, 19 và 20 Điều 70 của Bộ luật này.
7. Quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.
Như vậy, căn cư dựa trên quy định chúng tôi nêu trên có thể thấy quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bao gồm các quyền cụ thể tại quy định như trên đó là quyền và nghĩa vụ tham gia vào các giai đoạn của quá trình tố tụng theo quy định của pháp luật hay quyền xác minh, thu thập chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho toà án, nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có ttong hồ sơ vụ việc dân sự, tham dự việc hoà giải vụ án dân sự, tham gia phiên toà dân sự, trực tiếp tham gia tranh luận tại phiên toà hoặc có văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, giúp đương sự về mặt pháp luật liền quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, tôn trọng toà án, thực hiện các yêu cầu và chấp hành các quyết định của toà án, phải có mặt theo giấy triệu tập của toà án; chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên toà theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy đinh thì quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyện và lợi ích hợp pháp của đương sự và việc tham gia tố tụng của họ hiện nay đã được quy định tại các điều 76, 210, 248, 260 …
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung Quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và các thông tin pháp lý khác dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.