Quy định lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự? Một số bất cập và kiến nghị đối với việc lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự?
Như chúng ta đã biết thì đương sự chính là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và gắn liền với vụ án, Các đương sự có thể liên quan trực tiếp đến các tình tiết và biết rõ nội dung vụ kiện. Có thể nói các vấn đề hay các yêu cầu của đương sự đều xuất phát từ lời khai và lời trình bày của họ, lời trình bày có thể khớp hoặc cũng có thể gây mâu thuẫn trong các lời khai của đương sự trong vụ kiện cụ thể nào đó.
Cơ sở pháp lý:
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Quy định lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự:
Tại Điều 98. Lấy lời khai của đương sự Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
1. Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản. Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án; trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án.
2. Biên bản ghi lời khai của đương sự phải được người khai tự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ. Đương sự có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận. Biên bản phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản và đóng dấu của Tòa án; nếu biên bản được ghi thành nhiều trang rời nhau thì phải ký vào từng trang và đóng dấu giáp lai. Trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở Tòa án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản.
3. Việc lấy lời khai của đương sự thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 69 của Bộ luật này phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện hợp pháp của đương sự đó.
Như vậy có thể thấy nếu xét về điều kiện thì trong trường hợp đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung của bản khai chưa đầy đủ thì Thẩm phán yêu cầu đương sự phải tự viết bản khai hoặc bản khai bổ sung và ký tên của mình. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự đã khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Chỉ trong trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản. Việc lấy lời khai của đương sự được thực hiện tại trụ sở Tòa án theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khi thực hiện việc lấy lời khai của đương sự theo quy định của pháp luật đối với trường hợp người chưa đủ 6 tuổi hoặc người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự phải được tiến hành với sự có mặt của người đại hiện hợp pháp của đương sự đó. Như vậy, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện. Trong trường hợp này, biên bản lấy lời khai của họ do người đại diện hợp pháp của họ ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào biên bản ghi lời khai.
Căn cứ dựa trên quy định chúng tôi đưa ra như trên, khi đã tiến hành lấy lời khai xong, phải cho đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản; đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai và phải có chữ ký của đương sự hoặc của người đại diện hợp pháp của đương sự xác nhận vào việc sửa đổi, bổ sung hoặc chỗ xóa đó. Trong trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì việc sửa đổi, bổ sung phải được ghi tiếp theo lời khai đã ghi, không nên viết đè lên chỗ đã xóa hoặc viết chèn thêm vào dòng đã viết hoặc dùng bút xóa xóa rồi viết đè lên, việc xóa phần lời khai mà đương sự yêu cầu phải được gạch bỏ. Kết thúc biên bản, cần ghi rõ biên bản đã được đương sự tự đọc lại hoặc được nghe lại (nếu đương sự không biết chữ), công nhận nội dung ghi trong biên bản đúng lời trình bày, ý chí của họ và yêu cầu đương sự ký tên, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ. Nếu điểm chỉ cần lưu ý ghi rõ ngón tay nào điểm chỉ và ghi rõ họ tên người điểm chỉ. Sau đó, nếu có Thư ký ghi bên bản thì Thư ký và Thẩm phán cũng phải ký vào biên bản.
Nếu xét về thẩm quyền trong trường hợp này thì việc lấy lời khai của đương sự phải do Thẩm phán tiến hành. Thư ký Tòa án chỉ có thể giúp Thẩm phán ghi lời khai của đương sự vào biên bản theo quy định của pháp luật. Trường hợp vì lý do công tác hoặc trở ngại khách quan thì Thẩm phán có thể giao cho Thư ký Tòa án tiến hành lấy lời khai nếu đương sự đồng ý.
2. Một số bất cập và kiến nghị đối với việc lấy lời khai của đương sự trong tố tụng dân sự:
Dựa trên quy định của pháp luật dân sự đề ra thì chúng tôi xin đưa ra ý kiến về việc lấy lời khai của đương sự còn một số hạn chế, bất cập của điều luật này như:
Bất cập đầu tiên chúng tôi nói tới đó là việc xác định như thế nào là “bản khai của đương sự chưa đầy đủ, rõ ràng”? Điều này có thể hiểu, đương sự là người biết chữ, có thể tự viết bản tự khai nhưng khai không “theo ý” xây dựng hồ sơ của Thẩm phán đang phụ trách thụ lý giải quyết, để rồi Thẩm phán “hướng dẫn” khai lại.
Ngoài ra còn một số bất cập trong quy định của bộ luật tố tụng dân sự về việc lấy lời khai như về vấn đề như thế nào là “đương sự không thể tự viết được”? Việc không thể tự viết được không đồng nghĩa với việc đương sự không biết chữ hoặc người đó không đọc được, có thể đương sự bị “hạn chế” trong việc viết lời khai như: học vấn thấp, viết không “tròn vành, rõ chữ” nên khó đọc được, người khác đọc không hiểu được…, nhưng không có nghĩa là đương sự không có người thân để viết thay họ lời khai, lời trình bày của mình để nộp bản tự khai cho Tòa theo ý chí của mình…
Cuối cùng đó là theo quy định của pháp luật thì việc lấy lời khai chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa rõ ràng nhưng lại không quy định giới hạn số lần lấy lời khai của đương sự và quy định nội dung bắt buộc của việc lấy lời khai của đương sự lần sau phải khác lần trước.
Như những phân tích đưa ra như trên thì quy định này có thể xảy ra hiện tượng Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký ghi lại lời khai của đương sự không đúng lời khai, suy nghĩ, ý chí mong muốn của đương sự, dẫn đến có thể làm sai lệch bản chất vụ án. Hoặc có thể xảy ra hiện tượng lạm dụng việc lấy lời khai của đương sự của người tiến hành tố tụng không bị giới hạn nhằm hướng tới mục đích, ý chí mà Thẩm phán thụ lý, giải quyết đã định ra.
Chúng ta có thể dễ dàng nhìn nhận vấn đề dựa trên quy định của pháp luật như trong một số vụ án lời khai của đương sự ở mỗi thời điểm khác nhau (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa; ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm) có lời trình bày, lời khai khác nhau, mâu thuẫn nhau, làm khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ cho Tòa án. Thư ký, Thẩm tra viên và Thẩm phán đã “cố tình” ghi lại nội dung lời khai không đúng với nội dung, ý chí trình bày của người đã khai. Khi đó, giá trị chứng minh của Biên bản lấy lời khai của đương sự sẽ tùy vào cách đánh giá, nhận định của mỗi Thẩm phán, mỗi cấp Tòa.
Kết luận: Từ những bất cập chúng tôi đã đưa ra như trên đây chúng ta có thể thấy để bảo đảm nội dung lấy lời khai của đương sự đúng với ý chí, lời trình bày của đương sự, bảo đảm sự thật khách quan và quyền tự định đoạt của đương sự thì cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về quy định lấy lời khai của đương sự theo quy định tại Điều 98 bộ luật tố tụng dân sự 2015.