Mỹ phẩm chất lượng là những loại mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả cao khi sử dụng. Mỹ phẩm là những mặt hàng sử dụng trực tiếp trên da, tác động trực tiếp đến mỹ quan và sức khỏe. Vậy kiểm tra nhà nước về chất lượng mỹ phẩm được pháp luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng mỹ phẩm:
- 2 2. Hình thức và nội dung kiểm tra, thanh tra nhà nước về chất lượng mỹ phẩm:
- 3 3. Quy định đình chỉ lưu hành và thu hồi mỹ phẩm sau kiểm tra nhà nước về chất lượng mỹ phẩm:
- 4 4. Thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm sau kiểm tra nhà nước về chất lượng mỹ phẩm:
1. Quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng mỹ phẩm:
Căn cứ Điều 41 Văn bản hợp nhất 7/VBHN-BYT năm 2021 do Bộ Y tế ban hành hợp nhất về các Thông tư quy định về quản lý mỹ phẩm thì kiểm tra nhà nước về chất lượng mỹ phẩm được quy định như sau:
- Các cơ quan kiểm tra chất lượng mỹ phẩm:
+ Cơ quan kiểm tra chất lượng mỹ phẩm ở Trung ương là Cục Quản lý dược – Bộ Y tế. Cục Quản lý dược sẽ chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm trên phạm vi toàn quốc. Trong các hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng mỹ phẩm, Cục Quản lý dược sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc ở thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai và giám sát những hoạt động về hậu mại đối với những sản phẩm mỹ phẩm. Trên cơ sở kết quả kiểm nghiệm mỹ phẩm của những cơ quan kiểm nghiệm nhà nước, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế là cơ quan kết luận chất lượng mỹ phẩm ở trên phạm vi toàn quốc.
+ Cơ quan kiểm tra chất lượng mỹ phẩm ở địa phương là Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sở Y tế của các tỉnh, thành phố Trung ương tổ chức triển khai những hoạt động về hậu mại đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước, mỹ phẩm nhập khẩu lưu thông ở trên địa bàn và xử lý các vấn đề về chất lượng mỹ phẩm theo quy định của pháp luật. Theo dõi, thống kê về tình hình quản lý chất lượng mỹ phẩm tại địa phương. Kết luận về chất lượng mỹ phẩm trên cơ sở kết quả kiểm nghiệm mỹ phẩm của các cơ sở kiểm nghiệm nhà nước về mỹ phẩm tại địa phương.
- Hệ thống kiểm nghiệm của nhà nước về mỹ phẩm bao gồm có:
+ Ở Trung ương: Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc của thành phố Hồ Chí Minh;
+ Ở địa phương: Trung tâm kiểm nghiệm thuốc và mỹ phẩm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Thủ trưởng các cơ quan kiểm nghiệm chất lượng mỹ phẩm chịu trách nhiệm về kết luận về kết quả kiểm tra chất lượng mỹ phẩm trước pháp luật.
2. Hình thức và nội dung kiểm tra, thanh tra nhà nước về chất lượng mỹ phẩm:
Nội dung về kiểm tra, thanh tra:
- Kiểm tra, thanh tra về việc chấp hành pháp luật về sản xuất, buôn bán mỹ phẩm:
+ Việc tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội của các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN) hoặc tương đương được Hội đồng mỹ phẩm ASEAN thừa nhận;
+ Ghi nhãn của mỹ phẩm;
+ Hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) theo đúng quy định của ASEAN;
+ Quảng cáo về mỹ phẩm.
- Kiểm tra, thanh tra việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về chất lượng và những nội dung khác liên quan đến mỹ phẩm (nếu có).
- Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thông báo thu hồi mỹ phẩm theo đúng quy định (nếu có).
Hình thức về kiểm tra, thanh tra:
- Kiểm tra, thanh tra định kỳ: Kiểm tra, thanh tra định kỳ sẽ được cơ quan có thẩm quyền thông báo trước cho những đơn vị được kiểm tra để đơn vị chuẩn bị về việc thanh tra trước khi tiến hành hoạt động kiểm tra, thanh tra.
- Kiểm tra, thanh tra đột xuất: Kiểm tra, thanh tra đột xuất khi phát hiện các sản phẩm không đạt chất lượng, không tuân thủ quy định lưu thông ở trên thị trường hoặc do các khiếu nại của khách hàng. Trong trường hợp khẩn cấp, các cơ quan có thẩm quyền có quyền kiểm tra, thanh tra không cần báo trước.
3. Quy định đình chỉ lưu hành và thu hồi mỹ phẩm sau kiểm tra nhà nước về chất lượng mỹ phẩm:
- Mỹ phẩm bị đình chỉ lưu hành và thu hồi khi mà xảy ra một trong các trường hợp sau:
+ Mỹ phẩm lưu thông khi mà chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;
+ Mỹ phẩm mà không đạt chất lượng, không an toàn cho người sử dụng;
+ Mỹ phẩm lưu thông có công thức không đúng như với hồ sơ đã công bố;
+ Mỹ phẩm lưu thông có chứa thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm, những chất có nồng độ, hàm lượng vượt quá giới hạn cho phép;
+ Mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố hoặc là không đáp ứng quy định về ghi nhãn sản phẩm, tùy mức độ vi phạm có thể bị đình chỉ lưu hành và thu hồi;
+ Mỹ phẩm lưu thông được sản xuất tại cơ sở không đáp ứng được nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN) hoặc là tương đương được Hội đồng mỹ phẩm ASEAN thừa nhận, tuỳ mức độ vi phạm có thể bị đình chỉ lưu hành và thu hồi;
+ Mỹ phẩm mà hết hạn sử dụng hoặc quá thời hạn theo khuyến cáo của nhà sản xuất;
+ Mỹ phẩm giả, nhập lậu, không rõ về nguồn gốc, xuất xứ, mỹ phẩm không còn nguyên vẹn bao bì;
+ Mỹ phẩm do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa các sản phẩm ra thị trường có văn bản thu hồi tự nguyện.
- Thẩm quyền ra quyết định thu hồi các mỹ phẩm vi phạm:
+ Cục Quản lý dược – Bộ Y tế ra quyết định thu hồi mỹ phẩm có vi phạm trong phạm vi toàn quốc.
+ Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (ở tỉnh Tây Ninh), Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị thực hiện việc thông báo của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế về thu hồi mỹ phẩm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật trên địa bàn và báo cáo về Cục Quản lý dược.
4. Thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm sau kiểm tra nhà nước về chất lượng mỹ phẩm:
- Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi khi mà xảy ra một trong các trường hợp sau:
+ Mỹ phẩm lưu thông mà có 2 lô không đạt chất lượng do cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng mỹ phẩm kết luận;
+ Mỹ phẩm lưu thông có công thức không đúng như với hồ sơ đã công bố;
+ Mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi sai lệch về nguồn gốc, xuất xứ;
+ Mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi sai lệch về bản chất tính năng vốn có của sản phẩm;
+ Mỹ phẩm không an toàn cho những người sử dụng;
+ Mỹ phẩm lưu thông có chứa thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm, những chất có nồng độ, hàm lượng vượt quá giới hạn cho phép;
+ Mỹ phẩm bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc là mạo nhãn của sản phẩm khác đã được phép lưu hành;
+ Mỹ phẩm mà bị cấm lưu hành ở nước sở tại;
+ Tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường đã có văn bản đề nghị thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;
+ Không có Hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật;
+ Giả mạo tài liệu, sử dụng con dấu giả hoặc giả mạo chữ ký, dấu của cơ quan chức năng Việt Nam hoặc là nước ngoài, của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm;
+ Kê khai không trung thực các nội dung ở trong Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
- Thẩm quyền để ra quyết định thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm:
+ Cục Quản lý dược – Bộ Y tế ra quyết định thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm sản xuất trong nước do chính Cục Quản lý dược cấp số tiếp nhận trước ngày 25/4/2009, mỹ phẩm nhập khẩu trong phạm vi toàn quốc.
+ Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất tại địa phương do đơn vị mình cấp.
+ Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (ở tỉnh Tây Ninh), Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị ra quyết định về việc thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do đơn vị mình cấp.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
- Văn bản hợp nhất 7/VBHN-BYT năm 2021 do Bộ Y tế ban hành hợp nhất Thông tư quy định về quản lý mỹ phẩm.
THAM KHẢO THÊM: