Pháp luật có quy định thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quyết định khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý thuế thì pháp luật quy định về khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật trốn thuế như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định về khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật trốn thuế:
Khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế là một trong những biện pháp áp dụng trong thanh tra thuế đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế. Vấn đề này được quy định tại Điều 123 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:
- Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quyết định khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật có liên quan đến hành vi trốn thuế. Trong trường hợp nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế chính là nơi ở thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Việc khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật được tiến hành khi có căn cứ về việc cất giấu tài liệu, tang vật mà có liên quan đến hành vi trốn thuế.
- Khi khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật phải có mặt người chủ nơi bị khám và người chứng kiến. Nếu trong trường hợp người chủ nơi bị khám vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì sẽ phải có đại diện chính quyền cấp xã và 02 người chứng kiến.
- Không được khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế vào ban đêm, ngày lễ, ngày tết, khi mà người chủ nơi bị khám có việc hiếu, việc hỉ, trừ trường hợp phạm pháp quả tang và phải ghi rõ lý do vào biên bản.
- Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế sẽ đều phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định và biên bản khám nơi cất giấu các tài liệu, tang vật phải được giao cho người chủ nơi bị khám 01 bản.
2. Các biện pháp khác áp dụng trong thanh tra thuế đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế:
Ngoài biện pháp khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế thì biện pháp tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế và biện pháp thu thập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế cũng là các biện pháp áp dụng trong thanh tra thuế đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế. Cụ thể như sau:
2.1. Đối với quy định về thu thập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế:
Điều 121 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về thu thập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế, Điều này quy định về thu thập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế như sau:
- Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có các thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp.
- Trong trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp các thông tin đúng nội dung, thời hạn, địa chỉ được yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực của thông tin đã cung cấp; trường hợp mà không thể cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Trong trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin bằng trả lời trực tiếp thì người được yêu cầu cung cấp các thông tin phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong văn bản để cung cấp thông tin theo như nội dung được yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đã cung cấp; trường hợp mà không thể có mặt thì việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng văn bản. Trong quá trình thu thập các thông tin bằng trả lời trực tiếp, các thành viên của đoàn thanh tra phải lập biên bản làm việc và phải được ghi âm, ghi hình công khai.
2.2. Đối với quy định về tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế:
Điều 122 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, Điều này quy định tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế như sau:
- Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, trưởng đoàn thanh tra thuế quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật có liên quan đến hành vi trốn thuế.
- Việc tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế được áp dụng khi cần phải xác minh tình tiết làm căn cứ để có quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay hành vi trốn thuế.
- Trong quá trình thanh tra thuế, nếu đối tượng thanh tra có biểu hiện tẩu tán, tiêu hủy các tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế thì trưởng đoàn thanh tra thuế đang thi hành nhiệm vụ sẽ được quyền tạm giữ tài liệu, tang vật đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi mà tạm giữ tài liệu, tang vật, trưởng đoàn thanh tra thuế phải báo cáo với thủ trưởng cơ quan quản lý thuế ra quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật; trong thời hạn là 08 giờ làm việc kể từ khi nhận được báo cáo, người có thẩm quyền phải xem xét và ra quyết định tạm giữ. Trong trường hợp người có thẩm quyền không đồng ý việc tạm giữ thì trưởng đoàn thanh tra thuế sẽ phải trả lại tài liệu, tang vật trong thời hạn 08 giờ làm việc kể từ khi người có thẩm quyền không đồng ý.
- Khi tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế trưởng đoàn thanh tra thuế sẽ phải lập biên bản tạm giữ. Trong biên bản tạm giữ sẽ phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại của tài liệu, tang vật bị tạm giữ; chữ ký của người thực hiện tạm giữ, người mà đang quản lý tài liệu, tang vật vi phạm. Người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản các tài liệu, tang vật tạm giữ và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tài liệu, tang vật bị mất, bán, đánh tráo hoặc là hư hỏng. Trong trường hợp tài liệu, tang vật cần được niêm phong thì việc niêm phong sẽ phải được tiến hành ngay trước mặt người có tài liệu, tang vật; nếu như người có tài liệu, tang vật vắng mặt thì việc niêm phong phải được tiến hành trước mặt đại diện gia đình hoặc là đại diện tổ chức và đại diện chính quyền cấp xã, người chứng kiến.
- Tang vật là tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng bạc, đá quý, kim khí quý và các vật thuộc diện quản lý đặc biệt phải được bảo quản theo quy định của pháp luật; tang vật là các hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phải tiến hành lập biên bản và phải tổ chức bán ngay để tránh tổn thất; tiền thu được phải được gửi vào trong tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước để bảo đảm thu đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải xử lý các tài liệu, tang vật bị tạm giữ theo những biện pháp trong quyết định xử lý hoặc là trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với các tài liệu, tang vật bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tài liệu, tang vật có thể được kéo dài đối với các vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh, nhưng không quá thời gian 60 ngày kể từ ngày tạm giữ tài liệu, tang vật. Việc kéo dài thời hạn tạm giữ tài liệu, tang vật phải do chính người có thẩm quyền quyết định.
- Cơ quan quản lý thuế phải giao 01 bản quyết định tạm giữ, biên bản tạm giữ, quyết định xử lý các tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế cho tổ chức, cá nhân có tài liệu, tang vật bị tạm giữ.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
- Luật Quản lý thuế 2019.
THAM KHẢO THÊM: