Quy định về họ, hụi, biêu, phường nếu không đóng lại hàng tháng. Quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi họ.
Quy định về họ, hụi, biêu, phường nếu không đóng lại hàng tháng. Quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi họ.
Tóm tắt câu hỏi:
em có cho 1 người chơi hụi nhưng qua lời giới thiệu của chị ruột người đó. sau khi người đó hốt hụi và không đóng lại theo hàng tháng cho em. Bây giờ chị ruột người đó hốt hụi em tạm giữ số tiền của người chị hốt lại đó và yêu cầu chị đó phải kêu em của chị về để giải quyết. thua luật sư em làm vậy có sai quy định của pháp luật không ạ.?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Luật sư tư vấn:
Theo như thông tin chị cung cấp, trường hợp của chị như sau: chị có cho chị B chơi hụi nhưng qua lời giới thiệu của chị A (chị ruột của B). Sau khi chị B hốt hụi và không đóng lại theo hàng tháng cho chị. Bây giờ chị A (chị ruột của B) hốt hụi, chị tạm giữ số tiền của chị A và yêu cầu chị A phải kêu em là chị B về giải quyết. Chị muốn hỏi, chị làm như vậy có sai quy định của pháp luật không?
Tại Điều 479 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về họ, hụi, biêu, phường như sau:
“1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
2. Hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi”.
Để giải quyết vấn đề của chị đưa ra thì căn cứ vào Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 về hụi, họ, biêu, phường. Nghị định này đã quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi họ. Để giải quyết vấn đề giữa chị với chị B và chị C, ta giải quyết theo hai hướng sau:
Thứ nhất, vấn đề giữa chị và chị A được giải quyết như sau: Theo như thông tin chị cho biết thì chị A là một thành viên trong hụi của chị. Vì chị B (em ruột chị A) đã hốt hụi và những tháng sau không đóng lại cho chị, nên khi đến lượt chị A hốt hụi chị đã tạm giữ lại tiền của chị A. Theo Điều 15 Nghị định 144/2006/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ của chủ họ như sau:
“1. Lập và giữ sổ họ và các giấy tờ liên quan đến họ.
2. Thu phần họ của các thành viên.
3. Giao các phần họ cho thành viên được lĩnh họ.
4. Nộp thay phần họ của thành viên trong trường hợp có thoả thuận nếu đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ.
5. Cho các thành viên xem sổ họ và cung cấp các thông tin liên quan đến họ khi có yêu cầu.
6. Các nghĩa vụ khác theo thoả thuận”.
Như vậy, trong trường hợp này việc chị tạm giữ lại tiền hụi của chị A là sai. Căn cứ vào quy định trên thì chị có nghĩa vụ “thu phần họ của các thành viên và giao các phần họ cho thành viên được lĩnh họ”. Vì vậy, chị là chủ hụi thì chị phải có nghĩa vụ giao đầy đủ các phần hụi cho thành viên được lĩnh hụi( chị A). Vấn đề vướng mắc ở đây là chị B, không liên quan đến chị A nên chị không có quyền tạm giữ tiền của chị A. Nếu như chị giữa lại số tiền của chị A thì chị đã vi phạm nghĩa vụ do không giao các phần họ cho thành viên được lĩnh họ theo quy định tại Điều 29 Nghị định 144/2006/NĐ-CP như sau:
“Trong trường hợp chủ họ đã thu các phần họ của các thành viên nhưng không giao cho thành viên được lĩnh họ thì theo yêu cầu của thành viên có quyền lĩnh họ, chủ họ phải giao các phần họ đã thu được cho thành viên đó và bồi thường thiệt hại nếu có.
Chủ họ phải trả lãi đối với các phần họ giao chậm theo mức lãi do các bên thoả thuận, nếu không có thoả thuận hoặc không thoả thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian giao chậm tại thời điểm giao các phần họ”
Trong trường hợp này, nếu chị không giao phần tiền hụi cho chị A theo đúng như quy định thì chị A có quyền yêu cầu chị giao các phần hụi và nếu như việc chậm giao tiền hụi của chị gây ra thiệt hại cho chị A thì chị phải bồi thường thiệt hại đó.
Thứ hai, vấn đề giữa chị và chị B được giải quyết như sau: Chị B qua lời giới thiệu của chị A đã tham gia và trở thành thành viên trong hụi của chị. Theo Điều 13 Nghị định 144/2006/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ của thành viên khi chơi hụi như sau:
“1. Góp phần họ theo thoả thuận cho chủ họ trong trường hợp có chủ họ hoặc cho thành viên được lĩnh họ.
2. Bồi thường thiệt hại cho những người tham gia họ, nếu vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại.
3. Các nghĩa vụ khác theo thoả thuận.
4. Trong trường hợp không có chủ họ thì thành viên được uỷ quyền lập và giữ sổ họ có các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 15 Nghị định này”.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 16 Nghị định 144/2006/NĐ-CP về quyền của chủ họ như sau:
– Yêu cầu các thành viên trong họ phải góp phần họ.
– Yêu cầu thành viên được lĩnh họ nhận các phần họ khi đến kỳ mở họ.
– Yêu cầu thành viên không góp phần họ của mình phải hoàn trả phần họ trong trường hợp chủ họ đã góp thay cho thành viên đó.
– Các quyền khác theo thoả thuận.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên và theo như thông tin chị cho biết: sau khi chị B hốt hụi và không đóng lại hàng tháng cho chị nên trong trường hợp này chị B đã vi phạm về nghĩa vụ của thành viên trong hụi. Với tư cách là chủ hụi, chị sẽ có quyền yêu cầu chị B đóng góp phần hụi hàng tháng. Nếu chị B cố tình trốn tránh nghĩa vụ, theo quy định tại Điều 30 Nghị định 144/2006/NĐ-CP về trách nhiệm của của thành viên do không góp họ, như sau:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
“1. Trong trường hợp thành viên không góp phần họ khi đến kỳ mở họ thì thành viên đó phải thanh toán đủ phần họ còn thiếu tương ứng với thời gian chưa thanh toán cho đến thời điểm kết thúc họ và bồi thường thiệt hại nếu có.
2. Trong trường hợp thành viên không góp phần họ, chủ họ đã góp các phần họ thay cho thành viên đó thì thành viên phải trả cho chủ họ các phần họ chậm trả và khoản lãi đối với các phần họ chậm trả. Mức lãi do các bên thoả thuận, nếu không có thoả thuận hoặc không thoả thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm trả các phần họ”.
Căn cứ vào quy định trên, thì chị hoàn toàn có quyền yêu cầu chị B góp tiền hụi hàng tháng. Nếu như chị B chậm đóng tiền hụi mà gây ra thiệt hại cho chị thì chị B phải bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của chị. Trong trường hợp, chị B cố tình không đóng tiền hụi thì chị có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.