Quy định về hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính từ phạt cảnh cáo đến trục xuất.
Quy định về hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính từ phạt cảnh cáo đến trục xuất.
1. Cảnh cáo
Theo Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính:
“Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.”
Về đối tượng áp dụng, hình thức phạt cảnh cáo được áp dụng đối với:
Thứ nhất, mọi hành vi vi phạm hành chính của người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Điểm a khoản 1 điều 5 của luật này cũng quy định chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng này khi người đó vi phạm hành chính do cố ý.
Hoặc thứ hai, các hành vi vi phạm hành chính của cá nhân từ đủ 16 tuổi trở hoặc tổ chức không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ.
Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.
2. Phạt tiền
Hình thức phạt tiền được quy định tại Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về đối tượng áp dụng: Cá nhân từ đủ 16 trở lên, tổ chức vi phạm hành chính là đối tượng bị áp dụng hình thức phạt tiền. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên, trường hợp không có tiền nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay (theo khoản 3 Điều 134 Luật này).
Về mức phạt tiền chung: Theo quy định tại khoản 1 điều 23, mức phạt tiền đối với cá nhân là từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng ; đối với tổ chức từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, trừ trường hợp mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực thuế, đo lường, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, chứng khoán, hạn chế cạnh tranh quy định tại Khoản 3 Điều 24 của Luật này.
Đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung.
Về thẩm quyền quy định khung tiền phạt, mức tiền phạt, Khoản 2, Khoản 3 của Điều 23 quy định thẩm quyền định khung tiền phạt và mức phạt:
Theo đó, Chính phủ có thẩm quyền quy định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt cho các hành vi vi phạm hành chính nhưng không vượt quá mức tiền phạt tối đa nêu ở trên. Chính phủ quy định bằng một trong hai phương thức là xác định số tiền phạt tối thiểu, tối đa hoặc xác định số lần, tỷ lệ phần trăm của giá trị, số lượng hàng hóa, tang vật vi phạm, đối tượng bị vi phạm hoặc doanh thu, số lợi thu được từ vi phạm hành chính.
Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quyết định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương dựa trên quy định của Chính phủ và đặc điểm của địa phương.
Về nguyên tắc định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể: được quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính
Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.
Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt.
Nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
Về mức tiền phạt tối đa trong mỗi lĩnh vực: Mức tiền phạt tối đa đối với từng lĩnh vực được quy định chi tiết ở Điều 24 Luật này. Ví dụ như
“Phạt tiền đến 30.000.000 đồng: hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình; lưu trữ; tôn giáo; thi đua khen thưởng; hành chính tư pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kê;
Phạt tiền đến 40.000.000 đồng: an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao thông đường bộ; giao dịch điện tử; bưu chính;
….”
3. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn
Hình thức xử phạt này được quy định tại Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính
Thứ nhất, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn
Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Đối tượng áp dụng: cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề: từ 1 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Người có thẩm quyền xử phạt giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Thứ hai, đình chỉ hoạt động có thời hạn
Đối tượng áp dụng: cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính mà có hoạt động bị:
Đình chỉ một phần hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép của cá nhân, tổ chức đó.
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc hoạt động khác mà theo quy định của pháp luật không phải có giấy phép và hoạt động đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.
Thời hạn đình chỉ hoạt động: từ 1 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.
4. Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính
Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định:
“ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.”
Đối tượng áp dụng: cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Tịch thu, sung công quỹ đối với vật, hàng hoá, tiền, phương tiện mà các đối tượng dùng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc do vi phạm hành chính mà có được. Đối với vật, tiền, hàng hoá, phương tiện thuộc sở hữu hợp pháp bị đối tượng vi phạm hành chính chiếm hữu bất hợp pháp thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.
Việc xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu được quy định chi tiết ở Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, tang vật, phương tiện bị tịch thu có thể được sung vào ngân sách nhà nước; giao cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng; giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý; bán đấu giá hoặc xử lý, tiêu huỷ theo quy định của pháp luật.
5. Trục xuất
Điều 27. Luật xử lý vi phạm hành chính
“1. Trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Chính phủ quy định chi tiết việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.”
Đối tượng áp dụng: nước nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam.
Không như các hình thức xử phạt khác có nhiều chủ thể có thẩm quyền áp dụng, đối với trục xuất, chỉ Giám đốc công an cấp tỉnh và Cục trưởng cục quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền áp dụng hình thức này.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính
– Hình thức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
– Những hành vi bị nghiêm cấm trong xử phạt vi phạm hành chính
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6568 hoặc gửi thư về địa chỉ email: [email protected].
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn luật thuế trực tuyến miễn phí qua điện thoại