Khái quát về giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp? Quy định về giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp?
Vật liệu nổ công nghiệp là “hàng hóa” đặc biệt, vì vậy, quá trình vận chuyển đòi hỏi các điều kiện cực kỳ chặt chẽ, bởi chỉ một sơ suất, vi phạm nhỏ là có thể dẫn đến cháy, nổ gây hậu nghiêm trọng và đặc biệt hơn là thiệt hại về người, tài sản, cũng như gây mất ổn định về an ninh chính trị và kinh tế. Pháp luật về quản lý vật liệu nổ công nghiệp yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp vận chuyển vật liệu nổ phải đảm bảo các điều kiện luật định, trong đó, bắt buộc phải có giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp. Với ý nghĩa quan trọng của loại giấy phép này, trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ phân tích các vấn đề pháp lý về giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.
Thông tư 04/2014/TT-BCA sửa đổi Thông tư 35/2010/TT-BCA quy định về cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và hàng nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp?
Theo giải thích tại Khoản 9, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: “Vật liệu nổ công nghiệp là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự.”. Như vậy, vật liệu nổ công nghiệp là ” sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ” sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự.
Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp là hoạt động vận chuyển các sản phẩm, nguyên liệu (vật liệu nổ công nghiệp, vật liệu nổ công nghiệp mới, tiền chất thuốc nổ, hàng nguy hiểm loại 1) từ địa điểm này đến địa điểm khác.
Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp cho tổ chức, đơn vị vận chuyển đáp ứng các điều kiện luật định về vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp. Giấy phép vận chuyển vật liệu nỏ công nghiệp là một trong các điều kiện bắt buộc đối với tổ chức, doanh nghiệp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp được quy định tại điểm d, Khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đây cũng là văn bản làm căn cứ để xác định trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị trong việc phải thực hiện theo đúng nội dung ghi trong giấy phép, việc làm trái nội dung và gây ra các hậu quả nghiêm trọng sẽ dẫn đến việc các chủ thể này phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý hành chính, dân sự và hình sự.
2. Quy định về giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp?
Nghiên cứu quy định về giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tác giả tập trung vào các khía cạnh sau:
2.1. Điều kiện để được cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
Quy định về điều kiện được cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp được ghi nhận tại Khoản 1, Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Khoản 2 Điều 1 Thông tư 04/2014/TT-BCA. Điều kiện để được cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải là sự kết hợp dựa trên cơ sở 02 điều luật này, cụ thể:
– Thứ nhất, tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh hoặc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; doanh nghiệp có đăng ký ngành, nghề vận chuyển hàng hóa. Điều kiện này nhằm xác định chính xác mục đích của việc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, cũng là cách thức để nhà nước dễ dàng quản lý hoạt động vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp an toàn, hiệu quả và thực sự cần thiết. Hơn nữa, việc doanh nghiệp có đăng ký ngành, nghề vận chuyển hàng hóa cho thấy được kinh nghiệm làm việc, cũng như có các yếu tố cơ bản để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp- một loại “hàng hóa đặc biệt”.
– Thứ hai, có phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện. Các điều kiện này được xác định bao gồm: (1) có đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; có giấy chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm do cơ quan đăng kiểm cấp; (2) Đáp ứng quy định của Quy chuẩn QCVN 02:2008/BCT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; (3) Đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy; (4) Có biểu trưng báo hiệu phương tiện đang vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
Việc đặt ra các điều kiện đối với phương tiện vận chuyển là hoàn toàn hợp lý, bởi vận chuyển đề cao nhất là phương tiện, một phương tiện đảm bảo an toàn quyết định đến 90% hiệu quả vận chuyển, hơn nữa, phương tiện vận chuyển là yếu tố vật chất, hoàn toàn có thể xác định và khắc phục hay đặt ra các quy chuẩn cụ thể để đưa ra các phương án vận chuyển phù hợp và tối ưu nhất.
– Thứ ba, có người quản lý, người điều khiển phương tiện, áp tải và người phục vụ khác có liên quan đến vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện. Các điều kiện được luật định bao gồm: (1) Đủ 18 tuổi trở lên, có lý lịch rõ ràng, không có tiền án, tiền sự (bản khai lý lịch phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan công tác). Đối với người điều khiển phương tiện phải có giấy phép lái xe, lái tàu hoặc bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với phương tiện đăng ký vận chuyển; (2) Có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền cấp; giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về vật liệu nổ công nghiệp và các biện pháp bảo đảm an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp có thẩm quyền cấp; (3) Có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm.
Trong số các đối tượng về nhân sự, thì người điều khiển phương tiện là chủ thể trọng tâm, là người trực tiếp tác động tới phương tiện, nếu phương tiện có hoàn hảo và đạt các điều kiện được phân tích ở trên nhưng người điều khiển phương tiện không tốt thì hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Do vậy, việc đặt ra các điều kiện đối với những người có liên quan đến vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp là điểm hoàn toàn hợp lý, cần thiết, từ đó dễ dàng xác định trách nhiệm của họ hay tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
2.2 Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
Thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp: Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (cơ quan Công an có thẩm quyền) – Khoản 4 Điều 1 Thông tư 04/2014/TT-BCA.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp được quy định tại Khoản 3, Điều 44, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bao gồm: (1) Văn bản đề nghị nêu rõ lý do, khối lượng, số lượng, chủng loại vật liệu nổ công nghiệp cần vận chuyển; nơi đi, nơi đến, thời gian và tuyến đường vận chuyển; họ và tên, địa chỉ của người chịu trách nhiệm vận chuyển, người điều khiển phương tiện; biển kiểm soát của phương tiện; (2) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp nhận vật liệu nổ công nghiệp; (3) Các loại giấy tờ chứng minh đủ điều kiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; (4)
Các loại hồ sơ trên là các tài liệu chứng minh cho các điều kiện được nêu ở mục 2.1. Việc thiếu một trong các loại giấy tờ sẽ dẫn đến hồ sơ không hợp lệ, tổ chức, doanh nghiệp vận chuyển sẽ phải chuẩn bị lại và nếu hồ sơ không đạt chuẩn thì họ sẽ không được cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp được thực hiện như sau:
– Tổ chức, doanh nghiệp lập 01 bộ hồ sơ và gửi đến cơ quan Công an có thẩm quyền. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. (Khoản, 5, 6 Điều 44, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ).
Nhìn chung, thủ tục cấp giấy phép khá đơn giản và nhanh chóng, do thời hạn có hiệu lực là không dài và giá trị áp dụng của giấy phép chỉ tính theo lượt, việc quy định thời hạn 03 ngày làm việc là phù hợp, vừa đáp ứng đủ thời gian để cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ, vừa không làm gián đoạn hoạt động vận chuyển của đơn vị vận chuyển.
2.3. Hiệu lực của giấy phép vận chuyển.
Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp chỉ có giá trị cho một lượt vận chuyển và phải được trả lại cho cơ quan đã cấp giấy phép trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hoàn tất việc vận chuyển. (Khoản 6, Điều 44, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Khoản 1, Điều 7 Thông tư 35/2010/TT-BCA). Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp có nội dung, trong đó có xác định loại vật liệu nổ cụ thể được phép vận chuyển và gắn với đó là các điều kiện để đảm bảo an toàn đối với vật liệu nổ công nghiệp đó, do vậy việc giấy phép vận chuyển chỉ có giá trị cho một lượt vận chuyển là hợp lý, tuy nhiên điều này có thể sẽ dẫn đến những khó khăn cho đơn vị vận chuyển, vì đó là hoạt động nghề nghiệp của đơn vị, nên họ sẽ phải vận chuyển rất nhiều các loại vật liệu nổ mà mỗi lần như thế lại phải đề nghị cấp giấy phép sẽ rất mất thời gian.
Trường hợp vật liệu nổ công nghiệp có số lượng lớn, phải vận chuyển bằng nhiều phương tiện trong cùng một chuyến thì chỉ cấp một giấy phép vận chuyển; nếu vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau (đường bộ, đường sắt, đường thủy) thì phải cấp riêng cho mỗi loại phương tiện một giấy phép vận chuyển. (Khoản 7, Điều 44, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Khoản 1, Điều 7 Thông tư 35/2010/TT-BCA). Quy định này cũng nhằm một phần hạn chế nhược điểm đã được nêu trên, tuy nhiên chỉ áp dụng cho vật liệu nổ công nghiệp có số lượng lớn và phải vận chuyển bằng nhiều phương tiện trong cùng một chuyến (tức là nhiều xe container chẳng hạn) chứ không phải các loại phương tiện khác nhau.