Quy định về giám hộ cho người chưa thành niên. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ.
Quy định về giám hộ cho người chưa thành niên. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư. Tôi có người em gái bị chồng phụ bạc đi theo gái nhiều năm nay không bỏ. Em gái tôi đã bỏ về nhà ngoại sinh sống, sinh thêm một cháu trai, một mình nuôi nấng hai đứa con rất vất vả. Tôi là chị gái, tôi thường xuyên sát cánh chăm sóc nuôi dạy, vợ chồng em gái tôi chưa đưa ra Tòa án giải quyết. Hiện nay, cháu tôi đi học nhà trẻ, trong giấy tờ đăng ký có sự ủy quyền của em gái cho tôi là người đưa đón cháu đi học về. Khi cháu bị sự cố ở lớp học, tôi có được phép can thiệp hay không? Tôi có được giám hộ hay không? Mong luật sư hồi đáp sớm để tôi được hiểu thêm về luật pháp! Trân trọng cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 581 Bộ luật dân sự 2005 về
''
Hợp đồng ủy quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định''
Như vậy, trong trường hợp này, giữa bạn và em gái đã xác lập hợp đồng ủy quyền, theo đó có sự thỏa thuận giữa hai bên về nghĩa vụ thực hiện công việc thay cho em gái. Điều 584 Bộ luật dân sự 2005 quy định về nghĩa vụ của bên được ủy quyền, cụ thể như sau:
– Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó;
– Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền;
– Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền;
– Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền;
– Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật;
– Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ đã được ủy quyền.
Như vậy, khi cháu gái bạn có sự cố ở lớp học, bạn hoàn toàn có quyền can thiệp trong phạm vi được ủy quyền.
Thứ hai, vấn đề bạn có được giám hộ hay không?
Theo quy định tại Điều 58 Bộ luật dân sự 2005:
''Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi chung là người được giám hộ).''
>>> Luật sư tư vấn quy định về giám hộ người chưa thành niên: 1900.6568
Những người được giám hộ bao gồm:
– Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu;
– Người mất năng lực hành vi dân sự.
Điều 61 Bộ luật dân sự 2005 quy định người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên như sau:
''Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định như sau:
1. Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;
2. Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.''
Như vậy, hiện nay cha và mẹ của cháu bé vẫn còn sống thì cha, mẹ sẽ là người đại diện theo pháp luật của cháu. Nếu cha, mẹ không còn hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự,… thì lúc này mới đặt ra vấn đề cần người giám hộ cho cháu.
Do đó, bạn không thể trở thành người giám hộ cho cháu bé trong trường hợp này.