Cơ cấu tổ chức trường mầm non? Quy đinh pháp luật về điều kiện, thủ tục giải thể trường mầm non tư thục vi phạm quy định pháp luật.
Hoạt động giảng dạy của các nhà trường không còn quá xa lạ đối với chúng ta nhưng có lẽ hầu như mọi người đều không nắm được quy định về điều kiện thành lập cũng như hoạt động của nhà trường. Chính vì vậy, chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trong đó có hoạt động của trường mầm non về thành lập và những trường hợp vi phạm dẫn đến giải thể trường học. Vậy, những hành vi vi phạm để giải thể trường học là gì? Pháp luật quy định như thế nào về trình tự, thủ tục và hồ sơ giải thể?
Luật sư
cơ sở pháp lý:
– Văn bản hợp nhất số 06/VBHN–BGDĐ
1. Cơ cấu tổ chức nhà trường, nhà trẻ tư thục
Nhà trường, nhà trẻ tư thục có cơ cấu tổ chức đảm bảo các yêu cầu về cơ cấu tổ chức quy định tại Điều lệ trường mầm non và phù hợp với điều kiện, quy mô của trường, bao gồm:
– Hội đồng quản trị (nếu có);
– Ban kiểm soát;
– Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng;
– Tổ chuyên môn;
– Tổ văn phòng;
– Tổ chức đoàn thể;
– Các nhóm, lớp.
Đối với nhà trường, nhà trẻ tư thục thì sẽ có thành viên góp vốn và tất cả các thành viên góp vốn và đều có quyền biểu quyết. Số phiếu biểu quyết của từng thành viên tương ứng với phần vốn góp theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, nhà trẻ nên hội đồng thành viên có quyền hạn, nhiệm vụ sau đây:
– Xác định mục tiêu, phương hướng xây dựng và phát triển nhà trường, nhà trẻ;
– Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban kiểm soát; giải quyết yêu cầu đột xuất về việc bổ sung, thay đổi thành viên Hội đồng quản trị trong nhiệm kỳ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận;
– Thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, nhà trẻ,
– Thông qua các quy định nội bộ của nhà trường, nhà trẻ về tiêu chuẩn lựa chọn Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hiệu trưởng;
– Thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, nhà trẻ.
Bởi lẽ nhà trường, nhà trẻ có thành viên góp vốn mà theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 06/VBHN–BGDĐT thì Nhà trường, nhà trẻ tư thục có từ hai thành viên góp vốn trở lên phải có Hội đồng quản trị.
Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý và là tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của nhà trường, nhà trẻ, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết nghị của Đại hội đồng thành viên góp vốn và có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch, kế hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường, nhà trẻ phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối tượng tham gia Hội đồng quản trị là những người có vốn góp xây dựng nhà trường, nhà trẻ hoặc người đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân có số vốn góp theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, nhà trẻ.
Hội đồng quản trị nhiệm kỳ đầu tiên do tổ chức hoặc cá nhân đề nghị thành lập nhà trường, nhà trẻ đề cử. Từ nhiệm kỳ thứ hai, việc thành lập Hội đồng quản trị được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu kín tại cuộc họp Đại hội đồng thành viên góp vốn.
Hội đồng quản trị họp thường kỳ ba tháng một lần. Các cuộc họp bất thường do Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập khi có ít nhất 1/3 số thành viên Hội đồng quản trị đề nghị.
Cuộc họp Hội đồng quản trị được tiến hành khi có từ 3/4 tổng số thành viên trở lên dự họp. Trường hợp không đủ số thành viên theo quy định thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Trường hợp này cuộc họp được tiến hành nếu có hơn một nửa số thành viên Hội đồng quản trị dự họp. Các thành viên của Hội đồng quản trị bình đẳng về quyền biểu quyết.
Nội dung các cuộc họp phải được ghi biên bản và thông qua tại cuộc họp, phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị và thư ký cuộc họp. Nghị quyết của Hội đồng quản trị được thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bằng phiếu kín tại cuộc họp và chỉ có hiệu lực khi được quá nửa số thành viên của Hội đồng quản trị nhất trí. Trường hợp số phiếu tán thành và không tán thành ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Việc bổ sung, thay đổi thành viên Hội đồng quản trị phải được Đại hội đồng thành viên góp vốn thông qua bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Theo đó, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản trị như sau:
Hội đồng quản trị có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
– Xây dựng định hướng chiến lược phát triển và kế hoạch hoạt động hàng năm của nhà trường, nhà trẻ để trình Đại hội đồng thành viên góp vốn tại các kỳ họp.
– Quyết nghị thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, nhà trẻ để trình Đại hội đồng thành viên góp vốn xem xét thông qua; kiến nghị Đại hội đồng thành viên góp vốn xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định của nhà trường, nhà trẻ khi cần thiết hoặc kiến nghị việc bổ sung, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên của Hội đồng quản trị.
– Quyết nghị thông qua các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức thu, chi tài chính của nhà trường, nhà trẻ; quy định về việc hoàn vốn, rút vốn và chuyển nhượng vốn phù hợp với quy định của pháp luật về chế độ quản lý tài chính.
– Huy động các nguồn vốn để xây dựng nhà trường, nhà trẻ; phê duyệt dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm do Hiệu trưởng trình; giám sát việc quản lý tài chính và tài sản của nhà trường, nhà trẻ; báo cáo về tài chính hàng năm của nhà trường, nhà trẻ tại cuộc họp để Đại hội đồng thành viên góp vốn xem xét thông qua.
– Đề cử và đề nghị công nhận hoặc hủy bỏ việc công nhận Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng; trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định.
– Phê duyệt phương án tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự của nhà trường, nhà trẻ trên cơ sở đề xuất của Hiệu trưởng.
– Xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường, nhà trẻ, giám sát việc thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị, giám sát Hiệu trưởng và Kế toán trưởng trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý trực tiếp.
– Triệu tập Đại hội đồng thành viên góp vốn họp thường kỳ mỗi năm một lần hoặc họp đột xuất khi có yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng quản trị.
2. Quy định về giải thể, đóng cửa trường mầm non tư thục
Giải thể nhà trường, nhà trẻ tư thục là chế tài cao nhất áp dụng cho trường mầm non tư thục không bảo đảm điều kiện hoạt động hoặc vi phạm pháp luật. Quy định về giải thể hướng dẫn tại Nghị định số 46/2017/NĐ-CP như sau:
Nhà trường, nhà trẻ bị giải thể nếu xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
– Vi phạm nghiêm trọng các quy định về tổ chức, hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
– Hết thời gian đình chỉ hoạt động giáo dục ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ;
– Mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội;
– Theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.
Trình tự, thủ tục giải thể nhà trường, nhà trẻ.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ giải thể gồm có:
– Quyết định thành lập đoàn kiểm tra của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Biên bản kiểm tra;
– Tờ trình đề nghị giải thể nhà trường, nhà trẻ của phòng giáo dục và đào tạo, trong đó xác định rõ lý do đề nghị giải thể, kèm theo các chứng cứ chứng minh nhà trường, nhà trẻ vi phạm một trong những trường hợp đã quy định phải giải thể hoặc tờ trình đề nghị giải thể của tổ chức, cá nhân thành lập nhà trường, nhà trẻ. Tờ trình cần nêu rõ lý do giải thể, các biện pháp giải quyết quyền lợi hợp pháp của trẻ em, giáo viên, cán bộ và nhân viên sau khi nhà trường, nhà trẻ tư thục bị giải thể; phương án giải quyết tài chính, tài sản của nhà trường, nhà trẻ tư thục.
Bước 2: Nộp hồ sơ
– Tổ chức, cá nhân thành lập nhà trường, nhà trẻ có nhu cầu giải thể, nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
– Trong trường hợp có phát hiện hoặc báo cáo của cơ quan, tổ chức hay cá nhân về việc nhà trường, nhà trẻ có hành vi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan trong thời hạn 20 ngày, tiến hành kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ giải thể, thông báo cho nhà trường, nhà trẻ tư thục và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong đó phải nêu rõ lý do giải thể;
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giải thể nhà trường, nhà trẻ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét quyết định giải thể hay không giải thể nhà trường, nhà trẻ tư thục.
Quyết định giải thể nhà trường, nhà trẻ tư thục cần nêu rõ lý do giải thể, các biện pháp bảo đảm quyền lợi của trẻ em, giáo viên, cán bộ và nhân viên trong trường; phương án giải quyết tài sản, tài chính của trường, bảo đảm tính công khai, minh bạch. Quyết định giải thể nhà trường, nhà trẻ tư thục phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Như vậy, mặc dù nhà trường, nhà trẻ được mở theo hình thức tư thục nhưng vẫn phải có cơ cấu tổ chức và hoạt động theo điều lệ của pháp luật quy định của trường công lập. Trong đó vẫn có các hội đồng quản trị đảm nhiệm chức vụ quyền hạn xay dựng, phát triển và có ban quản lý gồm hiệu trưởng và phó hiệu trường, các tổ chuyên môn phụ trách giảng dạy như những trường công lập.